Với mô hình Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư đứng đầu đã đem lại những kết quả rất quan trọng, trở thành địa chỉ tin cậy, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là bước ngoặt lớn làm trong sạch bộ máy.
Bước ngoặt lớn làm thay đổi cục diện chống tham nhũng
Cách đây 10 năm, vào tháng 5/2012, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đã thông qua chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị.
Sau đó, ngày 1/2/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng gồm 16 thành viên, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban, 5 Phó Trưởng ban và 10 ủy viên nhằm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.
10 năm là chặng đường không dài nhưng đủ để nhìn thấy vai trò, tầm cỡ của mô hình Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị, khẳng định đây là một chủ trương mang tính đột phá, thể hiện quyết tâm và tầm nhìn của Trung ương trước một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.
Là 1 trong 16 thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương thời kỳ mới thành lập, ông Vũ Trọng Kim khi đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (hiện nay là đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam) cho biết, từ 7/2006-2/2013, Ban Chỉ đạo Trung ương trực thuộc Chính phủ, do Thủ tướng đứng đầu, song hoạt động của Ban Chỉ đạo trong giai đoạn này còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra nên phải tổ chức lại để hoạt động hiệu quả hơn.
“Với một tổ chức cùng cơ chế vận hành như vậy nhưng hoạt động chưa đạt được mục tiêu đề ra thì phải tìm ra một hướng mới. Sau đó, Trung ương đã quyết định tổ chức lại Ban Chỉ đạo Trung ương từ mô hình trực thuộc Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu sang mô hình trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu cho đến nay là 10 năm đã khẳng định đây là mô hình phù hợp, cứ theo đà này để làm thì sẽ có kết quả” - ông Vũ Trọng Kim khẳng định.
Mục đích của sự thay đổi này xuất phát từ yêu cầu khách quan với một mong muốn, một quyết tâm cao hơn là tạo bước chuyển biến mới rõ rệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng như tăng cường tính độc lập tương đối của Ban Chỉ đạo với các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong đấu tranh chống “giặc nội xâm”. Với bước ngoặt này, các thành viên Ban Chỉ đạo đứng trước trách nhiệm và sự kỳ vọng rất lớn của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Theo ông Vũ Trọng Kim, thực tế trong 10 năm qua cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, là dấu ấn nổi bật, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
“Với mô hình do Tổng Bí thư chủ trì, cùng với một tổ chức, cơ chế mới đã đem lại những kết quả bước đầu rất quan trọng trong đấu tranh chống tham nhũng, đặc biệt trong nhiệm kỳ Đại hội XII, XIII; trở thành địa chỉ tin cậy, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, củng cố sức mạnh nội lực của Đảng trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch bộ máy” – ông Vũ Trọng Kim nói.
Theo Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, những kết quả quan trọng trên có được chính là nhờ Trung ương đã đặt đúng vị trí Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị, từ đó tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều chủ trương, chính sách thể hiện tính quyết đoán cao, sáng suốt, kịp thời. Những văn bản này bám sát thực tiễn, nhanh chóng đi vào cuộc sống, nhất là công tác cán bộ và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trên tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân.
Bằng cách làm khoa học, bài bản, có chiến lược, phương châm, phương pháp sáng tạo, đúng quyền hạn và trách nhiệm, không “lấn sân” và cũng không làm thay các cơ quan khác, Ban Chỉ đạo Trung ương đã làm tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ mà Đảng giao đó là chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cụ thể, chặt chẽ các công việc với một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Cùng với đó, nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với sự sát sao, gương mẫu, có tâm, có tầm của Tổng Bí thư Nguyễn Trọng đã chỉ đạo công cuộc “đốt lò”, làm nên những chuyển biến hết sức to lớn khiến công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trở thành một “phong trào, thành xu thế không ai có thể đứng ngoài cuộc”.
“Thắng lợi bước đầu trong đấu tranh chống tham nhũng cũng chính là thắng lợi của nhân dân, vì nhân dân đã đưa ra những yêu cầu, đòi hỏi cũng như cổ vũ, động viên công cuộc này. Những nhà quan sát trên thế giới cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam có một quyết tâm lớn, đã giành lại uy thế, danh dự và củng cố lòng tin của người dân vào chính quyền, vào sự lãnh đạo của Đảng” – ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh và cho rằng, trong 10 năm qua, từ thực tiễn, đòi hỏi của nhân dân và yêu cầu của sự phát triển, Việt Nam đã xây dựng được hình mẫu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
“Với chúng ta, mô hình Ban chỉ đạo hiện nay xứng đáng được tồn tại, xứng đáng được cổ vũ và xứng đáng được nêu tên trong phương thức đấu tranh của các Đảng cầm quyền” - ông Kim nói.
Sức nóng của “lò lửa” chống tham nhũng đã truyền xuống các địa phương
Trong 10 năm qua, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Trong khi cả nhiệm kỳ Đại hội XII, số lượng cán bộ Trung ương quản lý bị xem xét xử lý kỷ luật là 113 người.
Nhất là đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp như vụ án xảy ra tại công ty Việt Á, vụ “Đưa, nhận hối lộ” xảy ra tại Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan; vụ án xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, vụ “thao túng thị trường chứng khoán” tại Công ty cổ phần tập đoàn FLC... Qua đó khởi tố nhiều cán bộ diện Trung ương quản lý như cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cùng nhiều sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang....
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực, cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,7%. Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,3%.
Có thể thấy, công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay đang được thực hiện trên diện rộng, ngày càng đi vào chiều sâu, làm rõ bản chất tham ô, tham nhũng mang tính chất tập thể, có tổ chức, có sự cấu kết chặt chẽ giữa cán bộ nhà nước với các đối tượng bên ngoài nhà nước.
Theo Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học, trong kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan đã có sự phối, kết hợp, khớp nối với nhau rất chặt chẽ, nhịp nhàng.
"Qua đó, khắc phục cơ bản tình trạng như Tổng Bí thư thường nói là “cua cậy càng, cá cậy vây” và cũng như Tổng Bí thư nói, giờ đây, một cơ quan nào trong các cơ quan, lực lượng đấu tranh chống tham nhũng mà không muốn làm thì cũng không được" - ông Nguyễn Thái Học cho biết.
Cùng với sự ráo riết, quyết liệt của Trung ương, đến nay, sức nóng của “lò lửa” chống tham nhũng đã được truyền xuống các địa phương, tạo nên sự chuyển biến rất tích cực trong việc chủ động phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nhiều nơi đã bắt nhịp được yêu cầu chỉ đạo của Trung ương, thành lập Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, ban hành kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo, từ đó dần khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh". Tính đến ngày 27/6/2022, đã có 34 tỉnh, thành phố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo.
Nhấn mạnh cuộc chiến chống “giặc nội xâm” là một quá trình lâu dài, phức tạp, ông Vũ Trọng Kim cho rằng, với mô hình, cách làm bài bản, hiệu quả như vừa qua của Ban Chấp hành Trung ương, tới đây, các Ban chỉ đạo ở địa phương cần tích cực học tập những kinh nghiệm quý báu đó, đồng thời chỉ đạo sâu sát, kịp thời, chặt chẽ các công việc; phân công, phân nhiệm từng thành viên rõ ràng, có chế độ kiểm tra trách nhiệm của từng người. Hơn ai hết, thành viên Ban chỉ đạo phải gương mẫu, trong sạch, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào, phải có đức, có tài trong thực hiện công tác tham mưu, quản lý, tổ chức lãnh đạo các công việc chuyên môn.
“Thành viên Ban chỉ đạo phải thành thục về chuyên môn, với nhân dân phải sâu sát, với công việc của Đảng phải trung thành, vì mục tiêu cao nhất là lợi ích của nhân dân. Thành viên nào không đạt được yếu tố trên thì cần sớm đưa ra tổ chức, nếu không sẽ làm ảnh hưởng tới Ban chỉ đạo” - ông Vũ Trọng Kim cho biết./.
Kim Anh/VOV.VN