Đến cuối tháng tư vừa qua, chỉ có 7 quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, trong hơn 111 danh mục quy hoạch phải thực hiện.
Chậm công bố thông tin quy hoạch gây sốt ảo, đầu cơ đất
Anh Lê Đức (Hà Nội) mua phải một căn nhà dính vào quy hoạch treo ở Tân Mai từ 20 năm trước. Mặc dù vào thời điểm mua anh đã cẩn thận hỏi thăm thông tin từ hàng xóm nhưng người dân ở đây hầu như cũng không ai nắm được thông tin quy hoạch này. Do dính vào quy hoạch treo nên gia đình anh không thể xây mới, sửa chữa hay sang nhượng được. Cả gia đình anh, 3 thế hệ cùng ở trong căn nhà sập sệ, dột nát mà không thể làm gì bởi bán không ai mua, sửa chữa xây mới không được. Đây không phải là chuyện hiếm mà điều này xảy ra ở bất kỳ tỉnh, thành nào và ai cũng có thể gặp phải. Chuyện đáng tiếc này sẽ không xảy ra nếu phường, quận cắm một tấm biển đầu đường, ghi rõ khu vực quy hoạch để người dân như anh Đức không mua phải những căn nhà bị quy hoạch treo như vậy. Điều này cho thấy công tác công bố, công khai thông tin quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn còn nhiều hạn chế. Một vấn đề tưởng chừng như đơn giản chỉ là một cú kích chuột, nhưng trên thực tế việc thực hiện lại rất khó khăn. Đó cũng là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về Luật Quy hoạch vừa diễn ra.
Theo đại biểu Lê Thanh Hoàn, đoàn Thanh Hoá, việc công bố, công khai thông tin quy hoạch ở một số địa phương còn chậm, chưa thường xuyên, liên tục, chưa tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để công khai và cung cấp thông tin quy hoạch có hiệu quả. “Hiện tại, việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định rõ tại Luật Đất đai, Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, công tác công bố công khai thông tin quy hoạch nói chung thực sự còn rất hình thức, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng”.
Ngoài ra, đại biểu Lê Thanh Hoàn cũng chỉ rõ, việc công bố công khai thông tin quy hoạch theo yêu cầu của Luật Quy hoạch có lúc, có nơi chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa kể đến việc nội dung công bố thông tin quy hoạch còn rất hình thức, nhiều nội dung công bố chỉ có quyết định mà không có bản vẽ bản đồ cụ thể hoặc nếu có thì bản vẽ dung lượng ảnh rất thấp không thể xem rõ được nội dung. Rõ ràng, việc thực hiện công bố công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa thực sự được coi trọng. Theo phản ánh của cử tri thì những gì dân muốn biết, dân cần thực sự rất khó để có thể tiếp cận. “Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện việc công bố công khai thông tin lại chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa thấy có báo cáo số liệu về xử lý kỷ luật hay xử lý trách nhiệm trong trường hợp không công bố thông tin quy hoạch”, đại biểu Lê Thanh Hoàn nhấn mạnh.
Người dân tham gia vào quy hoạch chỉ mang tính hình thức
Cũng tại phiên thảo luận về Luật Quy hoạch, nhiều đại biểu cho rằng, một trong những nội dung quan trọng chưa được báo cáo rõ với Quốc hội, đó là sự tham gia, hỏi ý kiến của người dân trong việc thực hiện quy hoạch còn hạn chế. Trong khi các văn bản quy phạm pháp luật về lập quy hoạch đều yêu cầu cơ quan lập quy hoạch phải tiếp thu, giải trình lý do không tiếp thu ý kiến của người dân. Việc người dân được bàn, tham gia thực hiện quy hoạch hầu như hay chỉ mang tính hình thức.
Kết quả phân tích số liệu điều tra của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam trong điều tra, khảo sát hiệu quả quản trị hành chính cấp tỉnh ở Việt Nam cho thấy, còn quá ít người dân biết đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại nơi mình cư trú. Năm cao nhất chỉ có 20% số người được hỏi biết đến thông tin này. Năm thấp nhất có chưa đến 12% số người được hỏi trả lời là biết thông tin trên. Tỷ lệ số người được hỏi cho biết đã có dịp tham gia góp ý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại nơi họ cư trú còn quá thấp. Năm cao nhất cũng chỉ có 7% số người được hỏi cho biết họ đã từng đóng góp ý kiến, năm thấp nhất tỷ lệ này là 2,8%.
Đánh giá về sự tham gia của người dân trong việc thực hiện quy hoạch, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, đoàn Lâm Đồng cho rằng, Aprodixio đã từng nói: “Bản quy hoạch tốt nhất là bản quy hoạch thể hiện được sự mong muốn của người dân”. Một bản quy hoạch có tính linh hoạt, đáp ứng những yêu cầu mà người dân cho là cần thiết để việc thực hiện lấy ý kiến của người dân được tốt hơn. Chính quyền các cấp, đội ngũ công chức cần thật sự coi phục vụ người dân là mục tiêu chính trong hoạt động của mình. Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm lập quy hoạch không chỉ làm đúng theo đúng quy định của pháp luật về công bố thông tin, lấy ý kiến người dân mà còn tùy thuộc vào tình hình, đặc điểm, phân bố dân cư để có biện pháp đưa thông tin đến người dân một cách phù hợp nhất. Cùng một nội dung nhưng cần có kế hoạch tổ chức thông tin, lấy ý kiến người dân bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với từng nhóm dân cư. Việc nghiên cứu phương pháp có sự tham gia của cộng đồng vào công tác quy hoạch là rất cần thiết, góp phần phát triển xã hội theo hướng công bằng, dân chủ và bền vững.
Quy hoạch tốt sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Song vấn đề mấu chốt là phải chú trọng tăng cường cung cấp thông tin, công khai quy hoạch và lấy ý kiến của nhân dân giúp cho người dân dễ nắm bắt, dễ tiếp cận thông tin liên quan đến quy hoạch, đảm bảo dân chủ, đồng thời góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân một cách tốt nhất./.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy, đoàn Thái Bình:
Tình trạng quy hoạch treo, dự án treo còn tồn tại ở nhiều địa phương và gây ra những ảnh hưởng lớn tới quyền lợi và cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch. Nhiều nơi người dân không thể làm nhà vì vướng quy hoạch, đi nơi khác cũng không được, vì nhà nước không có nguồn lực để giải phóng mặt bằng. Tình trạng này không chỉ làm lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng mà còn gây ra những bức xúc trong xã hội.
|
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, đoàn Bình Thuận:
Luật Đất đai hiện tại không nêu rõ dự án treo, quy hoạch treo trong thời gian bao lâu sẽ bị hủy, đây là một nội dung gây bức xúc trong Nhân dân và nhất là người dân nằm trong vùng dự án treo, quy hoạch treo. Vấn đề này vừa gây lãng phí nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực đất đai và các nguồn lực khác, vừa giảm niềm tin của người dân đối với chính quyền. Do vậy, tôi xin kiến nghị Chính phủ cần ban hành các quy định cụ thể về thời gian 3 năm hoặc 5 năm nếu không thực hiện thì các quy hoạch treo, dự án treo sẽ hết hiệu lực và có chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy hoạch đã đề ra.
|
Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn TP Hà Nội:
Chúng ta cần làm rõ nguyên nhân vì sao quy hoạch chậm, vì sao quy hoạch cấp dưới đã được phê duyệt có nguy cơ phải điều chỉnh… Vì sao một số chỉ tiêu quy hoạch của ngành vừa mới được phê duyệt rất công phu, khi các tỉnh lập quy hoạch lại thấy những chỉ tiêu đó không phù hợp. Tôi cho rằng nguyên nhân là do chúng ta hiểu chưa đúng về cách thức triển khai quy hoạch tích hợp nên còn lúng túng, thậm chí là còn chỉ đạo làm sai lệch bản chất của Luật Quy hoạch theo phương thức tích hợp. Quy hoạch tích hợp không phải đơn thuần chỉ là việc ghép nội dung từ nhiều quy hoạch riêng lẻ thành một bản quy hoạch chung. Các nội dung và chỉ tiêu trong quy hoạch tích hợp phải được liên kết với nhau theo cả chiều dọc, tức là từ cấp trên, cấp dưới và theo chiều ngang là theo không gian lãnh thổ. Để liên kết và thống nhất được các chỉ tiêu quy hoạch theo cả chiều dọc và chiều ngang thì quá trình xây dựng quy hoạch phải tiến hành đồng thời ở tất cả các cấp, các ngành và các địa phương để cùng đặt các phương án quy hoạch lên bàn, cùng trao đổi, thảo luận để đi đến một phương án chung thống nhất.
|