Khát vọng cho công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, một khát vọng cho công nghiệp phụ trợ Việt Nam là không chỉ ô tô, xe máy mà có thể Boeing.

 

Công nghiệp hỗ trợ còn yếu

Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội sáng 19/12. Dù được xem là "bánh đà" của nền công nghiệp, nhưng tại hội nghị, các nhà quản lý và doanh nghiệp đều cho rằng, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn yếu. Cả nước chỉ có trên 3.000 doanh nghiệp (DN) công nghiệp phụ trợ, trong đó, 1.800 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện và hơn 1.500 DN sản xuất nguyên vật liệu cho ngành dệt may, da giày.

số 1.800 DN nội địa sản xuất phụ tùng, linh kiện thì chỉ có khoảng hơn 300 DN trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Số DN thấp hơn so với nhiều nước và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ chưa cao. Tại Nhật Bản, riêng quận Oita, Tokyo đã có hơn 3.000 DN chế tạo. Còn tỉnh Kanagawa có tới 60.000 DN chế biến, chế tạo, bằng số doanh nghiệp chế biến, chế tạo của cả Việt Nam.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Công ty cổ phần ô tô Trường Hải, đơn vị đang thực hiện tốt việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm ô tô lắp ráp, cho rằng, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển do hai yếu tố, thứ nhất là thị trường và thứ hai là thiếu doanh nghiệp dẫn dắt. Ông Dương nhấn mạnh: “Đầu tiên phải là phải có chính sách khuyến khích. Đối với ô tô, vừa rồi Bộ Công Thương đề xuất không tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho sản phẩm sản xuất trong nước thì chúng tôi thấy rằng chính sách này rất tốt và chúng ta phải làm ngay. Nếu làm được thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ chuyển từ đang nhập khẩu nguyên chiếc sẽ quay về lắp ráp. Khi đó chúng ta mới có cơ hội phát triển công nghiệp hỗ trợ”.

Từ thực tế ngành dệt may, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội bông sợi Việt Nam cho biết, ngành dệt may Việt Nam lớn nhưng không mạnh, vì trong chuỗi cung ứng thì có “nút thắt cổ chai”, đó là ngành may sử dụng 9,5 tỷ mét vải thì lại phải nhập 6,5 tỷ mét.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, do công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, việc phụ thuộc lớn vào linh kiện và phụ tùng nhập khẩu đã làm cho giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo rất thấp. Cụ thể là dù công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tới 90% doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế nhưng chỉ đóng góp gần 15% GDP. Con số này thấp hơn mức bình quân 20% của ASEAN, 26% của Thái Lan, 22% của Campuchia hay 36% của Trung Quốc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Để Việt Nam thành công xưởng sản xuất của châu Á

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, công nghiệp hỗ trợ trong nước đã đạt những kết quả tích cực, trong đó đã đảm bảo 40 -45% tỷ lệ nội địa hóa cho ngành dệt may, da giầy, 10 - 20% cho sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ, 15% điện tử tin học. Hay như Samsung hiện nay cũng có trên 30% tỷ lệ nội địa hóa.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều tồn tại hạn chế, trong đó nước ta chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt, nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra, cho nên công nghiệp phụ trợ kém phát triển. Nguyên nhân được xác định là thiếu chính sách đủ mạnh để tăng cường năng lực doanh nghiệp công nghiệp tư nhân, chưa tạo lập được môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, minh bạch, ổn định, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến một thực tế là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi đó, sự gắn kết của doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI còn hạn chế.

Từ những hạn chế đó, Thủ tướng chỉ đạo: Chính phủ mong muốn Việt Nam cần phải đón bắt sự chuyển hướng của các nhà đầu tư, các nhà sản xuất để Việt Nam thành công xưởng sản xuất có thể của châu Á, của thế giới, hay của ASEAN. Cho nên một khát vọng cho nền tảng công nghiệp phụ trợ không chỉ ô tô, xe máy mà có thể Boeing. Chúng ta tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp phụ trợ như thế nào, nhất là trong thời điểm hiện nay. Tôi mong các nhà nghiên cứu, các bộ có chức năng suy nghĩ để Việt Nam thành một công xưởng thực sự trong sản xuất công nghiệp nói chung và đặc biệt công nghiệp hỗ trợ.

Nêu bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thủ tướng yêu cầu cần học hỏi tinh thần đó trong phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Thủ tướng cho rằng, việc quan trọng là nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu trong công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến nghiên cứu và phát triển. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển để xây dựng 3 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp.

Về mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh, đến năm 2020, Việt Nam có sản phẩm công nghiệp có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 DN đủ năng lực cung ứng cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp; có khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận