Nội dung này được nhấn mạnh trong thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổng kết Kỳ họp thứ 3 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 vừa được Tổng Thư ký Quốc hội gửi đến các cơ quan liên quan.
Tại phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng 12/7, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội dự kiến diễn ra trong 22 ngày làm viêc; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20/10/2022 và dự kiến bế mạc vào ngày 18/11/2022. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 7 dự án luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo về chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 của Tổng Thư ký Quốc hội; đồng thời đề nghị các cơ quan, bộ ngành, địa phương khẩn trương, sớm chuẩn bị các nội dung; đảm bảo chất lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết, nhất là các dự án luật khó, phức tạp, như Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở,…
Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và 2 Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẩn trương chuẩn bị và hoàn thiện các báo cáo để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giao Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sớm phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan hữu quan trong việc chuẩn bị cho Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2022.
Tổng Thư ký Quốc hội có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan có liên quan sớm xây dựng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Kế hoạch tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về các nội dung dự kiến trình Quốc hội.
Đáng chú ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu nghiên cứu cách thức tổ chức Hội nghị cho hợp lý, hiệu quả, bảo đảm lấy được tối đa ý kiến góp ý của các vị đại biểu Quốc hội theo hướng chia nhóm nội dung để tổ chức thảo luận đồng thời, thông báo đến các vị đại biểu Quốc hội quan tâm đến nội dung nào thì sẽ đăng ký tham dự góp ý nội dung đó, đại biểu không nhất thiết tham dự tất cả các nội dung…
Bên cạnh đó là sớm chuẩn bị nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 và tại phiên họp tháng 8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“Những vấn đề đưa ra chất vấn tại kỳ họp, phiên họp, các phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần bám sát tình hình thực tế, những vấn đề thực tiễn đặt ra” - thông báo nêu rõ./.
Theo VOV.VN