Có hay không những cái 'bắt tay' trục lợi trên đau khổ của người dân trong đại dịch?

'Có sự bắt tay cấu kết của những hành vi trục lợi này không? Nếu có thì sao lại có những cái bắt tay cấu kết trục lợi trên đau khổ của người dân trong đại dịch?

 

Hành vi lợi dụng, trục lợi chính sách trong phòng, chống dịch xảy ra dưới nhiều dạng khác nhau

Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề khi thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, tại Kỳ họp thứ 3, ngày 1/6.

Cho rằng bất cứ một chính sách nào được ban hành cũng có nguy cơ bị lợi dụng, trục lợi, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nhấn mạnh, khi ban hành các chính sách, nhất là các chính sách cấp bách phòng, chống Covid-19, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm.

Rất tiếc là hành vi lợi dụng, trục lợi chính sách trong phòng, chống dịch đã xảy ra, nó xảy ra dưới nhiều dạng khác nhau từ hoạt động phân phối các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh đến các hoạt động mang tính nhân đạo như giải cứu lao động về nước mà Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phản ánh, đến các hoạt động mua, bán, sản xuất thiết bị phòng, chống dịch... khiến cử tri và dư luận hết sức bất bình.

Đại biểu Tô Văn Tám - đoàn Kon Tum.

Theo đại biểu, những hành vi đó đã, đang và sẽ bị xử lý nghiêm minh và họ đã và đang đứng trước pháp đình để chịu sự phán xử nghiêm khắc của pháp luật hình sự, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo, quản lý. Điều đó không chỉ thể hiện thái độ không khoan nhượng của Đảng và Nhà nước mà còn chứng minh rằng không có vùng cấm trong quá trình xử lý các sai phạm. Cử tri và dư luận hết sức đồng tình, ủng hộ.

“Tuy nhiên, cử tri vẫn băn khoăn đặt vấn đề, đằng sau những hành vi đó là gì, có sự bắt tay cấu kết của những hành vi trục lợi này không? Nếu có thì sao lại có những bắt tay cấu kết trên đau khổ của người dân trong đại dịch như vậy, những vấn đề đó cần được tiếp tục làm rõ trong quá trình xử lý các sai phạm trên” – đại biểu đặt vấn đề.

Có biểu hiện tùy tiện trong việc áp dụng giá bất động sản để tính thuế

Đề cập việc thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) cho rằng, nguyên nhân chính là sự kê khai không trung thực của một bộ phận người dân tham gia giao dịch bất động sản và bảng giá đất của các địa phương hiện nay không sát với giá thị trường, còn thấp hơn nhiều so với giá thực tế.

Bên cạnh đó, việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản cũng phải gắn với quyền lợi của người sử dụng đất khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất. Khi kinh doanh chuyển nhượng bất động sản thì người dân chịu mức thuế cao hơn, tức là theo giá thị trường nhưng khi bị thu hồi đất, đền bù thì áp theo giá nhà nước dẫn đến bất bình đẳng trong mối quan hệ này.

Đại biểu Phan Thái Bình.

Cơ quan thuế hiện nay không có cơ sở pháp lý rõ ràng để công nhận hoặc không công nhận mức giá kê khai trong hợp đồng công chứng là giá giao dịch thực tế. Chính vì vậy, việc áp dụng các biện pháp để chống thất thu thuế ở các địa phương là không thống nhất, mỗi nơi, mỗi người áp dụng một kiểu.

Theo phản ánh của cử tri, một số cơ quan thuế ở cấp huyện có biểu hiện tùy tiện trong việc áp dụng giá bất động sản, tính thuế, nhiều nơi yêu cầu người dân phải chấp thuận giá tính thuế cao hơn từ 1,2 đến 1,5 lần, thậm chí có nơi đến 2 lần giá đất Nhà nước quy định thì mới được giải quyết hồ sơ.

“Trường hợp giá trong hợp đồng thấp hơn mức trên thì cơ quan thuế ngâm hồ sơ, mời lên làm việc nhiều lần hoặc trả hồ sơ vì cho rằng giá ghi trong hợp đồng chưa sát với giá thị trường bất động sản. Tuy nhiên, căn cứ nào để xác định sát với giá thị trường bất động sản và áp dụng giá tính thuế cao hơn giá Nhà nước quy định thì cơ quan thuế không chỉ ra và cũng không được quy định rõ ràng, minh bạch”, ông Phan Thái Bình dẫn chứng.

“Việc chỉ đạo chung chung không đề ra giải pháp rõ ràng, cụ thể về pháp lý, kỹ thuật đã vô tình dẫn đến nguy cơ làm công cụ, phương tiện để cho một số cơ quan, cán bộ thuế và một số chủ thể khác, như tổ chức hành nghề công chứng có điều kiện nhũng nhiễu, trục lợi, tham nhũng, tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp”, đại biểu lưu ý.

Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về đất đai, về thuế, trong đó quy định rõ nguyên tắc xác định giá đất theo giá thị trường đúng như quy định của Luật Đất đai.

UBND các tỉnh, thành phố phải cập nhật đúng, đủ và kịp thời giá đất theo sát giá thị trường vào bảng giá đất nhà nước để làm căn cứ tính thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản và tính chi phí bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất cho người dân để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trong các mối quan hệ này./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận