Nhìn lại công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012 - 2022, có thể khẳng định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược".
Những thành công bước đầu đã rõ, những kết quả quan trọng đã được chỉ ra, song điều quan trọng hơn cả là từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta thời gian qua, các cơ quan chức năng cần rút ra nhiều bài học, kinh nghiệm quý, từ đó có thêm nhiều giải pháp nhằm làm tốt hơn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.
Kiểm tra, kỷ luật của Đảng đi trước, mở đường
Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, ông Trần Văn Rón- Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, cơ quan này đã thành lập 18 đoàn kiểm tra các dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên.
Nội dung kiểm tra tập trung những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội như: Việc quản lý tài chính, tài sản công về đất đai, tài nguyên khoáng sản, việc thực hiện các dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế; đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại...
Trong quá trình kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thể hiện rõ bản lĩnh, tinh thần kiên quyết mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm tra từ cấp cơ sở, xử lý dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, liên quan đến nhiều cấp, ngành, nhiều địa phương và xử lý nghiêm, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Cũng qua các cuộc kiểm tra đã chỉ ra những điểm bất cập trong cơ chế, chính sách, kịp thời báo cáo, kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp để chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi. Đây cũng là một nét mới của công tác kiểm tra, giám sát.
Nhận định các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, lạm quyền, lộng quyền đang còn nghiêm trọng ở nhiều cấp, nhiều ngành, ông Trần Văn Rón cho rằng, cần tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đồng thời đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí để giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Khắc phục sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực, trong đó có một số lĩnh vực đang nóng hiện nay như: việc định giá, đấu giá tài sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cần thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu để xảy ra các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị thuộc trách nhiệm phụ trách và quản lý...
Cũng theo ông Trần Văn Rón, kiểm tra, kỷ luật của Đảng đi trước, mở đường đã, đang là bài học thực tiễn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điều này cũng đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức Đảng và Ủy ban Kiểm tra các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác định đây là công việc hệ trọng, được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì, không tự thỏa mãn, bằng lòng với những kết quả đạt được.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải định vị lại bản thân
Ở góc độ địa phương, ông Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, để nâng cao hiệu quả trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực trong thời gian sắp tới, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM sẽ tập trung thực hiện quán triệt đến người đứng đầu các cấp, nhất là người đứng đầu các cơ quan nội chính về quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
Tiếp tục đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên vào nền nếp, thường xuyên, thực chất, gắn với tiếp tục việc trình bày chương trình hành động khi nhận nhiệm vụ của cán bộ, xem đây là cam kết chính trị đối với Đảng và nhân dân, là vinh dự của người cán bộ.
"Chúng tôi thể hiện quan điểm dứt khoát rằng, mỗi cán bộ, đảng viên phải định vị lại bản thân một cách đầy đủ nhất về con đường mình đã chọn, từ đó tự quản bản thân theo tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" – ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy và các cơ quan nội chính phải giám sát, đôn đốc xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng của cán bộ cơ quan, đơn vị mình, chú trọng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục kiểm tra, giám sát các cơ quan nội chính trong công tác phòng, chống tham nhũng kinh tế, chức vụ, xem xét xử lý trách nhiệm nếu có vi phạm...
“Chúng tôi cũng sẽ phát huy sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thành phố về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn. Trong đó, thành phố tập trung vào công tác rà soát, khắc phục những kẽ hở, bất cập, triển khai các giải pháp phòng, ngừa, làm tốt công tác điều phối, kiểm tra, đôn đốc xử lý các vụ việc, vụ án” – ông Phan Văn Mãi cho biết.
Huy động sức mạnh dân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Với trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và là nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, ông Đỗ Văn Chiến – Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, MTTQ Việt Nam các cấp sẽ phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, nỗ lực cao nhất, thực hiện thật tốt chức năng, nhiệm vụ và sứ mệnh cao cả của mình. Huy động sức mạnh của nhân dân tích cực tham gia công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trên cơ sở đó, tập trung hoàn thành Đề án cơ cấu tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan Trung ương MTTQ Việt Nam trình Bộ Chính trị xem xét, phê duyệt, trong đó có một Ban chuyên trách theo dõi công tác giám sát, phản biện xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
"Thấm nhuần và thực hiện thật tốt lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ, làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, quan liêu, lãng phí; biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp" - ông Chiến cho biết./.
Kim Anh/VOV.VN