Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Nền nông nghiệp Việt Nam mang ba lời nguyền…'

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là người đăng đàn trả lời đầu tiên tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. Nhiều vấn đề nóng của ngành đã được đưa lên bàn nghị luận, đặc biệt điệp khúc được mùa, mất giá và những cuộc giải cứu ùn ứ nông sản vẫn chưa có hồi kết.

 

“Được mùa mất giá” như lời nguyền trong nông nghiệp

Tình trạng nông sản “được mùa, mất giá” lại “nóng” lên trên nghị trường khi nhiều đại biểu cùng nêu vấn đề này. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry đoàn Bạc Liêu hỏi: “Tình trạng vật tư nông nghiệp tăng vào mùa vụ sản xuất, rồi điệp khúc "được mùa mất giá" hoặc người dân còn loay hoay trong việc tìm kiếm cây trồng, vật nuôi đáp ứng thị trường, đây không phải là vấn đề mới, đã được chất vấn rất nhiều lần. Tôi muốn hỏi Bộ trưởng, đâu là điểm nghẽn của vấn đề này và đến bao giờ chúng ta mới có thể khắc phục được triệt để vấn đề này?

Còn đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn Đắk Nông lại đặt câu hỏi, sản xuất nông nghiệp có thể khẳng định là thế mạnh, là cứu cánh cho nền kinh tế xã hội của nước ta trong những điều kiện, tình huống khó khăn nhất. Tuy nông nghiệp phát triển nhưng thu nhập, đời sống của nông dân và người làm nông nghiệp chưa cao. Điệp khúc được mùa, mất giá và những cuộc giải cứu ùn ứ nông  sản chưa có hồi kết. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn chủ yếu theo chiều rộng, dựa trên mức độ thâm dụng các yếu tố đầu vào, trong khi giá các vật tư đầu vào liên tục tăng cao. Sản xuất phần lớn còn mang tính tự phát và tiêu thụ còn phụ thuộc vào một số ít thị trường. Cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ nào cho vấn đề nêu trên?

Trả lời về tình trạng “được mùa mất giá”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, như lời nguyền trong nông nghiệp. Nó là quy luật kinh tế cung - cầu và phải khống chế quy luật này qua hai cách. Khi dư thừa thì phải tăng chế biến để giảm lượng đưa ra thị trường và chuẩn hóa sản phẩm nông sản để thị trường thông suốt. Do đó, giải pháp cho câu chuyện được mùa mất giá là tổ chức lại sản xuất, chuẩn hóa ngành hàng, thông tin minh bạch thị trường xuất khẩu, nội địa.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng thừa nhận khuyết điểm của ngành nông nghiệp, trong đó có Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn chưa chuẩn hóa được tất cả những quy trình sản xuất để dẫn đến một kết quả là chất lượng nông sản chưa cao, chưa đồng đều. “Nền nông nghiệp Việt Nam mang ba lời nguyền đó là “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”. Đồng bằng sông Cửu Long mặc dù là nơi đất đai rộng nhất trong các vùng sinh thái chúng ta, nhưng bây giờ kiểm đếm lại vẫn là manh mún nhất. Sự manh mún, nhỏ lẻ đó dẫn đến hệ lụy rất nhiều”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Đừng quá “háo hức” khi nông sản Việt lên kệ nước ngoài giá cao

Đại biểu Phạm Minh Huệ, đoàn Sóc Trăng cho biết, hàng Việt đến nay vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước. Có thông tin nông sản Việt Nam được xuất khẩu và có mặt tại các kệ hàng trong các hệ thống siêu thị nước ngoài với giá cao hàng trăm ngàn, trong khi giá bán tại các chợ truyền thống và các hệ thống siêu thị trong nước vẫn ở mức thấp vài chục ngàn, vì thế thu nhập của người nông dân, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp chưa thực sự được cải thiện. Xin hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết thực trạng này, giúp cải thiện thu nhập của người nông dân, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, thời gian qua có thông tin nông sản Việt Nam được xuất khẩu và có mặt trong các gian hàng, siêu thị nước ngoài với giá cao lên đến hàng trăm nghìn, trong khi giá bán tại các chợ truyền thống và siêu thị trong nước còn ở mức thấp - vài chục nghìn đồng.

Lấy ví dụ từ câu chuyện vải thiều qua Nhật Bản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, giá vải xuất sang Nhật lên đến mấy trăm nghìn một kg - giá rất cao - nhưng thương lái lại mua nông sản của người nông dân với giá thấp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do để sản phẩm nông sản lên kệ hàng ở siêu thị nước ngoài thì chi phí logistics, chi phí thị trường chiếm tỉ trọng rất cao.

“Để đưa một nông sản chúng ta đến một kệ hàng của những siêu thị ở những nước phát triển, chi phí logistic và những chi phí thị trường đã chiếm một tỷ trọng rất cao. Chúng ta cũng đừng quá háo hức câu chuyện như vậy khi chúng ta đưa qua bên Nhật thì giá cao. Quan trọng giá cao đó có phân bổ lại được cho người nông dân để nâng cao hơn so với bán trong nội địa hay không” Bộ trưởng nói.

Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Nông nghiệp nông dân, nông dân, nông thôn luôn là vấn đề chiến lược, là cơ sở và lực lượng đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng và ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Sản xuất kinh doanh nông nghiệp đang phát triển mạnh, tỷ lệ nông sản qua chế biến tăng rõ rệt, bình quân khoảng 30% một năm. Thị trường tiêu thụ được mở rộng cả trong và ngoài nước, xuất khẩu nông sản tăng nhanh cả về sản lượng, giá trị và tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao. Việt Nam đứng thứ 15 thế giới, thứ hai khu vực Đông Nam Á về xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, nông nghiệp nước ta vẫn còn tình trạng manh mún, nhỏ lẻ và tự phát phát triển còn thiếu bền vững, năng suất cây trồng, vật nuôi khá cao nhưng năng suất lao động thấp, thu nhập và đời sống của người dân chưa cao, có lúc có nơi còn rất khó khăn, đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để hiện thực hóa chủ trương tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận