Có buông lỏng quản lý trái phiếu doanh nghiệp?

'Phải chăng đã có sự buông lỏng quản lý khi để xảy ra các sai phạm như vừa qua? Trách nhiệm của Bộ Tài chính đối với việc quản lý thị trường như thế nào...?', là những câu hỏi đã được các đại biểu quốc hội đặt ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng bộ Tài Chính về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.

 

Lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền

Nhiều đại biểu lo ngại tình trạng đầu cơ, thổi giá, lũng đoạn thị trường, tạo chênh lệch giữa giá ảo và giá trị thực trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến nhà đầu tư lẫn nền kinh tế. Cụ thể, đại biểu Trần Văn Lâm đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, thị trường chứng khoán nước ta hiện nay giá trị vốn hóa hay giá trị thị trường gấp nhiều lần giá trị tài sản lúc phát hành lần đầu. Sự gia tăng này cũng có tác động lớn của các chiêu trò đầu cơ, thổi giá, lũng đoạn thị trường, tạo chênh lệch giữa giá ảo và giá trị thực và gọi nôm là bong bóng chứng khoán.

Trả lời câu hỏi về bong bóng thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thị trường chứng khoán trong thời gian qua đã có bước phát triển rất tốt, tăng trưởng bình quân của chúng ta trong giai đoạn từ năm 2016-2021 khoảng 26%, đến cuối năm 2021 thị trường chứng khoán của chúng ta như thị trường cổ phiếu đã đạt được 7.774 tỷ, tức là đạt được 92,5% GDP của năm 2021. Có thể nói là một thị trường được đánh giá tốt. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua xảy ra một số hiện tượng về thao túng chứng khoán, như là thao túng cổ phiếu hay đưa thông tin sai lệch, lừa dối khách hàng, đầu cơ trái phiếu, v.v..

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, thị trường chứng khoán giống như hàn thử biểu của nền kinh tế, thể hiện sức mạnh của nền kinh tế. Ví dụ đối với thị trường chứng khoán vừa qua xảy ra chuyện thao túng, đây là hành vi của cá nhân đưa thông tin sai sự thật, sinh ra nhiều tài khoản để lôi kéo khách hàng rồi sau đấy đột ngột bán đi, khi bán không báo với cơ quan quản lý nhà nước, v.v. Thông qua kiểm tra Bộ đã phát hiện ra nhiều vi phạm, không những trong lĩnh vực chứng khoán mà kể cả lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền, Bộ đã chuyển cho cơ quan điều tra một số vụ để xử lý nghiêm.

Hiện nay, Bộ đã có những giải pháp tăng cường công tác kiểm tra và đưa trí tuệ nhân tạo vào theo dõi các nghiệp vụ về phát sinh, đồng thời công khai và theo dõi quá trình lên xuống đột ngột đối với các cổ phiếu và các cổ phiếu, trái phiếu riêng lẻ thì chúng tôi sẽ thiết lập một kênh, tức là một sàn riêng để theo dõi. Đặc biệt là tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, bắt đầu từ những dòng tiền bất thường, những giao dịch bất thường thì sẽ được kiểm tra và xử lý.

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Tài chính đối với việc quản lý thị trường chứng khoán vừa qua của đại biểu Nguyễn Danh Tú đoàn Kiên Giang, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ đã nỗ lực hết sức và chính vì sự nỗ lực đấy thì mới ngăn chặn và xử lý một số sai phạm làm cho thị trường chứng khoán trở nên minh bạch hơn. Bộ đã chuyển cơ quan điều tra 34 vụ và tiến hành xử phạt hành chính 568 vụ, xử phạt hành chính với số tiền hơn 29 tỷ đồng. Đây cũng là một bước để làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán. Vừa rồi Bộ đã thực hiện cách chức 2 cán bộ lãnh đạo, cảnh cáo 2 cán bộ lãnh đạo và kiểm điểm nhiều cán bộ khác, chẳng hạn như Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán là bị cách chức, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Chứng khoán HoSE bị cách chức, còn Giám đốc Trung tâm lưu ký chứng khoán và Chủ tịch Công ty chứng khoán Việt Nam bị cảnh cáo và xử lý.

Có sự buông lỏng thị trường trái phiếu doanh nghiệp?

Đánh giá về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhiều đại biểu cho rằng, thời gian vừa qua đã có nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu không đúng theo quy định của pháp luật, gây ra nhiều lo ngại rủi ro cho nhà đầu tư, đặc biệt, những nhà đầu tư nhỏ lẻ dễ bị tổn thương; gây ra mất cân đối với nền kinh tế khi dòng vốn đi lệch vào những thị trường rủi ro có tính đầu cơ cao thay vì đi vào hoạt động sản xuất kinh...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

Thị trường cổ phiếu xuất hiện hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Một số cổ phiếu, nhóm cổ phiếu biến động giá bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng tiềm ẩn rủi ro đã xảy ra gian lận khi xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp vi phạm quy định khi cung cấp dịch vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp sử dụng vốn huy động. Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm, hoặc tài sản bảo đảm bằng tài sản rủi ro còn lớn.

Từ những bất cập, hạn chế nêu trên, đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có các giải pháp hiệu quả để khắc phục, tập trung vào các vấn đề trọng tâm.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đoàn Ninh Bình cho hay, cùng với sự tăng trưởng nóng của trái phiếu doanh nghiệp, những rủi ro tiềm ẩn về chất lượng sản phẩm khi có nhiều loại trái phiếu phát hành không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán, không xếp hạng tín nhiệm. Đến nay nhiều trái phiếu doanh nghiệp sắp đến kỳ đáo hạn nhưng sức khỏe của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản đang sụt giảm do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nên dễ đối mặt với rủi ro doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn.

Qua vụ việc như Tân Hoàng Minh vừa qua cho thấy, cơ chế, chính sách của Nhà nước đã bị lợi dụng, dẫn đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp bộc lộ những bất cập, hạn chế như điều kiện phát hành còn lỏng lẻo, tiêu chí đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp phát hành và sự kiểm tra, giám sát, quản lý của cơ quan chủ quản và các cơ quan liên quan chưa quyết liệt, hiệu quả, phát hành trái phiếu nhưng sử dụng sai mục đích, chuyển nhượng vốn lòng vòng, quá trình phát hành trái phiếu phát sinh các hành vi vi phạm, không minh bạch trong thực hiện nghĩa vụ báo cáo công khai liên quan đến việc cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành...

Trả lời về trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng bộ Tài chính cho rằng, thị trường trái phiếu là một kênh huy động vốn trung hạn và dài hạn và cùng với tín dụng đảm bảo nguồn lực cho nền kinh tế phát triển. Đối với doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp đưa thông tin sai lệch, dùng công ty này để phát hành cho công ty kia rồi lại dùng công ty kia để hợp đồng đầu tư vốn với nhà đầu tư tiếp thì phải xử lý nghiêm... “Hiện nay quy mô trái phiếu doanh nghiệp khoảng độ 1.374.000 tỷ, chiếm khoảng 15% GDP. So với mục tiêu chiến lược mà Thủ tướng Chính phủ ban hành thì đến năm 2025 chúng ta phải đạt được 20% và đến năm 2030 đạt được 25%. Đây mới đạt 15%, tức là đang ở trong khoảng cho phép. So với các nước xung quanh, trái phiếu doanh nghiệp của chúng ta huy động đang ở mức thấp nhất và đang có dư địa để thực hiện, tuy nhiên, việc huy động phải minh bạch”, bộ trưởng nhấn mạnh.

Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về những sai phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đoàn TP. Hồ Chí Minh đã chỉ ra, theo mục tiêu chiến lược thì năm 2025 phải đạt 20% nhưng  đến cuối năm 2021 quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tương đương 18,2%, tức là gần 51 tỷ USD quy đổi ra. Nếu so với 2018 thì quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 tăng gấp 3 lần. Phải chăng chúng ta vừa qua có sự buông lỏng và phải chăng những cảnh báo của Bộ Tài chính như là Bộ trưởng nói là không có hiệu quả. “Vừa rồi Bộ Tài chính cũng đi thanh tra và cho thấy rằng trong 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ năm vừa qua có 57 doanh nghiệp thua lỗ, 45 doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10, trong số 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu nhiều nhất trong năm vừa qua thì có doanh nghiệp phát hành gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu. Ví dụ có doanh nghiệp bất động sản phát hành với lãi suất cao là gần 13%, có doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu 153 tỷ nhưng phát hành tới 7.200 tỷ tương đương với tỷ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu là 47 lần, có công ty phát hành 7700 tỷ đồng trái phiếu nhưng vốn chủ sở hữu chỉ có 270 tỷ, tức là tỷ lệ là 28 lần”, đại biểu Nghĩa nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc:

Chỉ trừ trường hợp Tân Hoàng Minh hiện nay chưa trả được nợ khi hủy giao dịch, còn lại ý các doanh nghiệp đến hạn đều trả được nợ, có nghĩa là dòng trái phiếu doanh nghiệp này vẫn chu chuyển một cách bình thường... Hiện không có chủ trương siết chặt hay hạn chế trái phiếu doanh nghiệp. Bởi trái phiếu doanh nghiệp là một kênh huy động vốn rất hiệu quả cùng với các ngân hàng thương mại, để huy động vốn cho các doanh nghiệp, đóng góp vào sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc huy động này phải đúng pháp luật, phải minh bạch và không được lợi dụng việc huy động này để sử dụng tiền sai mục đích, đưa tiền này vào bất động sản hay các mục đích khác mà không đóng góp cho nền kinh tế...

Trả lời phần tranh luận của đại biểu Nghĩa, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, theo số liệu do Ủy ban Chứng khoán theo dõi và Vụ Tài chính ngân hàng thì tương đương 15%, vấn đề là từ trước đến giờ trái phiếu doanh nghiệp này có bị không đảo nợ được không, hay nói cách khác là không trả được nợ không? Chỉ trừ trường hợp Tân Hoàng Minh hiện nay chưa trả được nợ khi hủy giao dịch, còn lại ý các doanh nghiệp đến hạn đều trả được nợ, có nghĩa là dòng trái phiếu doanh nghiệp này vẫn lưu chuyển một cách bình thường.

Thứ hai, chúng tôi là cơ quan hành pháp thì chúng tôi phải thực hiện theo đúng luật pháp. Mà luật pháp thì căn cứ vào Luật Chứng khoán và Nghị định 153, phần trái phiếu phát hành thì cơ quan nhà nước gần như không cấp phép, không quản lý và doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh, do doanh nghiệp phát hành, do doanh nghiệp vay trả, chúng ta không can thiệp vào.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận