'Mới nghe Quốc hội bàn đầu tư 2 đường vành đai thì giá đất ở đây đã sôi động'

Chỉ mới nghe QH thảo luận các dự án đường vành đai thì giá đất xung quanh khu vực này đã sôi lên, cho thấy tiềm năng tạo nguồn lực từ quỹ đất đai rất lớn.

 

Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh điều này tại phiên thảo luận luận về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh tại Kỳ họp thứ 3, sáng 10/6.

Nhìn chung, các ý kiến đều bày tỏ đồng tình vì việc hình thành các tuyến đường vành đai không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị, kết nối mạng lưới giao thông để giãn áp lực về đô thị và lưu lượng giao thông tập trung vào khu vực trung tâm các thành phố, mà còn tạo nên sự liên kết không gian đô thị, tạo thêm các nguồn lực phát triển Vùng thủ đô và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Không thể bỏ qua tiềm năng từ quỹ đất hai bên đường

“Chỉ mới nghe Quốc hội thảo luận, xem xét các dự án đường vành đai thì giá đất xung quanh khu vực này đã sôi lên, cho thấy tiềm năng tạo nguồn lực từ quỹ đất đai xung quanh các tuyến đường này là vô cùng lớn” – đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) lưu ý và nhấn mạnh, nếu có cơ chế tốt, việc xây dựng 2 tuyến đường vành đai sẽ không tiêu tốn vốn đầu tư từ ngân sách mà có thể còn tạo thêm nguồn lực mới cho ngân sách từ khai thác nguồn lực tạo ra từ quỹ đất mới được mở đường.

Đại biểu Hoàng Văn Cường.Từ quan điểm trên, đại biểu đề nghị, cùng với việc thông qua chủ trương đầu tư xây dựng các tuyến đường này, Chính phủ nghiên cứu đề xuất một cơ chế đặc thù để khai thác một cách hiệu quả nhất tiềm năng quỹ đất hai bên đường, theo hướng quy hoạch vùng lân cận hai bên đường thành các đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, trung tâm phân phối và trung chuyển hàng hoá cùng với thiết kế hệ thống đường song hành (đường gom cao tốc, đường kết nối hệ thống giao thông khu vực).

Tổ chức đấu thầu các dự án phát triển các trung tâm trên kèm theo nhiệm vụ xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông kết nối với đường vành đai và các hệ thống giao thông trong vùng.

“Việc đấu thầu các dự án phát triển đô thị đi kèm với nhiệm vụ xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối được thực hiện theo cơ chế cạnh tranh của thị trường và các công cụ định giá xác định giá trị thị trường” – ông Hoàng Văn Cường nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, đến lúc phải nhận thức về hiệu quả của đầu tư công không chỉ là về giao thông, đằng sau đó là địa tô chênh lệch do Nhà nước tạo ra từ hoạt động đầu tư công. Lâu nay chúng ta không đánh giá vấn đề này, nên mất đi một nguồn lực quan trọng, đó là thu được chênh lệch địa tô từ tác động kinh tế của dự án.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải song hành với việc triển khai dự án và xây dựng các dự án liên kết để khai thác quỹ đất ở hành lang của các dự án giao thông này. Đặc biệt là khu công nghiệp, khu đô thị và những khu vực đất cho thuê để khai thác giá trị địa tô để thu về cho ngân sách bù đắp cho chi phí làm đường.

Để hai dự án trên có thể triển khai nhanh và sớm phát huy hiệu quả, đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần rút kinh nghiệm từ các công trình đường bộ trước đây thì bên cạnh hướng tuyến hành lang công trình, cần đặc biệt coi trọng và đồng bộ hóa công tác quy hoạch đối với các khu đô thị dân cư, khu tái định cư, quy hoạch cảnh quan, môi trường, công trình thoát nước, tránh tình trạng ô nhiễm, mất cảnh quan và ngập lụt thường xuyên xảy ra như hiện nay.

Băn khoăn các tỉnh đền bù khác nhau

Đồng ý chủ trương đầu tư, song Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) đề nghị Hà Nội và TP.HCM rà soát, thống kê số lượng, kiểm đếm các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của việc thu hồi đất, vì hiện nay mới xác định dự kiến.

“Thông qua quan sát thực tế, con số này còn có sự chênh lệch lớn hơn so với dự kiến. Mặt khác, cần có sự thống nhất về xác định giá đền bù giải phóng mặt bằng giữa các địa phương vì hiện nay đã có sự chênh lớn giữa các địa phương trong việc thực hiện giá đền bù” – ông Nguyễn Lâm Thành lưu ý.

Liên quan vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh, đây là 2 dự án liên vùng, đi qua nhiều tỉnh mà mỗi tỉnh, thành phố có chính sách đền bù tái định cư khác nhau.

Chính phủ giao cho TP.HCM và Hà Nội là đầu mối tổ chức thực hiện nhưng cũng cần làm rõ vai trò, đầu mối, nhiệm vụ, quyền hạn để khi thực hiện được thuận lợi.

“Chính phủ cần có chỉ đạo thống nhất chính sách đền bù, nhất là địa phương có đất liền kề nhau mà địa giới hành chính lại khác nhau” – đại biểu kiến nghị.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Long An) đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo đúng theo tiến độ xác định. Đây là nội dung khó, cần thể hiện sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị có cơ chế chỉ định thầu đối với một số gói thầu như tư vấn di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư. Việc chỉ định thầu phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ và tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cũng lưu ý trong quá trình triển khai dự án cần xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật thật tốt, cao cấp nhất để có thể đảm bảo con đường sử dụng được khoảng 100 năm. Cần phải coi con đường là một loại bất động sản đặc biệt của quốc gia. Bất động sản này sinh lời trực tiếp và gián tiếp ngay trên thân thể con đường, ngay cạnh con đường và cả một khu vực vành đai, thậm chí cả một miền đất nước.

Thủ tướng có nên uỷ quyền cho Chủ tịch tỉnh, thành phố?

Điều 3, khoảng 2 c của dự thảo Nghị quyết đề cập về cơ chế chỉ định thầu trong quá trình triển khai dự án áp dụng đối với gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đề xuất cho phép Thủ tướng ủy quyền cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan xem xét, quyết định việc chỉ định thầu liên quan các gói thầu trên theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.Trong thời gian thực hiện dự án, nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu hay phát sinh những vấn đề liên quan cần xin ý kiến thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo Thủ tướng, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thay vì báo cáo Quốc hội để rút ngắn thời gian.

Phát biểu tranh luận với đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) nhấn mạnh đường Vành đai 4 và Vành đai 3 là 2 công trình “để đời cho con cháu” nên cần giao Thủ tướng Chính phủ “cầm trịch”, nếu giao cho các địa phương sẽ dễ dẫn tới tình trạng “xôi đỗ” và không đồng nhất.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân cũng cho rằng, không cần quá vội vàng triển khai và hoàn thành dự án, có thể kéo dài nếu cần để nghiên cứu kỹ tổng thể dự án, công tác giải phóng mặt bằng, công tác thiết kế và tư vấn. Bên cạnh đó, khi giao cho các nhà đầu tư cần cân nhắc đến các doanh nghiệp tư nhân vì thực tế đã chứng minh nhiều doanh nghiệp tư nhân làm rất tốt.

Trao đổi lại, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) cho rằng, về mặt pháp lý, việc Thủ tướng uỷ quyền thì quyền này vẫn là của Thủ tướng và uỷ quyền theo yêu cầu cụ thể, khi có việc phát sinh thì có chế độ báo cáo, xin ý kiến chứ không có nghĩa là giao cho Chủ tịch cho UBND tỉnh, thành.

“Tôi đề xuất như vậy là mong muốn triển khai được nhanh vì mỗi lần bay ra và về từ Hà Nội mất nhiều tiếng đồng hồ, văn bản gửi đi hàng tháng chưa có phản hồi. Còn trong tình hình hiện nay chưa chắc gì Chủ tịch tỉnh, thành mặn mòi đâu, mà có xu hướng giao hết cho Thủ tướng” – ông Trương Trọng Nghĩa nói.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết thông qua các Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh vào phiên bế mạc Kỳ họp thứ 3./.

Ngọc Thành/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận