Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV: Kỳ họp của sự phục hồi và phát triển

Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV tiếp tục có những dấu ấn đổi mới quan trọng. Dấu ấn mạnh mẽ của kỳ họp này không những nêu ra nhiều quyết sách nhằm giúp kinh tế nhanh chóng phục hồi và phát triển mà còn hành động quyết liệt vì người dân.

 

Quốc hội đồng hành với Chính phủ để phục hồi kinh tế

Năm 2022, tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, các nền kinh tế lớn thu hẹp quy mô nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại; các tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 từ 4,4% xuống 3,6%. Trong nước, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế Việt Nam tăng trưởng âm 6,1% vào quý III năm 2021. Đặc biệt, các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội âm 7,02%, Thành phố Hồ Chí Minh âm 24,3%. Trong bối cảnh đó, nước ta chỉ mong thu ngân sách đạt được kế hoạch để không phá vỡ chỉ tiêu bội chi. Chắc ít ai dám mơ đến con số thu ngân sách vượt 16,8% so với kế hoạch của năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022 đã vượt 57%, tiếp tục hứa hẹn một năm bội thu.

Trước tình hình đó, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô lên đến 347.000 tỷ đồng và nhiều cơ chế, chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chủ động trong công tác phòng, chống dịch. Đến nay, dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế đang phục hồi và phát triển tích cực. GDP Quý I ước tăng 5,03%, kinh tế vĩ mô ổn định, các ngành, lĩnh vực đang tăng trưởng trở lại. Trong 4 tháng đầu năm, hơn 30 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 60,6% so với cùng kỳ. Đời sống, việc làm người lao động, an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại được tăng cường; Seagame 31 được tổ chức rất thành công, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong và ngoài nước…

Theo S&P dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam sẽ vào khoảng 6,9% và với xu hướng dài hạn là 6,5 - 7% từ năm 2023. Đây là năm thứ 8 chúng ta kiểm soát lạm phát được dưới 4%. Nhờ vậy, ngày 26/5/2022 tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ BB lên BB+, với mức triển vọng ổn định, ghi nhận sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của nước ta.

Kết quả này cho thấy nền kinh tế nước ta bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, phát triển nhờ có những chính sách tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời cũng khẳng định sự điều hành chủ động, quyết liệt của Chính phủ cũng như sự đồng hành sát sao, hỗ trợ, tạo điều kiện đồng hành của Quốc hội.

Theo đại biểu Lý Thị Lan đoàn Hà Giang, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ đã tạo được sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân, thực hiện tốt 2 mục tiêu kép. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, tập trung một số công việc trọng tâm, trọng điểm các dự án, công trình lớn, vì vậy, cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì, lĩnh vực an sinh xã hội được quan tâm đảm bảo, vị thế và hình ảnh Việt Nam trong khu vực và thế giới được nâng cao. Kết quả đó đã tạo niềm tin cho người dân và động lực phát triển của đất nước.

Quyết liệt hành động vì dân

Đúng như mong chờ, kỳ vọng của nhân dân khi cầm trên tay lá phiếu để lựa chọn bầu ra những đại biểu của dân tham gia vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thể hiện rõ nét sự đổi mới, linh hoạt để đưa ra các quyết sách kịp thời sát với thực tiễn cuộc sống. Từ đó đưa kinh tế - xã hội của nước ta tiếp tục khởi sắc trên nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt không dừng ở hiến kế phát triển kinh tế xã hội mà các đại biểu đã thể hiện rõ quyết tâm hành động vì dân thông qua việc bỏ phiếu bãi nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long. Quyết định của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng như quyết định của Quốc hội một lần nữa khẳng định niềm tin của nhân dân đối với Đảng và đặc biệt là niềm tin khi nhân dân giao quyền cho tư lệnh ngành, họ phải hoàn thành trách nhiệm với nhiều cương vị, không chỉ ở một lĩnh vực mà ở tất cả ngành, lĩnh vực khác, họ phải luôn luôn giữ được bản lĩnh chính trị là điều nhân dân mong muốn.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, đoàn Hải Dương cho rằng, chưa bao giờ niềm tin của nhân dân vào Đảng và Chính phủ lại lớn lao như bây giờ, mặc dù trong những năm qua do đại dịch Covid-19 kinh tế - xã hội gặp muôn vàn khó khăn, nhưng Đảng, Chính phủ và nhân dân luôn sát cánh cùng nhau, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế và điều đáng nói là chúng ta đã vạch ra rất nhiều sai phạm trong chính quyền, trong Nhân dân và đã từng bước xử lý, như: sai phạm trong chứng khoán, rủi ro đầu tư tiền ảo, bất động sản đầu cơ điều hướng hay những vụ việc liên quan đến y tế, giáo dục, tất cả đã gây ra những thất thoát, tổn thất rất lớn về kinh tế và gây hoang mang trong xã hội.

Còn đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim đoàn Nam Định cho hay: “Tôi thấy buồn, nhưng dẫu có đau đến mấy thì chúng ta cũng phải thực hiện. Điều này vừa đáp ứng sự mong đợi của nhân dân, cũng thể hiện sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước và của Quốc hội trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tới tận cùng, với bất cứ ai, bất kỳ ở cương vị nào”. “Quả bom Việt Á” đã gây chấn động trong nhân dân và cả nhiều cán bộ, công chức. Đến nay đã có nhiều cán bộ, công chức liên quan đến vụ việc. Việc xử lý nghiêm những cán bộ này là sự cảnh tỉnh cho tất cả cán bộ trong hệ thống chính trị, chứ không chỉ riêng ngành nghề nào. Đối với những người đứng đầu ngành như ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh thì càng phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, với tinh thần vì nhân dân đất nước mà phục vụ. Còn chỉ vì đặc quyền, đặc lợi mà trục lợi là không thể chấp nhận được. Những người có chức vụ, quyền hạn ở vị trí cao như ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh thì gây thiệt hại rất lớn, hậu quả về tiền bạc là một chuyện, nhưng tác hại về mặt danh tiếng còn lớn hơn nhiều lần.

 

 

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đoàn Bình Thuận:

Đây là một kỳ họp hết sức đặc biệt, chưa có tiền lệ, với bao tâm huyết, công sức của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các vị đại biểu Quốc hội để thông qua nhiều cơ chế, chính sách hết sức kịp thời và cần thiết. Điều này chứng tỏ Quốc hội đồng hành với Chính phủ giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà thực tế đã đặt ra, trong đó có chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

 

Đại biểu Trần Anh Tuấn đoàn TP Hồ Chí Minh:

Quý I /2022 tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng đạt 5,03%, các thành tố và tổng cầu tăng trưởng khá tốt, cụ thể là tổng mức bán lẻ, doanh thu hàng hóa tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2022 tăng 6,5%. Trong 4 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp thành lập mới khởi sắc, tăng là 12,3%; số lượng doanh nghiệp quay lại hoạt động cũng tăng trên 60%; giải thể, phá sản giảm mạnh; nguồn vốn đầu tư phát triển tăng 8,9%. Điều này cho thấy chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đã dần đi vào sản xuất, bước đầu phát huy được tính tích cực của nó.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận