Người trung dung không dám làm để giữ 'ghế' cũng nên thay thế

Những cán bộ như thế, cần cho đứng sang một bên để người khác làm. Người trung dung không dám làm để giữ ghế cũng nên thay thế.

 

Không ít cán bộ còn ngần ngại

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành Quy định 69 ngày 6/7/2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

Một trong những điểm mới ở Quy định này đó là có thể miễn kỷ luật hoặc giảm nhẹ trách nhiệm cho những cán bộ, đảng viên dám đột phá, đổi mới, sáng tạo, tuy chưa đạt kết quả như mong muốn nhưng động cơ trong sáng, vì lợi ích chung.

Có thể thấy, cùng với Kết luận 14 của Bộ Chính trị, Quy định 69 thể hiện rất rõ chủ trương nhất quán của Đảng về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

“Không chỉ nhân văn mà Quy định 69 ra đời rất kịp thời, mang tính thực tiễn cao trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, đặc biệt có tình trạng nhiều cán bộ làm việc cầm chừng, thậm chí không dám làm vì sợ sai”, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm về Quy định 69.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương.Bà Nga còn cho rằng “nếu không có quy định này, tôi chắc không cán bộ nào dám dấn thân để sáng tạo, đổi mới”.

Thời gian dài vừa qua và đặc biệt tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, câu chuyện cán bộ sợ sai không dám làm tiếp tục hâm nóng nghị trường. Liệu rằng với Quy định 69, cán bộ có thể trút bỏ lo sợ để đột phá, sáng tạo?

Chia sẻ câu chuyện này, nữ đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, không phải bây giờ Đảng mới khuyến khích tinh thần đổi mới, dám nghĩ dám làm ở cán bộ, nhưng thực tế không ít cán bộ còn ngần ngại, họ chỉ tính bài toán an toàn nhất cho mình nên không có sự đột phá, đổi mới, không sáng tạo, thậm chí họ rất sợ mình làm khác với quy định, sợ trách nhiệm. Nói vậy, nhưng không phải không có cán bộ dám nghĩ, dám làm, nhưng thực tế lại bị ảnh hưởng bởi nhiều rào cản.

“Trong quá trình sáng tạo, đổi mới, không phải lúc nào cũng thành công hay đạt được kết quả như mong muốn. Nhưng nếu không sáng tạo đổi mới chắc chắn sẽ không có thành công. Vì vậy, Đảng không chỉ khuyến khích cán bộ tiên phong, dám nghĩ dám làm, có ý tưởng sáng tạo, đột phá mà rất cần có cơ chế để bảo vệ họ”, bà Nga nêu quan điểm.

Người trung dung không dám làm để giữ “ghế” cũng nên thay thế

Chia sẻ thêm về câu chuyện cán bộ còn ngần ngại sáng tạo, đột phá, thậm chí có người sợ sai không dám làm, PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương cho rằng, có thể lý giải bằng 4 lý do. 

Thứ nhất là cán bộ không đủ bản lĩnh để đột phá, đổi mới sáng tạo, bản thân cán bộ không dám đột phá, không có bản lĩnh.

Thứ hai, người ta sợ rằng suy nghĩ, việc làm của họ chưa thực sự vì lợi ích chung. Nếu cán bộ thực sự vì lợi ích chung, dám đột phá kể cả những nội dung chưa có trong cơ chế, chính sách, nhưng anh trong sáng, vì lợi ích chung thì đâu phải sợ. Những người hiện nay không dám làm có thể thấy một phần nào chưa thể hiện được bản lĩnh, chưa thể hiện được động cơ trong sáng không vì mục đích vụ lợi.

Thứ ba, không ngoại trừ cán bộ hiện nay không dám làm là vì muốn giữ ghế, thậm chí có những việc biết là không sai cũng không làm.

Thứ tư, một số người không có hoa hồng, phần trăm, bôi trơn thì không làm nhưng lại đổ tại không có cơ chế bảo vệ.

PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương.Phân tích như trên, PGS.TS Vũ Văn Phúc kiến nghị: “Không thể để tình trạng cán bộ sợ sai không dám nghĩ, dám làm để công việc của địa phương, đơn vị bị trì trệ, không phát triển; Không thể đổ cho chuyện này chuyện kia để rồi đầu tư công không giải ngân được, kinh tế xã hội không phát triển, bệnh viện không mua được vật tư thuốc để điều trị bệnh nhân…”.

Vậy Quy định 69 ra đời sẽ khiến cán bộ có thể tự tin đột phá, sáng tạo?

Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, cán bộ thực tâm vì dân vì nước, vì lợi ích chung, sẽ vẫn làm bình thường, thậm chí sẽ làm tích cực hơn bởi đã có cơ chế bảo vệ. Nhưng người chưa làm đã nghĩ đến cá nhân, lo lắng hoa hồng, phần trăm thu được, sẽ không làm. Những cán bộ như thế, cần cho đứng sang một bên để người khác làm. Người trung dung không dám làm để giữ ghế cũng nên thay thế.

Ủng hộ chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, nhưng đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga vẫn băn khoăn liệu rằng quy định đúng đắn và nhân văn này có thể bị lợi dụng hay không.

“Theo tôi, trước mỗi quy định được ban hành cần tính toán kỹ lưỡng để khi triển khai thực hiện không có những kẽ hở khiến người ta có thể lách được, lợi dụng để cố ý làm sai, làm trái”.

Nhấn mạnh như vậy bởi theo nữ đại biểu Quốc hội, yếu tố “vụ lợi cá nhân” có thể dễ dàng nhận ra, chỉ có điều chúng ta sẽ xử lý thế nào. Đơn cử như thời gian vừa qua, có những biểu hiện rất rõ về động cơ cá nhân, vụ lợi như hành vi chạy chức chạy quyền kiểu “mua quan bán chức” hay là việc tạo điều kiện để người thân được tham gia vào những dự án, những ngành nghề lĩnh vực do mình quản lý, trực tiếp phụ trách, theo dõi, đặc biệt cố ý làm trái quy định của Nhà nước để trục lợi…

“Giờ đây khi đã có quy định rất cụ thể về xử lý vi phạm của cán bộ, đảng viên, khi xem xét phải đánh giá thẳng thắn, vi phạm đó liệu có sự vụ lợi hay không? Quá trình đổi mới chưa thành công hay do cố tình làm sai, lợi dụng quyền hạn chức vụ, vị trí của mình để trục lợi cá nhân… Quy định rất khó để định lượng được hết, nhưng quá trình nhận diện và xử lý phải kiên quyết. Những hành vi dù có tinh vi đến đâu nhưng nếu gắn với vụ lợi, động cơ cá nhân hoàn toàn có thể nhận biết được", bà Nga nhấn mạnh.

Để Quy định 69 khi triển khai mang lại hiệu quả tích cực, PGS.TS Vũ Văn Phúc tin rằng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ có những hướng dẫn cụ thể để thực hiện Quy định này. Hướng dẫn sẽ làm rõ nhưng việc làm nào được xếp vào 6 dám và được khuyến khích, bảo vệ. Cán bộ nào không làm theo kiểu trốn tránh nhiệm vụ, lo giữ ghế cũng sẽ được phân biệt rất rõ trong hướng dẫn./.

Thanh Hà/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận