Không công khai điều chỉnh quy hoạch dễ tiếp tay cho tham nhũng

Thông tin mù mờ sẽ khiến quy hoạch trở nên méo mó và là thời cơ vàng để tiếp tay cho sai phạm.

 

Những “cái gai” quy hoạch

Quy hoạch không đồng bộ là nguyên nhân dẫn đến ngập lụt, ùn tắc giao thông, điển hình như cách quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương, Hà Nội. Đây cũng là ví dụ của quy hoạch bất cập khi tại tuyến đường này có tới 15 dự án được UBND thành phố Hà Nội và Sở Quy hoạch Kiến trúc điều chỉnh quy hoạch tới 45 lần.

Hình hài hiện đại của các thành phố lớn là kết quả của rất nhiều lần ký duyệt, quy hoạch. Nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên, mang lại sự khang trang, hiện đại cho các khu đô thị nhưng kèm theo đó là tình trạng tắc đường, ngập lụt ở không ít tuyến đường như Lê Văn Lương, Tố Hữu,…

Đường Lê Văn Lương là điển hình của quy hoạch bất cập. Ảnh: Văn Ngân

Không chỉ là điểm nóng về giao thông, quy hoạch trên tuyến đường Lê Văn Lương còn thiếu hụt nghiêm trọng hạ tầng xã hội. Các chung cư mọc lên san sát nhau nhưng không đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân sinh sống tại khu vực này nói riêng và bức tranh nham nhở về phát triển đô thị của thủ đô nói chung.

Đồ án quy hoạch chi tiết hai bên đường Tố Hữu phê duyệt năm 2016 có quy mô diện tích gần 955.000 m2 cũng có nhiều vi phạm. Theo đó, khu vực này bố trí trạm y tế, sân luyện tập, chợ theo quy mô dân số gần 30.000 người; thiếu gần 42.000m2 cho đất giáo dục; nhiều dự án bố trí thiếu hoặc không bố trí diện tích cây xanh.

Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều quy hoạch liên tục bị điều chỉnh, thậm chí điều chỉnh sai quy định pháp luật.

Cụ thể: Dự án trung tâm thương mại dịch vụ công cộng, nhà trẻ và nhà ở để bán do Công ty đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội làm chủ đầu tư đã được điều chỉnh từ 15 tầng thành 32 tầng, mật độ dân số tăng hơn 1.000 người. Diện tích đất sân vườn cây xanh được chủ đầu tư tự ý thay thế thành trung tâm thương mại.

Dự án dịch vụ thương mại công cộng, nhà ở và nhà trẻ do Công ty cổ phần Dịch vụ và Kinh doanh Bất động sản Hà Nội làm chủ đầu tư được điều chỉnh quy hoạch tới 5 lần nâng từ 18.5 tầng lên thành 35 nhóm tầng; tăng thêm dân số gần 3.100 người.

Có nhiều nguyên nhân khiến cho bộ mặt của đô thị vẫn còn nham nhở, trong đó có quy trình xin ý kiến công khai quy hoạch chưa được thực hiện đầy đủ.

Cần chế tài xử lý hành vi gây mù mờ thông tin

Tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) từng nhấn mạnh, bản quy hoạch tốt nhất là bản quy hoạch thể hiện được sự mong muốn của người dân. Một bản quy hoạch có tính linh hoạt đáp ứng những yêu cầu mà người dân cho là cần thiết.

Để việc thực hiện lấy ý kiến của người dân được tốt hơn, chính quyền các cấp, đội ngũ công chức cần thực sự coi phục vụ người dân là mục tiêu chính trong hoạt động của mình. Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm lập quy hoạch không chỉ làm theo đúng quy định của pháp luật về công bố thông tin, lấy ý kiến người dân mà còn tùy thuộc vào tình hình, đặc điểm phân bố dân cư để có biện pháp đưa thông tin đến người dân một cách phù hợp nhất.

Nữ đại biểu cho rằng, cùng một nội dung nhưng cần có kế hoạch tổ chức thông tin lấy ý kiến người dân bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với từng nhóm dân cư. Việc nghiên cứu phương pháp có sự tham gia của cộng đồng vào công tác quy hoạch là rất cần thiết, góp phần phát triển xã hội theo hướng công bằng dân chủ và bền vững.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.

Việc người dân khó tiếp cận với quy hoạch cũng được đại biểu Lê Thanh Hoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa chỉ ra: “Theo phản ánh của cử tri, những gì dân muốn biết, dân cần thực sự rất khó để tiếp cận. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất trật tự tại một số địa phương".

Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện việc công bố công khai thông tin lại chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa thấy báo cáo số liệu về xử lý kỷ luật hay xử lý trách nhiệm trong trường hợp không công bố thông tin quy hoạch.

Do đó, đại biểu đề nghị trong dự thảo Nghị quyết giám sát, Quốc hội cần bổ sung quy định về biện pháp, chế tài xử lý cụ thể với những trường hợp chậm hoặc không công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm những quy định của pháp luật về quy hoạch được thực thi nghiêm túc trên thực tế.

Không công khai quy hoạch là tiếp tay cho tham nhũng

Dư luận cũng đặt ra nhiều nghi vấn về vấn đề lợi ích nhóm trong việc liên tục điều chỉnh quy hoạch không công khai đồ án quy hoạch; thực tế thông tin nếu không được minh bạch sẽ dễ xảy ra tham nhũng. Thông tin mù mờ sẽ khiến quy hoạch trở nên méo mó và là thời cơ vàng để tiếp tay cho sai phạm.

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Quốc hội

Để thực hiện tốt việc công bố công khai lấy ý kiến về quy hoạch, ngăn ngừa sai phạm, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật, cụ thể hóa các quy định về tổ chức thực hiện; làm rõ cơ chế đại diện cộng đồng; quy định rõ về quy trình thực hiện lấy ý kiến cộng đồng. Cách thức tổ chức lấy ý kiến phải bảo đảm phản ánh trung thực, nguyện vọng của người dân; ý kiến phải được tổng hợp, đánh giá bằng văn bản.

Bên cạnh đó bổ sung và hoàn thiện cơ chế tài chính; bổ sung quy định về kinh phí cho việc lấy ý kiến cộng đồng. Trong quá trình thiết kế quy hoạch cần bố trí ngân sách phù hợp và đủ để tiến hành lấy ý kiến cộng đồng theo phương án dự kiến.

Việc công bố công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân là vô cùng cần thiết. Đây là vấn đề tưởng chừng đơn giản nhưng trên thực tế lại rất khó khăn. Pháp luật đã có những quy định khá toàn diện. Vì vậy, rất cần những xử lý nghiêm khắc với những trường hợp chậm hoặc không công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm những quy định của pháp luật về quy hoạch được thực thi nghiêm túc trên thực tế./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận