Giặc nội xâm xếp hàng trả giá

Bọn tham nhũng xếp hàng càng dài chờ ra trước vành móng ngựa thì nhân dân càng thêm tin cậy vào cuộc chiến chống giặc nội xâm.

 

Lì lợm

Cùng với nhân dân, những người đang đêm ngày đối mặt với muôn vàn thách thức trong cuộc chiến chống giặc nội xâm sẽ nói ngắn gọn như thế, để đánh giá về bọn người tham nhũng.

Người đứng đầu một bộ đức cao vọng trọng chăm lo sức khỏe cho nhân dân, người đứng đầu một bộ trí tuệ vời vợi, là những đảng viên cán bộ cấp cao mà không biết mình đang làm gì, thế nào là đúng là sai, nếu không có kỷ luật nghiêm minh của Đảng và thái độ rõ ràng sòng phẳng của nhân dân soi xét, thì có lẽ mọi sự đã chìm đi theo lịch sử.

Hơn 9 thập kỉ qua, xây dựng và chỉnh đốn đội ngũ là nhiệm vụ then chốt được Đảng ta thực hiện thường xuyên, liên tục. Đảng kết nạp những thành viên tiên tiến tích cực, đồng thời loại thải những phần tử mục ruỗng nhân danh Đảng, nhân danh tổ chức để làm những việc sai trái với lương tri và luật pháp… làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Trong suốt chiều dài lịch sử lãnh đạo đất nước và dân tộc, không ít cán bộ đảng viên giữ trọng trách có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, tham nhũng, làm tổ chức đảng ở đó mất đoàn kết, mất sức chiến đấu và khả năng lãnh đạo. Bọn chúng lì lợm, câu kết phe nhóm, gây áp lực mọi bề, có trường hợp nguy hại hơn nhiều so với tên tội phạm Trần Dụ Châu.

Từ khi Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) đến nay do nhiều nguyên nhân mà nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng không được thực hiện đúng mức trong một thời gian dài. Năm 1999, Đảng ra Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2- khóa VIII), nhưng cũng chỉ thực hiện nghiêm trong vài năm.

Đầu năm 2012, Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Đây là nghị quyết mang tính chiến đấu cao với những giải pháp cụ thể, mà trọng tâm và xuyên suốt là chỉnh đốn Đảng từ trên xuống, thể hiện bản lĩnh của Đảng quyết tâm làm trong sạch mình, thẳng thắn soi rọi vào những yếu kém, sai lầm để sửa chữa, khắc phục. Thái độ dũng cảm nhận khuyết điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI đã có sức lan toả mạnh mẽ. Đảng tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, xây dựng qui hoạch cán bộ cấp chiến lược…Trong năm 2012, Bộ Chính trị tập trung chỉ đạo xử lý một số vấn đề phức tạp, nổi cộm trong thực hiện chủ trương cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại và thị trường tài chính. Cũng trong năm 2012, toàn Đảng đã thi hành kỷ luật hơn 15.900 trường hợp, trong đó khai trừ 1.687 đảng viên.

Trời không dung...

Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo cho đến hết nhiệm kỳ XI, tinh thần tự phê bình và phê bình có lúc có nơi bị chững lại, tiếp tục để xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng và những biểu hiện đối phó, thủ tiêu đấu tranh. Có những vụ việc như tài sản bất minh không kê khai, bổ nhiệm người thân thiếu tiêu chuẩn, đề bạt để trả nợ trả ơn, sắp xếp người nhà, họ hàng, phe cánh… hầu hết là không khó xác minh nhưng chưa được làm rõ mà bị đùn đẩy, né tránh, để lâu không kết luận hoặc xử lí chiếu lệ, có kỉ luật cũng như không. Có nơi xảy ra tình trạng bao che, lấp liếm, thậm chí trù dập, đe dọa người tố cáo. Có nơi đồng chí quay lưng vào nhau, hoặc phải vờ như không thấy không biết để tránh đối mặt với cái sai trái, cái xấu, và cả cái ác nữa.

Một trong những lực cản đối với công tác này là không rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Thực tế những vụ việc vi phạm kéo dài hầu hết đều có nguyên nhân do không rõ trách nhiệm người đứng đầu. Có người đứng đầu dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm với tấm lòng trong sáng và có nhiều thành công nhưng không được đánh giá đầy đủ, khách quan và đúng mức. Trong khi có không ít người đứng đầu ngại va chạm, “giữ mình, thủ thế”, không tạo được cái mới nhưng không có sai phạm lớn nên vẫn được đánh giá tốt. Vai trò của người đứng đầu do vậy mà lúc ẩn lúc hiện, không mờ nhạt nhưng cũng chẳng rõ ràng.

Tủ thuốc gia đình

Nhìn rõ những hạn chế về nhận thức và cách làm ấy, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong khóa XII, Đảng đã xử lí kỉ luật nghiêm minh, vừa có lí có tình đối với hàng chục cán bộ cấp cao đương chức và đã nghỉ hưu. Nhiều vụ án tham nhũng lớn, án kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được làm rõ, đưa ra xét xử đúng pháp luật, không tránh né, không có vùng cấm.

Xử lý nghiêm minh nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm tạo bước đột phá trong công tác phát hiện tham nhũng, tiêu cực. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng có hơn 87 nghìn đảng viên bị kỷ luật, trong đó vi phạm chủ yếu là nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, những điều đảng viên không được làm, tham nhũng, tiêu cực, buông lỏng lãnh đạo, cố ý làm trái. 113 cán bộ cao cấp diện Trung ương quản lý bị kỷ luật (tăng hơn 10 lần so với nhiệm kỳ Đại hội XI - xử lý 11 trường hợp cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý). Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng đã đưa hơn 800 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo. Nhiều cán bộ đảng viên sai phạm cho dù chưa có kết quả điều tra làm rõ, chưa bị xử lý bằng pháp luật, nhưng phải nhận kỷ luật về đảng, về tổ chức để không thể, không còn khả năng dùng quyền lực khuynh loát che chắn sai phạm.

Sang nhiệm kỳ XIII, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, không ngưng nghỉ, không vì chống dịch bệnh covid mà chùng lại. Năm 2021 đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm 2020), gồm có 4 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương; 2 nguyên Bộ trưởng, 1 Bí thư tỉnh uỷ, 5 Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng; 2 nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố; 3 nguyên Phó bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ; 13 sĩ quan đương chức cấp tướng trong lực lượng vũ trang… Từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều cán bộ đảng viên cấp cao tiếp tục bị xử lý, trong đó có đương kim Bộ trưởng Y tế và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

... Đất không tha.

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng thời gian qua vẫn xuất hiện nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực rất lớn, tinh vi, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không chỉ trong một số người, trong một bộ phận nhỏ, mà đã xuất hiện sự liên kết, liên thông ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương. Chỉ cần một vụ tham nhũng đã làm tha hoá cả một hệ thống với số lượng lớn cán bộ, có thể làm cho các ngành, các địa phương bị ảnh hưởng trầm trọng… Ngăn chặn nguy cơ thường trực dai dẳng và sự liên kết nguy hiểm của bọn người tham nhũng cần có quyết tâm cao và thực hiện thống nhất, đồng bộ từ trên xuống dưới. Nhưng việc này chưa thấy chuyển biến ở các địa phương và bộ, ngành.                    

Trong mỗi nhà có tủ thuốc gia đình, không ai muốn sử dụng, nhưng ai là người lo hết hạn thuốc đỏ, băng tay? Gần 10 năm trước, khi Trung ương Đảng không đồng ý với đề nghị kỉ luật do Bộ Chính trị đưa ra, nhiều ý kiến lo ngại rằng, có một làn ranh thực sự rất khó vượt qua. Nhưng nếu có thì làn ranh, vùng cấm ấy phải hiện hữu chứ không thể vô hình, và vì vậy chúng ta phải xóa bỏ nó. Hồi đó, trong một lần trả lời phỏng vấn Đài TNVN, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị khẳng định: “Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã kết luận là phải rõ ràng, đúng là đúng, sai là sai, không được dĩ hòa vi quí, nhất là những vụ việc ảnh hưởng đến toàn Đảng, toàn dân, ai cũng băn khoăn, trăn trở”. Còn ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương thì cho rằng: “Chúng ta nên công khai, không sợ ảnh hưởng đến đồng chí A đồng chí B nào đó. Bởi, nếu không làm như thế họ sẽ sai phạm ngày càng lớn hơn, nghiêm trọng hơn, và cuộc đời họ, gia đình họ chẳng thể nào tốt đẹp được”.

Không ai muốn tiêm vaccine

Cùng với xử lý nghiêm minh để giáo dục, răn đe, để những kẻ đang muốn tham nhũng phải dè chừng không dám tham nhũng, Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách, cơ chế để ngăn ngừa bọn tội phạm khiến chúng không thể tham nhũng. Nhiều Nghị quyết của Đảng, chỉ thị của Bộ Chính trị về công tác này nhanh chóng được quán triệt, triển khai, thể chế hóa. Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của của Luật Đầu tư công; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Đầu tư; Luật Đấu thầu và Luật Thi hành án dân sự;... Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 144 nghị định, 40 quyết định; các bộ, ngành ban hành hơn 700 thông tư, thông tư liên tịch... có liên quan đến công tác quan trọng này.

Kỷ cương phép nước phải nghiêm minh.

Chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện qui định luật pháp và thực thi giám sát chặt chẽ hoạt động của các Tập đoàn, doanh nghiệp còn tỉ lệ chi phối của Nhà nước. Ví dụ như dự án của ngành điện không cần kèm theo khu biệt thự, sân tennis… Đối với các địa phương, cần giám sát những quyết định đầu tư lớn, không thể để tình trạng nhiều tỉnh nghèo nhận trợ cấp từ Trung ương mà vẫn đua nhau xây dựng sân golf, sòng bạc, khu nghỉ dưỡng…

Bao trùm và quan trọng hơn là cần phát huy dân chủ trong việc quyết định và điều hành các dự án đầu tư, bất kể dự án đó sử dụng nguồn lực Nhà nước hay xã hội hóa. Bởi, khi người đứng đầu quyết mà cả tập thể không ai dám nói khác thì khó tránh được sai lầm, chưa kể nguy cơ thất thoát vì lợi ích nhóm, đổ bể do tham nhũng.

Không ai muốn tiêm vaccine, nhưng tham nhũng, tiêu cực như một thứ dịch bệnh đang lây lan khó kiểm soát, biến chủng khôn lường để kháng thuốc, thì việc phát huy dân chủ ở cơ sở được xem là thứ vaccine hiệu nghiệm. Dân chủ ở cơ sở trước hết là thực hành dân chủ trong từng chi bộ, cơ sở đảng. Dân chủ để kiểm soát quyền lực, đặc biệt là quyền quyết định sử dụng những nguồn lực lớn của đất nước. Nếu không, sẽ còn nhiều cán bộ mắc sai phạm, tham ô, gây thua lỗ, thất thoát mà vẫn được luân chuyển, giới thiệu lên vị trí cao hơn, tiếp tục kéo bè kết nhóm khuynh loát quyền lực Nhà nước, dẫn tới tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Tủ thuốc gia đình sẵn sàng trong mỗi nhà nhưng không ai muốn sử dụng, cũng như không ai muốn tiêm vaccine, nhưng nếu sai phạm, tham nhũng, tiêu cực diễn ra và kéo dài mà thanh tra không thấy, tổ chức cơ sở đảng không biết, nhân dân ngoảnh mặt làm ngơ, bọn suy thoái biến chất lộng hành mà luật pháp bó tay, tức là chúng ta tê liệt, mất sức chiến đấu.

Thực hành dân chủ ở cơ sở là điều ông Lê Khánh Châu, nguyên Bí thư chi bộ 10 phường Tương Mai (quận Hoàng Mai - thành phố Hà Nội) trăn trở: Không ai làm cho mình trong sạch bằng tự mình làm cho bản thân và Đảng mình trong sạch. Nhân dân sẽ chỉ ra rõ những sơ hở, nguy cơ sai phạm, chứ bây giờ mà sợ có khuyết điểm, không nhận khuyết điểm rồi bao che cho khuyết điểm thì không được”. Còn bố tôi, người cầm súng qua mấy cuộc trường chinh của dân tộc, mới đây nói với chúng tôi rằng các con yếu thì phải uống thuốc, chứ ngày trước do điều kiện hoàn cảnh mà có nhiều khi bố không dám ốm./.

Chính Trực

 

Bình luận

    Chưa có bình luận