Theo PGS.TS Bùi Đình Phong, nói tư tưởng Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa Marx-Lenin có sự đối lập là cách người ta phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa Marx-Lenin, phủ nhận nền tảng tư tưởng cách mạng của chúng ta, muốn “lái” chúng ta đi theo con đường khác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại cho dân tộc Việt Nam một sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà còn để lại cho toàn Đảng, toàn dân một di sản cao quý, đó là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cao đẹp, suốt đời hy sinh, phấn đấu, quên mình cho đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Thế nhưng, thời gian qua các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị ra sức chống phá, đã bóp méo, xuyên tạc hình ảnh và tư tưởng của Người.
Chúng bịa đặt bôi đen, xuyên tạc và phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh là sự du nhập tư tưởng ngoại lai vào Việt Nam; Hồ Chí Minh đi trên “cỗ xe Nho giáo” đến với Chủ nghĩa Marx-Lenin; tư tưởng Hồ Chí Minh là tư biện, lý thuyết, giáo điều, sao chép máy móc Chủ nghĩa Marx-Lenin đã lỗi thời, đã bị xóa bỏ nên không phù hợp với thực tiễn Việt Nam hiện nay. Chúng luôn tìm cách đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Marx-Lenin, tách rời mối quan hệ biện chứng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Marx-Lenin để khi thì đề cao, tuyệt đối hóa tư tưởng Hồ Chí Minh, khi lại cho rằng Hồ Chí Minh không có tư tưởng, vì đó là một nhà hoạt động thực tiễn…
Theo PGS, TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về các học thuyết, các nhà triết học và tư tưởng, không chỉ Đảng, Nhà nước, nhân dân ta khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng mà thế giới cũng thừa nhận và điều quan trọng nhất khi nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách một nhà tư tưởng, chúng ta phải có một căn cứ rất quan trọng như Lenin đã chỉ ra: “Một nhà tư tưởng có nghĩa con người đó biết giải quyết trước những người khác tất cả các vấn đề về tư tưởng, chính trị, chiến lược, sách lược, về tổ chức, không phải một cách tự phát”. Hay nói một cách khác, một nhà tư tưởng phải xuất phát từ thực tiễn để giải quyết vấn đề của thực tiễn, kể cả thực tiễn.
Hơn nữa, toàn bộ cuộc đời, di sản của Bác kết tinh từ 3 tầng giá trị: đó là tầng tư tưởng lý luận của Chủ nghĩa Marx-Lenin; tầng giá trị về hoạt động thực tiễn, bao gồm cả thực tiễn Việt Nam và thực tiễn thế giới; Hồ Chí Minh là bậc đại nhân, đại chí, đại dũng. 3 tầng giá trị đó kết hợp lại có thể hoàn toàn khẳng định Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng, nhà lý luận.
Phản bác lập luận của một số đối tượng cho rằng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ là sự sao chép nguyên bản, áp dụng khiên cưỡng Chủ nghĩa Marx-Lenin, PGS.TS Bùi Đình Phong, cho rằng có thể họ không hiểu hoặc cố tình không hiểu rồi xuyên tạc. Nếu Chủ tịch Hồ Chí Minh sao chép Chủ nghĩa Marx-Lenin sẽ không bao giờ có được thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
“Khi nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh chúng ta phải trở lại với thời kỳ của Marx và Lenin. Ở giai đoạn của Marx hình thành tư tưởng ở giữa thế kỷ XIX khi chủ nghĩa tư bản vừa ra đời và trong giai đoạn phát triển, lúc đó chưa có thực tiễn cách mạng, Marx chỉ đưa ra dự báo về sự phát triển của xã hội tương lai của Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa cộng sản. Đến giai đoạn của Lenin, đầu thế kỷ XX, khi đó Chủ nghĩa tư bản đã phát triển đến tột cùng và trở thành chủ nghĩa đế quốc. Có thể nói, Lenin phát triển chủ nghĩa của Marx đã giải quyết những vấn đề của cách mạng, và đặc biệt trong sự phát triển Chủ nghĩa Marx, Lenin là lãnh tụ làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng vô sản đầu tiên của thế giới.
Trong những học trò xuất sắc của Marx và Lenin có Hồ Chí Minh, người ra đời hoạt động cách mạng vào thời điểm ¾ thế giới là thuộc địa, nhiệm vụ, sứ mệnh đặt lên vai học trò của Lenin chính là giải quyết những vấn đề của thuộc địa. Trong toàn bộ quá trình hoạt động của mình, bằng trí lực, tâm lực, bằng suy nghĩ và hành động, cùng các vấn đề về lý luận khoa học, thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung giải quyết những vấn đề của cách mạng thuộc địa; hay nói cách khác, bằng các hoạt động của mình, Hồ Chí Minh đã thức tỉnh, kêu gọi các dân tộc vùng lên thực hiện sự nghiệp giải phóng”, PGS, TS Bùi Đình Phong phân tích.
Khẳng định, câu chuyện đó hoàn toàn không có trong Chủ nghĩa Marx-Lenin, PGS.TS Bùi Đình Phong cho rằng, ai đó nói Hồ Chí Minh khiên cưỡng, sao chép của Marx-Lenin là cố tình xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh. Nói một cách cụ thể hơn, trong hệ thống lý luận tư tưởng Hồ Chí Minh, Bác đưa ra những luận điểm, quan điểm chưa tìm thấy trong kho tàng Marx-Lenin. Một trong những luận điểm sáng giá nhất của Hồ Chí Minh chính là việc vừa vận dụng, vừa phát triển Chủ nghĩa Marx-Lenin, chưa hề có trong lý luận Marx-Lenin, đó là cách mạng thuộc địa có khả năng chủ động giành thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc.
Về nhận thức, tiếp thu Chủ nghĩa Marx-Lenin về cách mạng vô sản để vận dụng vào cách mạng Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Bùi Đình Phong cho biết, Hồ Chí Minh đã đánh giá rất cao Chủ nghĩa Marx-Lenin, đồng thời khẳng định, ghi nhận vai trò của Lenin với việc lãnh đạo thắng lợi cuộc cách mạng vô sản tháng Mười Nga. Nhưng Cách mạng vô sản tháng Mười Nga với cách mạng của Việt Nam sau này do Hồ Chí Minh và Đảng ta lãnh đạo có những điểm giống và rất nhiều điểm khác. Đối tượng của cách mạng vô sản Nga là tư bản và địa chủ trong nước, xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh nước Nga. Mục đích của cách mạng vô sản là để thiết lập nền chuyên chính vô sản. Còn chúng ta, một nước phương Đông, thuộc địa, kẻ thù của ta là đối tượng xâm lược, cộng với một lực lượng nhỏ là tay sai cho đế quốc. Vì thế chúng ta phải tập trung chống thực dân xâm lược, mục đích quan trọng nhất của ta là phải giành cho được độc lập dân tộc.
“Một nước thuộc địa mà không giành được độc lập dân tộc có nghĩa chúng ta suốt đời nô lệ. Có thể nói, giữa tiếp nhận cách mạng vô sản với con đường Hồ Chí Minh, có 2 yếu tố rất quan trọng cách mạng tháng Mười Nga 1917 là cách mạng vô sản thì cách mạng Việt Nam năm 1945 là cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Nói về cụm từ giải phóng dân tộc, thì trước Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu đã làm rồi nhưng là giải phóng dân tộc theo con đường phong kiến thất bại, theo con đường tư sản cũng thất bại. Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi cũng vẫn là cách mạng vô sản còn chúng ta là giải phóng dân tộc nhưng không thể theo con đường phong kiến hay tư sản mà phải theo con đường vô sản. Nên khi chúng ta tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng đó vừa là sự kế tục, là sự vận dụng và phát triển rất lớn của Việt Nam trong điều kiện là một nước thuộc địa nửa phong kiến”, PGS, TS Bùi Đình Phong nhấn mạnh thêm.
Về luận điệu cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa Marx-Lenin có sự đối lập, ông Bùi Đình Phong cho rằng, đó là cách để họ phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa Marx-Lenin, cuối cùng là phủ nhận nền tảng tư tưởng cách mạng của chúng ta, muốn “lái” chúng ta đi theo con đường khác chứ không phải con đường CNXH mà Marx-Lenin, Hồ Chí Minh đã vạch ra và thực tiễn cách mạng đã giành được trong thời kỳ Đảng lãnh đạo cách mạng.
Có thể khẳng định, toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh đều hình thành từ thực tiễn, cuộc sống, từ đó Người đúc rút thành những vấn đề lý luận được thực tiễn hóa, cho nên tất cả những điều Người nói chứa đựng hàm lượng khoa học rất lớn, mang tầm vĩ mô, tầm quốc tế, không chỉ giải phóng dân tộc mà giải phóng cả nhân loại. Nói một cách khác, cuộc đời Hồ Chí Minh từ tư tưởng, lý luận, đạo đức tất cả đều vì nhân dân, vì con người, nên Bác nói điều gì cũng là để phục vụ nhân dân nên trong cách diễn đạt của Người gần gũi và thấm vào nhân dân là vì vậy.
Nói đến Hồ Chí Minh, người ta tổng kết trong đó có Gandhi, có Lenin nhưng vẫn hoàn toàn Hồ Chí Minh, hoàn toàn Việt Nam, để thấy rằng toàn bộ quá trình lãnh đạo cách mạng của mình, Hồ Chí Minh vừa giải quyết, vừa thấm những giá trị tư tưởng lớn của nhân loại nhưng lại mang những diện mạo, sắc thái xuất phát từ thực tiễn con người Việt Nam để tập trung giải quyết những vấn đề của Việt Nam./.
Theo VOV.VN