Chất vấn Quốc hội: Các Bộ trưởng trả lời thẳng, trúng, sẵn sàng nhận trách nhiệm

Sau 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu đánh giá phiên chất vấn có nhiều đổi mới, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát.

 

Các thành viên Chính phủ trả lời Phiên chất vấn tại kỳ họp lần này là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.

Theo đánh giá của các đại biểu, phiên chất vấn kỳ này đáp ứng được phần nào mong đợi, quan tâm của đại biểu và cử tri cả nước. Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, các Bộ trưởng đã thể hiện tính tích cực của mình, tinh thần cầu thị và trả lời một cách nhanh gọn và đầy trách nhiệm nhận trách nhiệm về những sự việc còn tồn tại của ngành mình quản lý. Ví dụ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính.

Đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn Lâm Đồng.“Đại biểu, cử tri rất hoan nghênh. Đặc biệt là điều hành của Chủ tọa phiên họp. Tôi cho rằng nó khớp với nội dung và đúng đối với câu hỏi của đại biểu Quốc hội, kể cả việc trả lời và có liên đới giữa các ngành có liên quan”, đại biểu Nguyễn Tạo nhận xét.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) đánh giá cao chất lượng chất vấn tại kỳ họp này. Theo đại biểu, các vấn đề được lựa chọn chất vấn rất sát thực với cuộc sống, đáp ứng những vấn đề cử tri cả nước quan tâm.

Về nội dung trả lời chất vấn, ông Ngân nhận định, tuy nhiệm kỳ mới chỉ 1 năm nhưng các thành viên Chính phủ đã nắm bắt kịp thời các vướng mắc của ngành và trả lời thẳng thắn, nhận rõ trách nhiệm với tư cách là tư lệnh ngành. Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng còn đôi điều băn khoăn.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP.HCM.“Với thời lượng và câu hỏi quá nhiều nên nếu nói là để đáp ứng được sự mong đợi thì chưa. Cho nên đòi hỏi phải có thời gian trả lời bằng văn bản thì sẽ đầy đủ hơn. Chúng tôi nghĩ là nên chọn 1-2 nội dung thôi tập trung chất vấn đến cùng thì mới ra được hiệu quả hơn nữa”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến.

Đồng tình với quan điểm không nên dàn trải nhiều nội dung trong một phiên chất vấn, theo đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình), một trong những phương châm hoạt động chất vấn là đi tới tận cùng của mỗi vấn đề. Nếu xác định nhóm vấn đề có nội hàm quá rộng, gồm nhiều vấn đề lớn thì chất vấn sẽ rời rạc, trả lời sẽ tản mạn, trong thời lượng hạn hẹp rất khó có thể mỗi vấn đề đều đi đến tận cùng. Ông Hiếu cho rằng, vấn đề quan trọng nữa là những hoạt động sau chất vấn.

“Chúng ta không thể kỳ vọng tại phiên chất vấn mọi vấn đề đều có thể đưa ra được các định hướng giải pháp để giải quyết. Như vậy thì hành động sau chất vấn của các bộ rất quan trọng. Quốc hội ban hành nghị quyết thành văn cho mỗi phiên chất vấn và sau đó thì có cơ chế để kiểm tra, giám sát việc thực hiện các cam kết của bộ trưởng tại các phiên chất vấn”, đại biểu Phan Đức Hiếu nói.

Đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai cũng cho rằng, các đại biểu đã tìm hiểu kỹ và có các câu hỏi rất sát và thẳng thắn, thể hiện trách nhiệm cao, ý kiến trả lời của các bộ trưởng cũng khá sắc và có trách nhiệm cao. Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên chất vấn cũng đã đưa ra những kết luận mang tính chốt vấn đề, nhất là về mặt thời gian, nội dung, chốt được các vấn đề lớn.

“Các đại biểu đánh giá cao các mốc thời gian qua những lời hứa cụ thể. Tuy nhiên, có những nội dung cũng chưa thực sự thỏa mãn, như phần trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về hạn mức tín dụng và điều hành giá vàng. Tôi nghĩ là thời gian sắp tới, cần có nghiên cứu, đánh giá rất kỹ để có những thay đổi kịp thời”, đại biểu Trịnh Xuân An nói.

Theo đại biểu đoàn Đồng Nai, quan trọng nhất sau chất vấn là có được Nghị quyết để cụ thể hóa giao việc gì, nội dung gì cần phải làm, cần hoàn thiện, cần phải thực hiện theo yêu cầu.

“Tôi thấy phần kết luận của Chủ tịch Quốc hội rất rõ. Có những nội dung các bộ trưởng chưa chốt được thời gian, chưa chốt vấn đề thì trong kết luận, Chủ tịch đã chốt được nội dung đó. Kết quả này sẽ hình thành nên 1 Nghị quyết và các ĐBQH sẽ phải góp ý bằng Nghị quyết”, đại biểu Trịnh Xuân An cho biết.

Đại biểu Lê Hoàng Anh đoàn Gia Lai nhận định, trong 2 ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn các tư lệnh ngành đã trả lời thẳng vào các vấn đề mà đại biểu, cử tri cả nước quan tâm, quá trình trả lời có cả nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, đại biểu hy vọng các bộ trưởng và thành viên Chính phủ cần đầu tư, quan tâm hơn nữa vào các nội dung được đặt ra trong phiên họp để đại biểu yên tâm rằng các giải pháp này có thể triển khai thực tế chứ không chỉ là thảo luận lại Nghị trường.

Còn theo đại biểu Trần Kim Yến, đoàn TP.HCM, các bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn kỳ này đã nắm chắc các vấn đề, chỉ ra những nhu cầu bức thiết của người dân và doanh nghiệp sau đại dịch. Trong các giải pháp đặt ra, đại biểu cho rằng các bộ trưởng nên nói cụ thể hơn, một vài nội dung vẫn chung chung. Trong khi đó, mong muốn của cử tri là cần nêu rõ trách nhiệm và thời gian giải quyết là bao lâu.

“Nói là "trong thời gian tới", nhưng cụm từ này thực sự không đáp ứng được mong mỏi của cử tri với tư lệnh ngành”, đại biểu Yến nói thẳng.

Với gần 200 lượt đại biểu phát biểu và tranh luận, phiên chất vấn đã cho thấy các vấn đề được Quốc hội lựa chọn làm nội dung chất vấn là “trúng và đúng”, phù hợp thực tế, mong muốn của cử tri, được dư luận, đồng bào, nhân dân cả nước quan tâm, đồng tình./.

Cẩm Tú- Nguyễn Trang/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận