Cách đây hơn nửa thế kỷ, Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 24/06/1967. Sự kiện chính trị trọng đại này là một mốc son trong lịch sử mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống gắn bó nhân dân hai nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi quốc gia.
Sự kiện chính trị này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh hai nước đang cùng nhau tổ chức nhiều hoạt động trọng thể chào mừng kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Campuchia và đặc biệt trong niềm vui của nhân dân Campuchia khi vừa tổ chức thành công cuộc bầu cử Hội đồng xã/phường ngày 05/6/2022. Nhân kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia, phóng viên VOV phỏng vấn ông Chay Navuth, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam.
PV: Thưa Đại sứ Chay Navuth, Đại sứ đánh giá như thế nào về ý nghĩa của dấu mốc 55 năm trong chặng đường vun đắp mối quan hệ truyền thống, hữu nghị Việt Nam - Campuchia suốt thời gian qua?
Đại sứ Chay Navuth: Trong thời gian 55 năm qua, hai nước chúng ta đã cùng hợp tác, cùng chia ngọt sẻ bùi vì sự nghiệp của hai dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh và cựu Quốc vương Norodom Sihanouk là những người đặt nền móng và có công lao to lớn trong việc vun đắp quan hệ giữa hai nước. Trải qua những thăng trầm trong 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chúng ta đã cùng nhau chiến đấu chống lại kẻ thù chung trong quá trình giải phóng dân tộc ở mỗi nước. Chúng ta thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là trong những giai đoạn khó khăn nhất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hun Sen vào ngày 20/6 vừa qua đã điểm lại lịch sử quan hệ hai nước, trong đó cũng nhấn mạnh sự hỗ trợ lẫn nhau này. Đặc biệt trong thời kỳ giải phóng Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, người dân Campuchia không thể quên sự giúp đỡ của Việt Nam, Campuchia được hồi sinh nhờ vào sự giúp đỡ của chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam. Sau khi giải phóng đất nước Campuchia, Việt Nam cử các chuyên gia sang tái thiết Campuchia, phát triển đất nước Campuchia. Ngoài ra còn có sự giúp đỡ của rất nhiều chuyên gia trên mọi lĩnh vực.
Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành tại hai nước, Việt Nam và Campuchia cũng đã hỗ trợ nhau vật tư y tế và tiền mặt để chống dịch. Lãnh đạo và nhân dân hai nước ở khu vực biên giới cũng luôn giúp đỡ nhau trong việc đối phó với dịch bệnh. Đây chính là minh chứng cho sự hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau. Tôi hy vọng rằng sau thời điểm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ hợp tác, ngoại giao giữa hai nước ngày càng phát triển và phồn vinh hơn nữa.
PV: Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 55 năm, mối quan hệ giữa hai nước đã trải qua không ít thăng trầm của lịch sử, của thời đại. Vậy theo Đại sứ, yếu tố gì giúp Việt Nam và Campuchia vượt qua nhiều thách thức như vậy để xây dựng mối quan hệ gắn bó như hiện nay?
Đại sứ Chay Navuth: Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia đang ngày càng gắn bó. Mặc dù có những chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch nhưng chúng ta luôn nhận thấy rằng quan hệ ngoại giao, tình đoàn kết truyền thống giữa hai nước vẫn rất sâu sắc. Để vượt qua nhiều thách thức, yếu tố quan trọng nhất là chúng ta có quan điểm, đường lối của lãnh đạo hai nước.
Trong mọi thời kỳ, chúng ta luôn nắm tay nhau đoàn kết - đoàn kết vì sự phồn vinh của mỗi nước. Người dân Campuchia và Việt Nam hiểu rõ yếu tố này là nhờ việc tuyên truyền, giáo dục về chủ trương của lãnh đạo hai nước. Lãnh đạo Việt Nam cũng như nhân dân Việt Nam luôn kiên định với chủ trương, con đường, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn khẳng định hai nước phải đoàn kết. Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn.
Campuchia cũng vậy, lãnh đạo đất nước Campuchia luôn nhất quán chủ trương thúc đẩy tình đoàn kết Việt Nam-Campuchia. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Campuhia đã đề ra những chủ trương đúng đắn với tầm nhìn xa, đặc biệt là sự phát triển của mối quan hệ Việt Nam – Campuchia.
Thứ hai chúng ta có truyền thống hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau. Đây là truyền thống khắc ghi trong trái tim của nhân dân hai nước. Những thế hệ sau này tiếp tục kế thừa, học tập và khắc ghi truyền thống của thế hệ cha ông.
Thứ ba là có sự đóng góp của hoạt động truyền thông để người dân hai nước hiểu về văn hóa, đất nước, con người của nhau, ví dụ như các chương trình trên Đài Tiếng nói Việt Nam để giới thiệu đất nước, con người, văn hóa Việt Nam tới thính giả Campuchia cũng như giới thiệu đất nước, con người, văn hóa Campuchia tới thính giả Việt Nam. Khi chúng ta hiểu được văn hóa, lối sống, cách suy nghĩ của nhau, chúng ta có thể tránh được những hiểu lầm, từ đó giúp tình hữu nghị giữa hai bên ngày càng phát triển bền vững.
PV: Vậy sau 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đâu là những điểm sáng trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia, thưa Đại sứ?
Đại sứ Chay Navuth: Điểm sáng quan trọng trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia đó là sự hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau. Việt Nam giúp đỡ Campuchia giải phóng Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, tái thiết Campuchia từ con số 0 để đất nước Campuchia có được ngày hôm nay. Đây chính là điểm quan trọng nhất mà Việt Nam dành cho Campuchia.
Campuchia được hồi sinh như ngày hôm nay, trong đó, bản thân tôi có cơ hội được sống, học tập, ngồi tại đây và trở thành Đại sứ tại Việt Nam là nhờ vào sự giúp đỡ của những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam giúp Giải phóng đất nước Campuchia.
Ngoài ra Campuchia cũng đã từng giúp đỡ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân và đế quốc để Việt Nam trở thành một nước có chủ quyền, xây dựng đất nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
PV: Thưa Đại sứ, với những nền tảng đã được xây dựng, củng cố trong thời gian qua, quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Campuchia có thể tiếp tục hướng tới những mục tiêu mới nào?
Đại sứ Chay Navuth: Mục tiêu của chúng ta thời gian tới là tiếp tục củng cố tình đoàn kết và hợp tác giữa hai nước ngày càng vững mạnh. Khi các quốc gia trên thế giới vừa mới kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, đây là cơ hội tốt cho hai nước để cùng nhau phát triển trên mọi diễn đàn, tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động đối ngoại ở khu vực cũng như trên thế giới. Cả Việt Nam và Campuchia đều là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thành công của Campuchia trên cương vị là Chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay không thể thiếu sự đóng góp của Việt Nam, dựa trên tinh thần “giúp đỡ lẫn nhau” của ASEAN.
Liên quan đến quan hệ hợp tác song phương, chúng ta sẽ tiếp tục phát triển những lĩnh vực hợp tác bị trì hoãn trong hai năm qua do đại dịch Covid-19. Thủ tướng Hun Sen và Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây cũng đã thống nhất tăng cường kim ngạch thương mại giữa hai nước lên mức 10 tỷ USD trong năm 2022. Một mục tiêu nữa là chúng ta sẽ xây dựng biên giới Việt-Cam trở thành biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác; đảm bảo hoạt động giao lưu, hợp tác, buôn bán hàng hóa của nhân dân sinh sống hai bên đường biên giới. Như Thủ tướng Hun Sen đã nói, nơi đây từng là mặt trận, từng đặt súng pháo bom đạn, nay đã trở thành khu vực kinh tế đặc biệt, trở thành nơi để người dân hai nước bắt tay, tươi cười, trao đổi hàng hóa, hướng tới mục tiêu chung là đoàn kết cùng phát triển.
PV: Năm 2022 này, Campuchia giữ trọng trách Chủ tịch ASEAN với chủ đề “ASEAN hành động - cùng ứng phó các thách thức”. Đại sứ có thể chia sẻ về chương trình hành động của Campuchia trên cương vị này?
Đại sứ Chay Navuth: Campuchia giữ trọng trách Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2022 trong bối cảnh trên thế giới diễn ra nhiều thách thức lớn, do đó những ưu tiên của Campuchia bao gồm:
Thứ nhất, Campuchia sẽ tiếp tục thực hiện những mục tiêu được Brunei - Chủ tịch ASEAN năm 2021 đề ra. Tuy nhiên một thành viên của ASEAN là Myanmar đang gặp nhiều khó khăn. Để từng bước giải quyết vấn đề ở Myanmar, Phó thủ tướng Prak Sokhonn - đặc phái viên ASEAN sẽ sớm đến thăm Myanmar một lần nữa, nhằm điều phối đưa Myanmar trở lại phương hướng ban đầu. Ưu tiên của Campuchia là đảm bảo người dân Myanmar nhận được các gói hỗ trợ, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành và vẫn còn nhiều người dân Myanmar chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19. Có 3 mục tiêu trong vấn đề Myanmar: Thứ nhất là đảm bảo người dân Myanmar được tiêm vaccine đầy đủ; thứ hai đảm bảo người dân Myanmar gặp nạn nhận được viện trợ nhân đạo từ bạn bè quốc tế; Thứ ba là kêu gọi các bên xung đột ở Myanmar ngồi vào bàn đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp phù hợp.
Thứ hai là xung đột giữa Ukraine và Nga, dù có vị trí địa lý ở xa nhưng ít nhiều vẫn gây ảnh hưởng tiêu cực đến ASEAN. Trên cương vị là Chủ tịch ASEAN, Campuchia nỗ lực ngăn chặn xung đột diễn ra trong khu vực.
Vấn đề thứ ba, căng thẳng leo thang giữa các cường quốc ít nhiều đã tạo ra những ảnh hưởng đáng kể đối với ASEAN, vì vậy chúng ta cần giữ vững lập trường, phát triển vì lợi ích của nhân dân các nước ASEAN.
PV: Bối cảnh thế giới hiện nay đang có rất nhiều biến động. Vậy Việt Nam và Campuchia có thể cùng nhau ứng phó với những thách thức tại khu vực như thế nào?
Đại sứ Chay Navuth: Hiện nay trong khu vực có nhiều vấn đề xảy ra mà chúng ta không thể dự đoán trước, không thể biết được ngày hôm nay hay ngày mai sẽ diễn ra điều gì. Đây là yếu tố rất khó để dự đoán. Tuy nhiên, “đoàn kết là thắng” - chỉ có đoàn kết mới có thể vượt qua mọi thách thức, lấy đoàn kết làm chìa khóa để giải quyết những vấn đề chung. Chúng ta giữ vững lập trường, đường lối của lãnh đạo hai nước, cùng nhau tìm hiểu, vun đắp và tuyên truyền rộng rãi thêm nữa. Đài Tiếng nói Việt Nam cũng như các cơ quan báo chí khác có vai trò tiên phong trên mặt trận truyền thông, chúng ta có thể giải quyết các vấn đề nếu có sự đoàn kết, có hệ thống giáo dục, truyền thông hiệu quả, để mỗi nhà báo là một chiến sỹ trên “mặt trận” này.
PV: Việt Nam với tư cách là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong ASEAN có thể cùng Campuchia đóng góp như thế nào trong thực hiện chủ đề năm nay của ASEAN, thưa Đại sứ?
Đại sứ Chay Navuth: Hai nước chúng ta có truyền thống tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau, trong năm chủ tịch ASEAN của Campuchia, tôi hy vọng, tin tưởng, và nhận thấy những đóng góp của Việt Nam trong năm chủ tịch ASEAN của Campuchia năm 2022. Tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp, phối hợp trong mọi vấn đề, thách thức và khó khăn. Với tư cách là một thành viên tích cực hàng đầu trong ASEAN, những đóng góp của Việt Nam nhất định sẽ giúp cho Campuchia đạt được những mục tiêu đề ra trong năm chủ tịch ASEAN 2022.
PV: Năm 2022 đã được hai nước chọn là “Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, Campuchia-Việt Nam”. Vậy chúng ta mong muốn truyền tải thông điệp gì qua các hoạt động được tổ chức trong Năm hữu nghị này, thưa Đại sứ?
Đại sứ Chay Navuth: Trong sự kiện hôm 20/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hun Sen đã có bài phát biểu với những nội dung ý nghĩa, khẳng định những giá trị quý giá trong lịch sử của hai nước, đáng chú ý nhất là những hỗ trợ, giúp đỡ của Việt Nam dành cho Campuchia, trong đó có thời kỳ Campuchia ở dưới chế độ diệt chủng Pol Pot.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh đến việc Việt Nam và Campuchia giúp đỡ lẫn nhau trong nhiều giai đoạn, ví dụ như Campuchia giúp Việt nam vận chuyển lương thực cho quân đội trong chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thông điệp về hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước sẽ được tiếp tục được lan tỏa nhân dịp kỷ niệm đầy ý nghĩa này.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ Chay Navuth!./.
Hà Ngọc/VOV5 (Thực hiện)