Đại biểu Quốc hội: 'Chế định Thanh tra nhân dân là cực kỳ hình thức'

'Bản thân trong cơ quan, đến thời điểm này có lẽ tôi cũng chưa hình dung được trong Văn phòng Quốc hội thì ai đang là Trưởng Ban Thanh tra nhân dân'.

 

Tiếp tục Kỳ họp thứ 3, sáng 14/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận Hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Chia sẻ quan điểm, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nói rằng, nếu ông đề nghị không quy định về “Thanh tra nhân dân” nữa thì chắc là nhiều ý kiến không tán thành, tuy nhiên, “tôi thấy rằng chế định về thanh tra nhân dân là một chế định cực kỳ hình thức và lâu nay chúng ta bỏ quên cái chế định này trong Luật Thanh tra”.

Đại biểu Trịnh Xuân An.

“Bản thân trong cơ quan, đến thời điểm này có lẽ tôi cũng chưa hình dung được trong Văn phòng Quốc hội thì ai đang là Trưởng Ban Thanh tra nhân dân, thì rất là khó, và ở cả địa phương cũng vậy”. Ông Trịnh Xuân An nhấn mạnh, Thanh tra nhân dân đang được gắn với Mặt trận Tổ quốc và gắn Thanh tra nhân dân ở đơn vị với công đoàn, hoạt động phụ thuộc vào mặt trận, phụ thuộc vào công đoàn. Trong khi đó, ở cơ sở, xã, phường, thị trấn chúng ta có HĐND cũng là cơ quan giám sát của người dân.

“Chúng ta có cần thiết phải xây dựng mô hình có nhiều cơ quan để thực hiện giám sát, kiểm tra? Đấy là còn chưa phân biệt được việc giám sát, kiểm tra ở cơ sở hay không? Tôi đề nghị cân nhắc rất kỹ”, ông Trịnh Xuân Anh nêu quan điểm.

Đại biểu đoàn Đồng Nai cũng cho rằng, nếu quy định Thanh tra nhân dân thì nội dung như Chương 5 trong dự thảo luật là chưa đầy đủ, và như vậy sẽ đi vào tình trạng hoạt động rất hình thức và lâu nay không được quan tâm.

Minh bạch cho người dân biết thì chắc khó có “đại án” Việt Á

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, công khai minh bạch trong trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan đơn vị.

Nhìn lại các vụ đại án trong thời gian qua có thể thấy mục đích nêu ra rất xác đáng, nếu làm tốt dân chủ cơ sở chắc chắn sẽ tránh được những vi phạm phải xử lý thời gian qua.

Đại biểu Hoàng Văn Cường.

“Như vụ kít xét nghiệm của Việt Á, nếu chúng ta thực hiện dân chủ cơ sở, công khai thông tin như giá, Hải quan cũng công khai thông tin là hàng chuyến, hàng tháng Việt Á đã nhập kit về bao nhiêu với giá thế nào thì chắc chắn CDC các tỉnh sẽ không mua giá như vừa qua, sẽ không xảy ra tình trạng hàng loạt vi phạm”, ông nói.

Dẫn chứng thêm vụ mua chế phẩm xử lý ô nhiễm nước Hồ Tây ở Hà Nội, vị đại biểu này cho rằng, nếu như làm rõ, công bố công khai cho người dân biết nước hồ này phải xử lý bằng hoá chất này, được mua ở đâu, đơn vị nào cung cấp… thì sẽ không thể xuất hiện tình trạng kéo dài từ 2016 - 2020 mới phát hiện là sai phạm.

“Nếu nhìn lại tất cả các vụ án tham nhũng từ đặt máy xét nghiệm trong bệnh viện, đấu thầu thiết bị y tế, mua bán tài sản công thấy rằng đều thực hiện đúng quy trình, đầy đủ các cơ quan có chức năng như định giá… Nhưng có một điều nó không được minh bạch, công khai, thông tin để người dân biết. Nếu công khai, dân chủ thì các vụ việc sẽ đều được ngăn chặn từ trước”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Theo đại biểu, nếu thực hiện tốt dân chủ cơ sở, công khai minh bạch, để người dân nắm được thông tin, nắm được hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong việc xử dụng các nguồn lực công trong các quyết định có liên quan đến người dân, cộng đồng sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp, qua có thể mang lại kết quả tốt hơn, đồng thời tránh được sai phạm, không để “lún sâu” như thời gian qua.

Từ quan điểm trên, ông Hoàng Văn Cường đề xuất bất cứ gì liên quan đến quản lý nguồn lực công, người dân… thì phải công khai, trừ những điều thuộc bí mật nhà nước và quy định lựa chọn phương thức thông tin (như qua mạng xã hội) đảm bảo rằng tối thiểu tỷ lệ bao nhiêu phần trăm người dân biết được thông tin./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận