Việt Nam ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của Tổng Thư ký LHQ

Cộng đồng quốc tế cần tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các cách thức mới để giảm thiểu căng thẳng và chấm dứt chiến sự, thúc đẩy các thỏa thuận ngừng bắn mới...

 

Ngày 28/6, tại trụ sở Liên Hợp Quốc đã diễn ra Phiên Đối thoại về chủ đề “Từ lời nói đến hành động: Ngừng bắn toàn cầu sau đại dịch COVID-19” do Malaysia, Bangladesh, Ecuador, Ai Cập, Jamaica, Nhật Bản, Oman, Senegal, Slovenia và Thụy Điển đồng chủ trì tổ chức.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã gửi thông điệp tới phiên Đối thoại, bày tỏ quan ngại về việc tình trạng xung đột tiếp tục diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới. Tổng Thư ký cho rằng, cộng đồng quốc tế cần tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các cách thức mới để giảm thiểu căng thẳng và chấm dứt chiến sự, thúc đẩy các thỏa thuận ngừng bắn mới cũng như duy trì những thỏa thuận đã có.

Phiên đối thoại ngừng bắn toàn cầu.

Các diễn giả và đại diện các nước đã thảo luận về những thách thức và biện pháp thúc đẩy thực hiện lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Lời kêu gọi này đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ủng hộ tại các Nghị quyết 2532 và 2565. Phiên Đối thoại cũng thảo luận về các biện pháp củng cố ngăn ngừa xung đột và cách thức lồng ghép các chương trình nghị sự về xây dựng hòa bình và phát triển vào các tiến trình hòa bình tại những nơi có xung đột.   

Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Nguyễn Phương Trà, Đại biện lâm thời Việt Nam tại Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 tiếp tục đe dọa các nỗ lực hòa bình và phát triển, trong khi đó, tình trạng xung đột diễn ra tại nhiều khu vực khiến dân thường thương vong và các thách thức nhân đạo gia tăng.

Trong bối cảnh đó, Đại sứ cho rằng, cộng đồng quốc tế cần đặt ưu tiên cao trong việc bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, khẳng định lại vai trò của chủ nghĩa đa phương và các thể chế đa phương với Liên hợp quốc là trung tâm. Để thúc đẩy ngừng bắn, cần tăng cường việc tuân thủ các nghị quyết 2532, 2565 và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó, có thể xem xét thành lập một khuôn khổ để giám sát hiệu quả các thỏa thuận ngừng bắn đạt được ở các khu vực xung đột.

Đại sứ Nguyễn Phương Trà phát biểu.Đại sứ Nguyễn Phương Trà nhắc lại nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 2573 về bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu đối với cuộc sống của người dân và cho rằng, vấn đề này cũng như việc bảo đảm an toàn cho việc phân phối vaccine trong các bối cảnh xung đột, cần được thực hiện nghiêm túc. Đại diện Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột, thúc đẩy xây dựng hòa bình và tăng cường khả năng chống chịu dài hạn để ứng phó với các thách thức trong tương lai.

Trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an 2020-2021, Việt Nam đã chủ trì soạn thảo Nghị quyết 2573 của Hội đồng Bảo an (được thông qua vào tháng 4/2021) về bảo vệ các cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu đối với sự sống của người dân. Nghị quyết được đánh giá cao và ủng hộ rộng rãi do có nhiều nội dung thực chất, tích cực, trong lĩnh vực rất bức thiết đối với người dân trong xung đột. Qua đó, Nghị quyết được hơn 60 nước thành viên Liên Hợp Quốc đồng bảo trợ, trong đó, có tất cả các nước thành viên Hội đồng Bảo an./.

PV/VOV-Washington

 

Bình luận

    Chưa có bình luận