Người nghèo là nạn nhân chính của tham nhũng 'vặt'

Bởi vì người nghèo thường phụ thuộc vào các dịch vụ công nhiều hơn người giàu. Người nghèo là nạn nhân chính của tham nhũng "vặt".

 

Chi lót tay khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phải trả chi phí ngoài quy định để được chăm sóc tốt hơn tại các cơ sở y tế... Đó là những hiện tượng điển hình cho tình trạng tham nhũng vặt vốn đang diễn ra phức tạp và gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Làm thế nào để dẹp bỏ những hành vi tham nhũng vặt để người dân, doanh nghiệp không phải phiền lòng vì những thứ nhũng nhiễu “vặt mà không vặt”? Phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Thanh tra viên cao cấp, Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ thanh tra về vấn đề này.

Ranh giới giữa tham nhũng lớn, tham nhũng vặt rất mong manh

PV: Ông nghĩ sao về tình trạng tham nhũng "vặt" đang diễn ra khá phức tạp và dần trở nên phổ biến trong cuộc sống hiện đại?

Ông Nguyễn Huy Hoàng: Hiện nay, tham nhũng đã trở thành nguy cơ hiện hữu dẫn đến sự suy đồi văn hóa đạo đức của con người, của xã hội, là lực cản không nhỏ đối với sự phát triển của đất nước.

Tham nhũng thường có 2 loại là tham nhũng lớn, tham nhũng "vặt". Tuy nhiên, ranh giới giữa tham nhũng lớn, tham nhũng vặt thì rất mong manh và chia ra như vậy để phân biệt một cách tương đối, tìm ra phương thuốc đặc trị cho từng loại.

Tham nhũng "vặt" là hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn, lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để nhũng nhiễu, gây khó khăn, nhằm vụ lợi từ tổ chức, doanh nghiệp và người dân với giá trị vật chất không lớn, chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng hành vi này diễn ra từ lâu và nó diễn ra hàng ngày ở nhiều nơi, nhiều cơ quan, tổ chức và các vị trí khác nhau ở cấp cơ sở, thậm chí gần như trở thành thông lệ, thói quen, hình thức bôi trơn văn hóa của không ít cán bộ, công chức, viên chức.

Nó được ví như một bệnh ghẻ ruồi cứ dấm dứt, dai dẳng, dễ làm lây lan, làm cho các cá nhân và xã hội bức xúc, bất an. Tình trạng tham nhũng "vặt" vẫn chưa được ngăn chặn, kiềm chế, diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ sản xuất kinh doanh, liên doanh, liên kết đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng đất đai, đến ngân sách thuế, ngân hàng, hải quan.

Tham nhũng "vặt" cứ như nấm mọc sau mưa và đặc biệt là sự nguy hại của nó đã xuất hiện trong công tác trọng yếu của Đảng và Nhà nước và nhân dân như công tác cán bộ, công tác chính sách, công tác an sinh xã hội... Nó không chỉ xuất hiện cá nhân mà còn mang tính đồng lõa của số đông, thậm chí có tổ chức. Thói tham nhũng "vặt" diễn ra công khai gây khó khăn cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, bất cứ việc gì ở lĩnh vực nào, hình thành nên cơ chế xin – cho thì không khó để tìm ra những minh chứng về nó. Người dân phải đi xin, còn công bộc giữ quyền cho.

Người dân, doanh nghiệp phải “sấp ngửa” đến cơ quan công quyền để xin đủ thứ, từ xin cho con đi học, chuyển lớp, chuyển trường, xin cấp giấy chứng tử, xin cấp giấy phép kinh doanh, xin giấy khám sức khỏe để vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước. Thậm chí có những người "chạy" vào biên chế, xin đi học, xin thi tuyển nâng lương, xin chuyển địa bàn, đơn vị công tác.

Ngay đến người có công với đất nước cũng phải đi xin chế độ của mình mà lẽ ra họ phải được hưởng theo chính sách của Nhà nước hay doanh nghiệp. Doanh nghiệp, nhà hảo tâm muốn được ủng hộ, chăm lo cho nhân dân khi gặp thiên tai, hỏa hoạn cũng phải xin. Việc này trở thành cái lệ, là tệ nạn nguy hiểm xã hội. Người dân, doanh nghiệp muốn được "cho" cũng nhất thiết phải tìm mọi cách để lót tay cho công bộc.

Hình thức "lót tay" diễn ra muôn hình, vạn trạng, khi núp bóng việc gặp gỡ, giao lưu, khi thì thăm hỏi, lợi dụng việc tổ chức sinh nhật, việc hiếu hỉ với những món quà quê hay là những “phong bao” đủ loại. Và như thế, văn hóa phong bì rất tệ hại ra đời. Tham nhũng vặt nhưng mà hậu quả thì không hề vặt và rất khó lường. Tuy giá trị vật chất không lớn nhưng nó góp phần làm thất thoát tài sản của Nhà nước, quyền lợi vật chất của nhân dân từng bước bị gặm nhấm, làm rối loạn các giá trị, chuẩn mực xã hội, làm suy yếu cơ quan công quyền, đồng thời nó cũng là cơ sở để tham nhũng lớn phát triển, làm lũng đoạn xã hội.

Tham nhũng "vặt" làm mất niềm tin của các nhà đầu tư, làm vẩn đục môi trường kinh doanh và gây nên cái tiền lệ xin - cho, "lót tay" trong đấu thầu kinh doanh, đặc biệt nó còn là căn nguyên dẫn đến giảm sút lòng tin của con người với con người trong xã hội, của các thành viên trong tổ chức và là cái cớ để các thế lực thù địch lợi dụng công kích chống phá Đảng, chế độ. Sâu xa hơn, tham nhũng "vặt" làm xói mòn lòng tin của nhân dân với thể chế chính trị, giảm uy tín của Đảng, Nhà nước trong lòng nhân dân và quốc tế.

TS Nguyễn Huy Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra. Ảnh: Báo Thanh tra

Người nghèo là nạn nhân chính của tham nhũng "vặt"

PV: Theo ông, với sự gia tăng của nạn tham nhũng "vặt" sẽ gây ra những hậu quả to lớn như thế nào cho xã hội?

Ông Nguyễn Huy Hoàng: Có quan điểm sai lầm cho rằng, tham nhũng vặt thì hậu quả nó chắc cũng nhỏ, cũng vặt, tức là ít nghiêm trọng. Nhưng thực tế theo tôi không phải như vậy. Khái niệm tham nhũng "vặt" chủ yếu chỉ hàm ý, tính chất của các hành vi diễn ra phổ biến trong đời sống, các khoản hối lộ thường có giá trị nhỏ hơn so với tham nhũng lớn chứ không có hàm ý về hậu quả của nó.

Trong thực tế, tham nhũng "vặt" hay tham nhũng lớn đều gây những hậu quả rất nghiêm trọng kể cả về kinh tế, xã hội và đặc biệt nó phá hoại niềm tin của người dân vào Nhà nước.

Tham nhũng "vặt" mang lại hậu quả lớn, tác động trực tiếp đến người dân, đặc biệt là người dân nghèo. Do tham nhũng "vặt" gắn với các dịch vụ công phổ biến như giáo dục, y tế, thủ tục hành chính cho cuộc sống hàng ngày của người dân. Vì thế, việc trả tiền hối lộ để tiếp cận với dịch vụ này đã tác động trực tiếp và đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo. Bởi vì người nghèo thường phụ thuộc vào các dịch vụ công nhiều hơn người giàu. Người nghèo là nạn nhân chính của tham nhũng "vặt".

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của tham nhũng "vặt" với người nghèo nghiêm trọng hơn với người giàu vì các khoản hối lộ thường chiếm tỷ trọng cao trong thu nhập của người dân nghèo.

Ngoài ra, tham nhũng "vặt" tác động tiêu cực đến hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp. Tham nhũng "vặt" gắn với cung cấp các dịch vụ công phổ biến, bao gồm các dịch vụ hành chính công, nó cũng có tác động trực tiếp đến các tổ chức, doanh nghiệp.

Mặc dù cũng có quan điểm cho rằng, những khoản hối lộ nhỏ không ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu của doanh nghiệp, nhưng nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, mặc dù có giá trị không lớn nhưng tính chất thường xuyên, lặp đi lặp lại các khoản hối lộ sẽ trở thành chi phí đáng kể. Quan trọng hơn thì sự phổ biến của tham nhũng "vặt" tạo ra những rủi ro về mặt pháp lý. Ví dụ như làm chậm, làm sai lệch các quy trình, thủ tục hành chính và làm nản lòng các nhà đầu tư, phá hoại môi trường kinh doanh của quốc gia.

Cùng với đó, tham nhũng "vặt" làm xói mòn môi trường pháp lý và hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước. Nó tác động tiêu cực lâu dài đến chất lượng quản trị Nhà nước và môi trường pháp lý của một quốc gia. Nó là nguyên nhân thúc đẩy các quan chức tham nhũng và tạo ra những quy định hạn chế, những thủ tục rườm rà để tăng cơ hội bòn rút tiền hối lộ từ người dân và doanh nghiệp.

Tham nhũng "vặt" còn làm giảm nguồn thu vào ngân sách quốc gia. Trong khi tham nhũng "vặt" hoành hoành, có thể nói việc hối lộ có thể được sử dụng cho mục đích trốn thuế. Từ đó giảm đáng kể nguồn thu ngân sách.

PV: Nguyên nhân dẫn đến tham nhũng "vặt" là gì thưa ông? Tại sao tham nhũng "vặt" chưa được xử lý triệt để, hơn thế nữa lại đang dần bị bình thường hóa thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Hoàng: Có nhiều nguyên nhân để xảy ra tình trạng tham nhũng "vặt". Trong đó nguyên nhân chủ quan do tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của bộ phận cán bộ đảng viên; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị còn chậm chuyển biến. Công tác cải cách hành chính còn chậm, lúng túng, còn phiền hà bất hợp lý.

Các chế độ kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ công vụ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức chưa rõ ràng, thiếu hiệu quả. Chế độ tiền lương đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng còn một số điểm bất hợp lý, chậm được cải cách. Sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng ngừa đấu tranh chống tham nhũng, tham nhũng "vặt" cũng chưa thực sự toàn diện, chưa được đồng bộ, thiếu những nội dung có tính đột phá, thậm chí còn coi nhẹ một số cơ quan, đơn vị.

Việc phát hiện cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chưa kịp thời, khi xử lý còn nương nhẹ, nể nang, thiếu cương quyết; chưa có cơ chế để khen thưởng những người kiên quyết đấu tranh chống hiện tượng tham nhũng vặt.

Nhiệm vụ của các cơ quan có chức năng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng chưa rõ ràng, còn chồng chéo, cơ chế phối hợp chưa cụ thể, nhất là những công cụ phát hiện xử lý tham nhũng thật sự hữu hiệu cũng chưa có. Việc phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, báo chí trong đấu tranh chống tham nhũng, tham nhũng "vặt" chưa được quan tâm đúng mức, còn hình thức, có lúc còn kém hiệu quả.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vấn đề này cũng chưa tạo ra được sự chuyển biến tích cực.

PV: Vậy theo ông thì cần giải pháp như thế nào cho những vấn đề mà chúng ta đang lý giải?

Ông Nguyễn Huy Hoàng: Theo tôi, để phòng, chống được tình trạng tham nhũng hiện nay thì cần thực hiện một số giải pháp. Thứ nhất là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế kiểm soát quyền lực, phát huy vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhà nước gọn nhẹ hơn.

Thứ hai phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt tính tiền phong, gương mẫu người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và đặc biệt là phòng, chống tham nhũng "vặt".

Thứ ba là phải đổi mới công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, thông qua đó chọn lựa được con người vào trong bộ máy. Thứ tư là triển khai có hiệu quả các nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó chú trọng tới việc chuyển đổi vị trí công tác những người tiếp xúc trực tiếp tới người dân trong giải quyết các công việc dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Phải quan tâm đến chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức, đặc biệt là giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người dân; nâng cao các giá trị đạo đức, ý thức trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ được giao.

Từ kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, khi chưa có đủ nguồn lực để loại trừ hoàn toàn tham nhũng "vặt" thì nên chăng chúng ta ưu tiên tập trung giải quyết một số lĩnh vực ảnh hưởng lớn nhất đối với người dân và doanh nghiệp, để tạo ra niềm tin và huy động sự tham gia của nhân dân vào công cuộc phòng, chống tham nhũng vặt.

Chỉ thị số 10 của Thủ tướng ngày 22/4/2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc đây cũng là một trong những bí kíp rất quan trọng để chính quyền cấp cơ sở giải quyết tới nơi, tới chốn tình trạng tham nhũng "vặt".

Song song với đó thì từng cơ quan, đơn vị phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đặc biệt là công cuộc chuyển đổi số quốc gia để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp; triển khai đồng bộ các hệ thống như ghi âm, ghi hình, camera trực tuyến tại các điểm giao dịch tiếp xúc người dân, doanh nghiệp, góp phần hạn chế tham nhũng, tiêu cực.

Nghị quyết 76 của Chính phủ về chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước trong giai đoạn 2021-2030 là phải chú trọng đến sự hài lòng của người dân đối với hoạt động của các cơ quan hành chính, tổ chức cung cấp dịch vụ công, tổ chức tiếp công dân theo đúng quy định.

Tôi nghĩ rằng, chỉ khi toàn xã hội đồng lòng và có phong trào rộng khắp lên án thì mới có thể loại bỏ hành vi tham nhũng "vặt".

PV: Xin cảm ơn ông./.

PV/VOV1
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận