Phải thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong vụ Việt Á

Ngoài việc xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội, điều dư luận rất quan tâm đó là thu hồi tài sản đã bị chiếm đoạt, thất thoát liên quan đến vụ kit Việt Á.

 

Liên quan đến vụ nâng khống giá kit xét nghiệm của Công ty Việt Á, tính đến thời điểm tháng 3/2022, cơ quan điều tra đã tiến hành phong toả, kê biên, thu hồi tài sản bị can và các đối tượng liên quan vụ án với số tiền hơn 1.600 tỉ đồng. Hiện nay, cơ quan chức năng vẫn đang tích cực đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh tại các bộ, ngành có liên quan.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Phạm Trọng Đạt - nguyên Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, trong vụ án Việt Á cần phải thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt, thất thoát. Đồng thời, căn cứ vào hành vi vi phạm của các đối tượng để có hình thức xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe, có như vậy mới lấy lại niềm tin của nhân dân.

Ông Phạm Trọng Đạt - nguyên Cục trưởng Cục chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ).PV: Liên quan vụ Việt Á, điều mà dư luận quan tâm là thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát, bởi tiền thổi giá, ăn chia nhau bản chất là ăn cắp của Nhà nước. Quan điểm của ông như thế nào?

Ông Phạm Trọng Đạt: Tiền, ngân sách của tập thể, doanh nghiệp xét cho cùng vẫn là ngân sách Nhà nước. Bây giờ chiếm đoạt, làm thất thoát tiền của Nhà nước thì phải bị thu hồi. Các đối tượng này cần phải tự giác nộp lại.

Bên cạnh việc thu hồi triệt để tài sản đã bị chiếm đoạt, thất thoát, vẫn phải xử lý nghiêm sai phạm của những đối tượng liên quan, nhất là đối với quan chức cần phải xử lý thật nặng, đồng thời có chính sách khoan hồng để doanh nghiệp khắc phục số tiền đã trục lợi.

Nguyên tắc của vụ án kinh tế là tài sản đã bị chiếm đoạt, thất thoát thì bằng mọi cách phải thu hồi lại. Bản chất của Nhà nước ta rất nhân văn đó là nếu bị can, bị cáo chủ động khắc phục hậu quả thì sẽ được xem xét giảm án. Như trường hợp ông Nguyễn Bắc Son thoát án tử khi đã nộp đủ 66 tỷ đồng tiền tham nhũng ngay khi tòa đang xử, nhờ đó, ông ta được tòa tuyên án chung thân. 

Liên quan vụ án Việt Á, ngày 7/6, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Thanh Long - cựu Bộ trưởng Bộ Y tế và ông Chu Ngọc Anh - cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội.PV: Trong thời gian qua, nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng gây thiệt hại lớn cho Nhà nước nhưng mới thu hồi được những khoản tiền bồi thường “nhỏ giọt”. Nguyên dân do các quy định pháp luật về thu hồi tài sản cũng như kê khai, kiểm soát tài sản chưa hoàn thiện, thiếu các quy định chi tiết, cụ thể về thẩm quyền cũng như trách nhiệm, trình tự thủ tục thu hồi tài sản. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Ông Phạm Trọng Đạt: Theo số liệu báo cáo, mặc dù tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đã tăng lên qua từng năm, song nhìn chung tỷ lệ này là khá thấp so với thực tế số tài sản đã bị thất thoát, chiếm đoạt.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi tài sản chưa đạt như mong muốn. Về mặt khách quan, do pháp luật vẫn còn một số quy định còn chồng chéo, chưa đồng nhất với nhau để các cơ quan chức năng vận dụng. Công tác quản lý tài sản như tiền, đất đai, nhà cửa... còn nhiều sơ hở nên tội phạm dễ lợi dụng để tham nhũng.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan đến nghiệp vụ phòng, chống tham nhũng nói chung, đặc biệt là công tác thu hồi tài sản từ thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử có lúc, có chỗ chưa thực sự chặt chẽ, sự thống nhất chưa được cao trên cơ sở pháp luật.

Tiếp đó, việc kê khai tài sản mặc dù đã có tiến bộ nhưng vẫn mang tính chất phòng ngừa, cảnh báo là chính, chưa giúp được nhiều trong việc phát hiện, thu hồi tài sản tham nhũng. Nhất là khâu xác minh, xử lý tài sản bất minh, không rõ nguồn gốc còn lúng túng.

Tâm lý của kẻ phạm tội bao giờ cũng tìm mọi cách để tẩu tán tang vật ngày càng tinh vi hơn, đặc biệt là tài sản có giá trị, các đối tượng tìm cách để người khác đứng tên nên rất khó khăn trong việc thanh tra, điều tra, thu hồi. Khi phát hiện ra tội phạm thì tài sản đã bị tẩu tán, không dễ phát hiện.

Về giải pháp, từ khi còn là Cục trưởng Cục chống tham nhũng, tôi đã từng kiến nghị ngoài việc kiên quyết đấu tranh xử lý tội phạm thì phải sửa luật, căn cứ vào các vấn đề thực tế, để làm sao giám sát được để đối tượng không thể tham nhũng. Có nghĩa hành lang pháp lý phải thật dày, chặt chẽ, thống nhất với nhau, không sơ hở thì không thể tham nhũng được. Cùng với đó, các cơ quan có chức năng chống tham nhũng phải kết hợp chặt chẽ với nhau trong việc phát hiện, thu hồi tài sản tham nhũng. Trong trường hợp đặc biệt cần có cách xử lý đặc biệt, thì mới nhanh chóng thu hồi được tài sản.

Nên thành lâp cơ chế, quy định thành luật để khuyến khích những đối tượng phạm tội sớm khắc hậu quả, đền bù thiệt hại để được hưởng những chính sách khoan hồng cụ thể.

PV: Ông từng nói rằng, nếu không kiểm soát được tài sản của người thân quan chức sẽ tạo kẽ hở trong chống tham nhũng. Ông có thể lý giải rõ hơn?

Ông Phạm Trọng Đạt: Bây giờ quan chức tham nhũng có nhiều hình thức tinh vi, thường chuyển tài sản cho người thân, hoặc cho các đối tượng khác chứ họ không trực tiếp sử dụng. Có người có 4-5 cái nhà nhưng có đứng tên mình, vợ mình đâu, toàn lấy tên người thân. Mà người thân không thuộc đối tượng kê khai thì có ai có quyền kiểm tra họ.

Vừa qua, mặc dù chúng ta đã có tiến bộ quy định kê khai tài sản của người thân là vợ/chồng, con chưa thành niên, nhưng theo tôi, những người thân khác như bố mẹ, anh chị em ruột cũng phải kê khai. Đến khi có vấn đề phải chứng minh tài sản của quan chức có nguồn gốc từ đâu thì mới xử lý được.

Đã là quan chức thì phải chấp nhận việc kê khai tài sản của bản thân, gia đình, kể cả người thân thích. Kê khai không chỉ đảm bảo công tác phòng ngừa tham nhũng, phục vụ công tác cán bộ, mà còn là cơ sở để sau này kịp thời phát hiện tham nhũng, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng. Không chỉ vậy, điều này còn thể hiện ý thức của một đảng viên.

PV: Vì sao chúng ta cương quyết với tham nhũng nhưng hành vi này vẫn ngang nhiên, trắng trợn, thậm chí tinh vi, có tổ chức hơn. Như vụ án Việt Á vừa qua là một ví dụ. Phải chăng các biện pháp xử lý chưa đủ sức răn đe, thưa ông?

Ông Phạm Trọng Đạt: Từ vụ Việt Á cho thấy, đang có nhiều sơ hở khiến các đối tượng lợi dụng để trục lợi. Trong bối cảnh cấp thiết lúc đó là làm sao nhanh chóng có kít xét nghiệm để phòng chống dịch, các đối tượng đã lợi dụng chính sách để tham nhũng. Bộ kit xét nghiệm Covid -19 của Việt Á không phải là công trình nghiên cứu mà vẫn được “hô biến” thành sản phẩm được WHO công nhận, đẩy giá trên trời và cuối cùng được Bộ Y tế duyệt và chấp thuận. Ở đây cho thấy sự tham lam, trắng trợn và bất chấp đạo lý của một bộ phận cán bộ.

Điều mà dư luận đặt câu hỏi là có thế lực nào đứng bên ngoài thao túng giúp Việt Á lộng hành không? Ở đây phải có sự thao túng nên mấy chục tỉnh, thành đều “dính” đến chuyện này. Đối tượng nào mà ghê gớm thế, “bắt tay” được với các quan chức ở bộ, ngành Trung ương và ở dưới thống nhất như vậy.

Theo kết luận của cơ quan Kiểm tra của Trung ương, trong vụ việc này, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Y tế đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số cán bộ lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc đánh giá chuyên môn, kiểm tra, giám sát; cấp phép, cấp số đăng ký lưu hành; hiệp thương giá và mua sắm bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á.

Qua vụ việc cũng cho thấy, công tác quy hoạch, đào tạo, đề bạt những cán bộ này là có vấn đề. Cũng có ý kiến cho rằng trách nhiệm của những người giới thiệu, đề bạt những cán bộ này đến đâu? 

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Kim Anh/VOV.VN (thực hiện)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận