Sau 19 ngày làm việc, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành chương trình nghị sự với nhiều nội dung quan trọng. Đây là lần đầu tiên, Quốc hội khóa XV họp tập trung toàn bộ kỳ họp sau thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. Điều này giúp các đại biểu chủ động, tích cực tham gia phát biểu ý kiến nhiều hơn. Các ý kiến có tính chất xây dựng cao, được các cơ quan tiếp thu, giải trình thỏa đáng.
“Một trong những điều tôi ấn tượng trong kỳ họp này là trao đi đổi lại, tranh luận giữa các đại biểu. Đại biểu có nhiều người làm ở các cơ quan khác nhau, có quá trình đào tạo, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cũng như kinh nghiệm công tác, quan điểm tiếp cận khác nhau nên việc trao đổi như vậy càng có nhiều thông tin để giúp đưa ra quyết sách đúng đắn và có cơ sở khoa học thực tiễn”, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, đoàn Lạng Sơn cho biết.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn, đoàn Thanh Hóa chia sẻ, tại kỳ họp lần này có rất nhiều đổi mới để nâng cao chất lượng của kỳ họp. Những vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 được thảo luận rất sôi nổi, kỹ lưỡng, trong đó có vấn đề về tăng trưởng kinh tế, đặc biệt giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt cần phải tháo gỡ hiện nay như: đất đai, biện pháp tiêu thụ nông sản....
“Thảo luận tại hội trường cũng như thảo luận tại tổ có nhiều điểm mới theo hướng đi thẳng vào vấn đề, những vấn đề gì cần mổ xẻ, trao đổi, thảo luận tìm giải pháp tốt nhất để tháo gỡ khó khăn, từ đó có kết luận của Quốc hội giao cho Chính phủ, các bộ, ngành để thực hiện những vấn đề Quốc hội đã bàn và quyết định”, đại biểu Võ Mạnh Sơn nói.
Còn theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội, kỳ họp diễn ra trong thời gian tương đối ngắn nhưng nội dung rất cô đọng. Có nhiều quyết sách quan trọng và rất nhiều nút thắt, ách tắc được đưa ra thảo luận tại Quốc hội, mở ra những cơ chế để Chính phủ nghiên cứu, đề xuất để thay đổi những rào cản, vướng mắc trong thời gian tới.
“Nội dung và tinh thần chất vấn khá thẳng thắn, trực diện, có những tranh luận bám đuổi sâu xát đến cùng khi các trưởng ngành trả lời chưa thỏa đáng. 3/4 trưởng ngành trả lời lần đầu nhưng cũng rất tự tin, cụ thể, không lảng tránh, những vấn đề gì chưa giải quyết được đều tiếp thu nghiên cứu, chỉ đạo. Tôi cho rằng lời hứa của các Tư lệnh ngành sẽ được thực hiện trong thời gian tới”, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết.
Tại kỳ họp thứ 3, bên cạnh công tác lập pháp, giám sát, Quốc hội đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng, đặc biệt là các Nghị quyết có liên quan trực tiếp đến quá trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội như các nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án công trình giao thông quan trọng, nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề về công tác quy hoạch, Nghị quyết kỳ họp thứ 3...
Đánh giá cao ý nghĩa của việc thông qua các Nghị quyết về chủ trương đầu tư các công trình giao thông quan trọng, đại biểu Nguyễn Thành Nam, đoàn Phú Thọ cho rằng, kỳ họp diễn ra trong thời gian tương đối ngắn nhưng nội dung rất cô đọng, có nhiều quyết sách quan trọng, đặc biệt là 5 dự án đường giao thông trọng điểm được đưa ra bàn thảo và biểu quyết - đây là một động lực rất quan trọng không chỉ cho phát triển kinh tế - xã hội năm nay mà tể hiện quyết tâm trong việc tạo ra nền tảng hạ tầng trong phát triển dài hạn.
“Tôi tin tưởng rằng với sự đồng thuận của Quốc hội, các công trình này sẽ được triển khai theo đúng kế hoạch và đáp ứng được mong đợi của cử tri, nhân dân cả nước. Tuy nhiên, vấn đề giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề khó, để thực hiện được việc này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt tại các địa bàn có các công trình đi qua, trên cơ sở đấy phải xây dựng chính sách đền bù tái định cư một cách hài hòa để người dân tin tưởng, yên tâm”, đại biểu Nguyễn Thành Nam bày tỏ.
Khẳng định những quyết sách được Quốc hội ban hành là giải pháp thiết thực và quyết liệt trong bối cảnh hiện nay nhưng đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, đoàn Bắc Kạn đề nghị, cần tâm thế chủ động và quyết liệt hơn trong triển khai thực hiện, đặc biệt là chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.
“Các nội dung, giải pháp được Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua là những giải pháp quyết liệt, quan trọng là quyết tâm cao của các cơ quan trung ương, bộ ngành. Những văn bản nào, nội dung nào cần có văn bản quy định chi tiết thì sớm có văn bản chi tiết, những nội dung nào cần sự phối hợp thì các cơ quan từ Trung ương đến địa phương cần quyết liệt hơn, sớm hơn, nhanh hơn để chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội mới đảm bảo được yêu cầu mục tiêu ngay từ khi Quốc hội đưa ra và thông qua”, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị./.
Theo VOV.VN