Thủ tướng: Phát huy hết sức mạnh của doanh nghiệp Nhà nước

Thủ tướng đánh giá đây là cuộc làm việc hết sức cần thiết để xem xét vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhằm phát huy hết sức mạnh của DNNN.

 

Sáng 12/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương về lãnh đạo, chỉ đạo công tác cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cuộc làm việc này hết sức cần thiết để trao đổi thông tin, xem xét vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn của mình để phát huy hết sức mạnh của doanh nghiệp nhà nước - nơi nắm giữ các khối tài sản quan trọng của nhà nước trên các lĩnh vực. Đây cũng dịp để trao đổi lại việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đối với Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương (DNTW), nhất là đánh giá, nhìn lại các kết quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lớn; trao đổi, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập. Từ đó có sự phối hợp với Chính phủ để đề ra nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả, phù hợp tình hình.

Thủ tướng chủ trì làm việc giữa Thường trực Chính phủ với với Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương.Theo Thủ tướng, trong tình hình hiện nay, thuận lợi, thời cơ cũng có, nhưng khó khăn, thách thức còn nhiều, do đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải hết sức sáng tạo, linh hoạt, đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết, tìm giải pháp phù hợp, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Vấn đề quan trọng là tăng cường tốt hơn sự phối hợp giữa Đảng uỷ Khối DNTW với Chính phủ tốt hơn, sự phối hợp giữa các bộ, ngành với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tốt hơn, sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước liên quan tốt hơn, hiệu quả hơn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị liên quan hoạt động của DNNN, nhất là hoạt động của Đảng uỷ Khối DNTW.

Báo cáo tại buổi làm việc, Đảng ủy Khối các DNTW cho biết, DNTW gồm 36 Đảng bộ, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước và 2 Đảng bộ cơ quan, là lực lượng nòng cốt của khối doanh nghiệp nhà nước có vai trò rất quan trọng trong công tác cơ cấu lại DNNN, nhất là trong việc phát huy tối đa các nguồn lực mà khối DNNN đang nắm giữ tổng tài sản doanh nghiệp thuộc Khối là 9,93 triệu tỷ đồng, trong đó tổng tài sản của DNNN là 2,81 triệu tỷ đồng và các ngân hàng là 7,12 triệu tỷ đồng.

Trong thời gian qua, việc cơ cấu lại DNNN đã đạt được nhiều kết quả như: về thể chế, hệ thống cơ chế chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN đã được ban hành đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời đã rà soát, trình Quốc hội ban hành Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi; rà soát, tổng kết để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; ban hành nhiều Nghị quyết, Nghị định để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; quản lý, giám sát chặt chẽ việc vay nợ và sử dụng vốn vay của DNNN; ban hành 8 Nghị định về Điều lệ tổ chức hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty.

Về cổ phần hóa, thoái vốn, trong giai đoạn 2016-2020 đã hoàn thành cổ phần hóa 39 doanh nghiệp; xây dựng lộ trình và tổ chức bán phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần và công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Trong giai đoạn này, đã thoái vốn và nộp về NSNN 221,7 nghìn tỷ đồng; riêng Sabeco đã là gần 110 nghìn tỷ đồng; đã chú trọng sắp xếp lại, nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công tác quản trị, công nghệ, đổi mới tổ chức, quản lý nguồn nhân lực ... của khu vực DNNN.

Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Nguyễn Long Hải.

Trong năm 2021, Chính phủ đã trình Bộ Chính trị thông qua phương án xử lý 5/12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả và đang tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện phương án xử lý đối với 7 doanh nghiệp còn lại. Ban cán sự đảng NHNN đã hoàn thiện, trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định phương án xử lý đối với 4 tổ chức tín dụng yếu kém. Chính phủ, TTgCP cũng đã tích cực chỉ đạo xử lý đối với các dự án lớn như Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Long Phú, Lọc hóa dầu Nghi Sơn...

Bên cạnh đó, báo cáo của Đảng ủy Khối đã nêu rõ các tồn tại, hạn chế như: vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét. Năng lực đổi mới sáng tạo còn hạn chế, đặc biệt trong các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế; Hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, vẫn còn doanh nghiệp, dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, thua lỗ kéo dài.

DNNN chưa liên kết chặt chẽ với nhau, chưa tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp tư nhân, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; Công tác cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm so với tiến độ đề ra giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt 30% kế hoạch, việc cơ cấu lại DNNN vẫn chưa mang tính toàn diện và đi vào thực chất.

Công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp chưa theo kịp yêu cầu của thị trường; nhiều doanh nghiệp chưa triệt để ứng dụng công nghệ thông tin; chi phí sản xuất kinh doanh còn lớn, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; Chế độ đãi ngộ và xử lý trách nhiệm người quản lý doanh nghiệp chưa tạo được động lực gắn với trách nhiệm theo cơ chế thị trường.

Các đại biểu cũng chỉ ra các nguyên nhân của những tồn tại hạn chế bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, tập trung vào 3 nguyên nhân chính như: việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương của đảng về DNNN còn bất cập, chưa kịp thời thay đổi cơ chế, chính sách nhằm tháo bỏ rào cản hành chính, khuyến khích doanh nghiệp chủ động đầu tư mở rộng kinh doanh, đổi mới, sáng tạo; chưa rõ cơ chế phối hợp, cơ quan đầu mối tổng hợp về tình hình hoạt động của DNNN để kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp toàn diện, hiệu quả đối với hoạt động của DNNN; các DNNN chưa nỗ lực nắm bắt được thời cơ và thu hút nguồn lực của thị trường, chưa tham gia sâu, rộng hội nhập kinh tế quốc tế, chưa tạo được giá trị gia tăng cao. Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DNNN còn hạn chế./.

Theo Vũ Khuyên/VOV

 

Bình luận

    Chưa có bình luận