Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục nhấn mạnh điều này khi trả lời phóng viên liên quan đến tình trạng được không ít ý kiến phản ánh là cán bộ không dám làm, nhất là sau những vụ việc xảy ra trong ngành y.
PV: Có ý kiến phản ánh rằng hiện nhiều nơi, trong đó có cơ sở y tế khám chữa bệnh chọn cách an toàn là không làm gì, không dám làm, mặc dù đang thiếu thiếu thuốc men, trang thiết bị vật tư và cho rằng cần hoàn thiện hơn các quy định. Ông có ý kiến gì về điều này?
Ông Tạ Văn Hạ: Vấn đề đầu tư trang thiết bị, vật tư bị ràng buộc bởi nhiều luật, trong đó có Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công… Vấn đề đầu tiên là phải đánh giá nguyên nhân tại sao có thực trạng như vậy để hoàn thiện ngay hệ thống pháp lý, thể chế. Bởi, ngành y là ngành đặc thù, liên quan đến sinh mạng, sức khỏe của nhân dân nên việc hoàn thiện hệ thống pháp lý cần phải làm ngay.
Tôi còn nghe câu chuyện hiện nay những máy móc đầu tư rất lớn, nhưng lại trở thành tang vật của vụ án “đắp chiếu” để đấy, trong khi đó người bệnh rất cần tiếp cận những thiết bị, công nghệ hiện đại, nên nếu không khắc phục được sớm thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh.
PV: Giải pháp mấu chốt để giải quyết vấn đề hiện nay là gì, nhất là hiện tượng cán bộ không dám làm vì sợ sai?
Ông Tạ Văn Hạ: Năng lực quản lý của cán bộ sao lại sợ sai được? Bây giờ, cán bộ lãnh đạo là phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Những sự việc xảy ra của ngành y vừa qua không phải đại diện cho tất cả hệ thống y tế của Việt Nam mà chỉ là một vài trường hợp cụ thể.
Tất cả vụ việc vừa qua tôi cho rằng có vi phạm, cố ý làm trái quy định của pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng mới bị xử lý như vậy!
“Sợ sai” có hai loại: Một là cán bộ đảng viên và người lãnh đạo chưa thực sự đủ năng lực quản lý mà đã đảm nhận chức vụ đó. Vì điều kiện phục vụ cho nhân dân thì phải hiểu biết về pháp luật.
Hai là những người làm sai quy định pháp luật, thậm chí cố tình làm sai thì mới bị xử lý.
PV: Qua nhiều vụ việc vừa qua thì rõ ràng cần phải quan tâm hơn đến đạo đức công vụ, xây dựng văn hóa liêm chính, thưa ông?
Ông Tạ Văn Hạ: Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn cho sự phát triển mọi mặt của đất nước. Nền tảng có vững thì các trụ cột khác mới vững được.
Đạo đức công vụ là điều kiện tiên quyết, quan trọng hàng đầu. Nhận thức, đạo đức trước hết được bồi dưỡng từ chính bản thân mỗi người. Thêm nữa là trách nhiệm bồi dưỡng của các cơ quan, đơn vị, tổ chức mà người đó tham gia để nâng cao bản lĩnh, nhận thức trong thực hiện công vụ.
Song song với đó, quy định của pháp luật, hành lang pháp lý cũng phải hoàn thiện, rõ ràng, minh bạch; chế độ đãi ngộ đối với cán bộ cũng phải phù hợp.
Khi có đầy đủ những điều này thì sẽ có một công chức thật sự tận tâm, tận lực.
PV: Bên cạnh rất nhiều người sẵn sàng dấn thân, hy sinh, cống hiến vì công việc thì vẫn có rất nhiều cán bộ sẵn sàng “nhúng chàm”?
Ông Tạ Văn Hạ: Ở đâu cũng vậy, cũng có ranh giới giữa cái tốt và cái không tốt, nhất là trong bối cảnh hành lang pháp lý chưa hoàn thiện. Nếu không có bản lĩnh, không chịu trau dồi thì có thể bị suy thoái, sa ngã, bị cám dỗ, cuốn theo ma lực đồng tiền; “viên đạn bọc đường” làm cho con người dễ bị sa ngã.
Thêm nữa, đạo đức, năng lực, bản lĩnh chính trị của những cán bộ đó chưa chuẩn, do đó phải chọn được những cán bộ thực sự có đầy đủ bản lĩnh, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.
Còn phải khẳng định rằng có vi phạm là phải xử lý.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.
Nam Sơn/VOV.VN