Tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 1/6 về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, các đại biểu quốc hội (ĐBQH) đồng tình và đánh giá cao những nỗ lực, sự chỉ đạo quyết liệt kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của Ngân hàng Nhà nước và sự phối kết hợp vào cuộc của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội khóa XIV về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Nêu ý kiến tại hội trường Quốc hội, ĐBQH Cầm Thị Mẫn - Đoàn Thanh Hóa cho biết, qua theo dõi thực tiễn từ các địa phương cũng như các báo cáo của Chính phủ về kết quả gần 5 năm thực hiện, có thể khẳng định Nghị quyết 42 của Quốc hội khóa XIV đã tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các TCTD.
“Nghị quyết 42 thực sự đã mang lại chuyển biến tích cực thể hiện định hướng chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, qua đó củng cố niềm tin của xã hội đối với công tác xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD, góp phần quan trọng vào kết quả triển khai kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020”, bà Mẫn nói.
Theo đó, lũy kế từ ngày 15/8/2017 - 31/12/2021 toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng đạt hơn 70% tổng số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 tại thời điểm 15/8/2017, bằng 47,9% tổng số nợ xấu được xác định tại thời điểm ngày 31/12/2021 đạt trung bình khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng. Con số này khẳng định rõ hiệu quả từ các quy định của Nghị quyết 42 mang lại, tạo cơ chế xử lý hiệu quả kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu của các TCTD.
Đặc biệt, sau khi Nghị quyết 42 ban hành có hiệu lực, ý thức trả nợ của khách hàng được nâng cao. Cùng với ngành ngân hàng, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan đã vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ hơn công tác xử lý nợ xấu, tạo sự thay đổi đáng kể về nhận thức, trách nhiệm của các bên liên quan.
Tuy nhiên, bà Mẫn cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 42 vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đánh giá tác động, phân tích rõ rõ nguyên nhân khách quan chủ quan của những tồn tại vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, trước dự báo diễn biến khó lường, những tác động bất lợi do tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội tác động tiêu cực đến thu nhập của các cá nhân, hộ gia đình và kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng vay suy giảm nợ xấu sẽ có khả năng gia tăng.
“Điều này đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục duy trì các biện pháp giảm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và khơi thông nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước. Nên kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực thi hành, tạo hành lang pháp lý ổn định cho công tác xử lý nợ xấu của các TCTD, đáp ứng yêu cầu khơi thông nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước”, bà Mẫn đề xuất.
Cũng tại phiên thảo luận sáng nay, bày tỏ chưa hài lòng với kết quả của hoạt động xử lý nợ xấu, đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn Quảng Trị cho rằng, kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc. Thực trạng xử lý nợ xấu trong thời gian qua cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu ngân hàng vẫn có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Phân tích cho dự báo này, đại biểu Hà Sỹ Đồng chỉ ra nguyên nhân do chính sách tiền rẻ, tiền lỏng đã tạo ra hệ lụy khó tránh khỏi khi một phần đáng kể dòng tiền dễ dãi này đã và đang tìm tới các kênh đầu tư, các nhóm tài sản rủi ro không được khuyến khích nhưng vô cùng “nóng bỏng” ở một số lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…
“Nhận định thực trạng nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro và nợ xấu ngân hàng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới đã khá rõ. Bởi thế, việc cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 cho tới cuối năm 2023 để tránh bị khoảng trống pháp lý, trong thời gian gia cố khung khổ pháp luật về xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo nợ vay trở nên có sức thuyết phục. Dù một số ý kiến phân tích khi thảo luận tại tổ là không nên kéo dài mà chỉ ưu tiên cho một lĩnh vực đầy khó khăn cho các lĩnh vực khác không phải là không có cơ sở”, Đại biểu Hà Sỹ Đồng bày tỏ quan điểm.
Theo ý kiến của ĐBQH Trần Hoàng Ngân - Đoàn TP.HCM vẫn đề nghị Quốc hội tiếp tục xem xét gia hạn kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD. Bởi qua gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội, hệ thống ngân hàng đã xử lý được trên 380.000 tỷ đồng, trong đó có gần 40% là do khách hàng khách hàng vay vốn chủ động trả nợ. “Điều đó khẳng định Nghị quyết 42 là rất cần thiết và nên tiếp tục gia hạn thêm một thời gian, để chúng ta đảm bảo được an toàn hệ thống ngân hàng”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến./.
Theo VOV.VN