Từ 15/8/2017 - 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng tương đương 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết số 42. Tính trung bình nợ xấu đã xử lý đạt khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2,15 nghìn tỷ đồng/tháng so với thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực.
Đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu
Trình bày Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 của Chính phủ trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết: Trải qua gần 05 năm triển khai trong thực tiễn, các mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết số 42 về cơ bản đã đạt được. Nghị quyết số 42 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo lập khuôn khổ pháp lý để xử lý các khoản nợ xấu, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc xử lý nợ xấu và duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%; Từng bước đảm bảo quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu, thể hiện tính đúng đắn về định hướng, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD. Nhờ đó, các TCTD có điều kiện hạ mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đặc biệt trong giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo báo cáo, lũy kế từ 15/8/2017 - 31/12/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết số 42, bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết số 42. Trong tổng số 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý có 148 nghìn tỷ đồng là do khách hàng tự trả nợ (chiếm 38,93%), cao hơn so với mức 22,8% trung bình năm từ 2012 -2 017. Đồng thời, kết quả xử lý, bán, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của TCTD và Công ty quản lý tài sản VAMC đạt 77,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,3%. Tính trung bình, nợ xấu đã xử lý đạt khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng, cao gấp khoảng 1,5 lần mức trung bình trong giai đoạn trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (từ năm 2012 - 2017).
Bà Hồng cũng phân tích các dự báo và khó khăn hiện tại, đồng thời chỉ ra việc nợ xấu có xu hướng tăng trong thời gian tới. Đến 31/12/2021, trường hợp đánh giá một cách thận trọng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức cao là 6,31%. Nợ xấu chưa xử lý theo Nghị quyết số 42 đến 31/12/2021 vẫn ở mức cao là 412,7 nghìn tỷ đồng.
Đề xuất việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với Báo cáo về đánh giá kết quả thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42. Ủy ban Kinh tế nhận định, trong thời gian áp dụng Nghị quyết, việc xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD có nhiều tiến triển, nhất là nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42. “Tuy nhiên, kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc, thực trạng nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro; một số biện pháp áp dụng theo Nghị quyết số 42 chưa phát huy hiệu quả (như áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa án...). Đối với nợ xấu nói chung, xử lý bằng dự phòng rủi ro còn chiếm tỷ lệ cao; một số lĩnh vực có số nợ xấu chiếm tỷ trọng cao so với nợ xấu của toàn hệ thống như: bất động sản (chiếm 18,4%); cho vay tiêu dùng (chiếm 25,8%); BOT, BT giao thông (3,92%)..." - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nói.
Do đó, Uỷ ban Kinh tế đề nghị phân tích rõ hơn nguyên nhân dẫn đến số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 đến nay còn ở mức khá cao và có xu hướng gia tăng; các giải pháp đã triển khai thực hiện để nhận diện cũng như kiểm soát rủi ro đối với các khoản cho vay, nhất là các khoản thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42. Kết quả thí điểm xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã chứng minh các chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu phát huy hiệu quả tích cực, giúp khơi thông dòng vốn, đưa dòng vốn luân chuyển vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Các chính sách xử lý nợ xấu cần được tiếp tục duy trì, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và những bất ổn chính trị trên thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, nợ xấu của các TCTD có khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới, nguy cơ làm mất đi những thành quả đã đạt được.
Như vậy có thể nói, cho dù vẫn còn nhiều hạn chế nhưng Nghị quyết 42 vẫn được coi là “thượng phương bảo kiếm” xử lý “cục máu đông” nợ xấu. Tuy nhiên, thời gian thí điểm nghị quyết sắp hết, trong khi yêu cầu xử lý nợ xấu hiện nay vẫn khá cấp bách, do đó đây chính là thời điểm thích hợp để nâng cấp, hoàn thiện hành lang pháp luật về xử lý nợ xấu.
Nghị quyết 42 đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc xử lý “cục máu đông” nợ xấu và góp phần quan trọng vào kết quả của việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%. Tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến ngày 31/12/2021 giảm 17,21% so thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực (ngày 15/8/2017). |