Nhiều tâm tư, nguyện vọng của cử tri đã được lắng nghe, tiếp thu

Sau 3 ngày làm việc, thông qua các cơ quan dân cử, Quốc hội đã được nghe nhiều tâm tư, nguyện vọng của cử tri trong cả nước về hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều ý kiến liên quan đến quyền lợi của cử tri đã được lắng nghe, tiếp thu.

 

Một số kiến nghị của cư tri chưa được giải quyết

Báo cáo trước Quốc hội về kiến nghị và kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết: Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các ĐBQH, đã có 3.393 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: Y tế; lao động, thương binh và xã hội; nông nghiệp, nông thôn; nội vụ; giao thông, vận tải; tài nguyên và môi trường… Đến nay, 100% kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri.

Song Ban Dân nguyện cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế mà kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết như tình trạng một số Bộ, ngành chưa xác định đúng nội dung cử tri kiến nghị hoặc thiếu kiểm tra, đôn đốc, một số quyền lợi hợp pháp của người dân đã được quy định nhưng việc tổ chức triển khai chưa hiệu quả nên người dân chưa được thụ hưởng... Cụ thể như việc cử tri tỉnh Nghệ An phản ánh, Tổng công ty Bảo hiểm Petrolimex đã dừng bán bảo hiểm tàu cá cho các chủ tàu. Cử tri kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo để ngư dân tiếp tục được mua bảo hiểm tàu cá theo chính sách ưu đãi được quy định tại Nghị định số 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. 

Qua giám sát cho thấy, chỉ có 04 doanh nghiệp bảo hiểm triển khai chính sách bảo hiểm theo Nghị định số 67, gồm: Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh, Tổng công ty bảo hiểm Petrolimex, Tổng Công ty bảo hiểm PVI. Từ tháng 3 năm 2020, 04 doanh nghiệp trên đã có văn bản đề xuất Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm theo Nghị định số 67 và đến tháng 4/2020, các doanh nghiệp này đã thông báo sẽ tạm dừng nhận bảo hiểm cho đến khi nhận được chấp thuận của Bộ Tài chính về các đề xuất nêu trên.

Tuy nhiên theo Ban Dân nguyện, khi trả lời cử tri, Bộ Tài chính chưa đề cập đến việc giải quyết của Bộ để người dân tiếp tục được mua bảo hiểm tàu cá. Trong khi đó, Nghị định số 67 được ban hành nhằm khuyến khích phát triển thủy sản để vừa ổn định đời sống, nâng cao thu nhập của ngư dân, vừa thực hiện mục tiêu bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bộ Tài chính được giao hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm nhưng Bộ Tài chính chưa quan tâm giải quyết, bảo đảm quyền lợi được mua bảo hiểm của chủ tàu cá theo quy định của pháp luật.

Hay trường hợp cử tri tỉnh Đắk Nông tiếp tục kiến nghị di dời đường dây điện cao thế 500 KV ra khỏi trung tâm thành phố Gia Nghĩa nhằm đảm bảo an toàn cho cả người dân cũng như tạo điều kiện để phát triển kinh tế địa phương. Đây là kiến nghị từ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV nhưng chưa được giải quyết dứt điểm nên tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, cử tri tiếp tục kiến nghị.

Qua giám sát cho thấy, từ năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông để triển khai thực hiện việc di dời và Bộ Công thương đã có văn bản giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đường dây điện cao thế 500 KV vẫn chưa được di dời nên tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, cử tri tiếp tục kiến nghị.

Ban Dân nguyện cũng chỉ rõ, mặc dù từ năm 2015, Bộ Công thương đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông để triển khai thực hiện việc di dời nhưng chưa kiểm tra, đôn đốc sát sao việc thực hiện nên sau hơn 06 năm, kiến nghị này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Với cách làm việc thẳng thắn chỉ rõ ưu, khuyết điểm này của Ban Dân nguyện đã góp phần đưa tiếng nói của cử tri tới được nghị trường.

Liệu có những "vụ Việt Á" trong lựa chọn sách giáo khoa hay không?

Không chỉ thông qua Ban Dân nguyện mà nhiều cử tri đã tìm đến các đại biểu Quốc hội để gửi gắm tâm tư nguyện vọng. Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn TP Hà Nội cho biết, cử tri đang rất bức xúc về các chương trình giáo dục phổ thông có nhiều điểm không phù hợp. Đặc biệt trong thời gian vừa qua đó là vấn đề dạy và học môn Sử, cực kỳ bức xúc trong toàn xã hội. Sách giáo khoa khi thì in sai, ngôn từ còn nhiều chỗ không phù hợp, hình ảnh chưa được chuẩn mực. Nhiều bộ sách giáo khoa đã được đề nghị sử dụng, vì quá nhiều bộ sách được đề nghị sử dụng cho nên gây ra sự lúng túng trong việc lựa chọn, không chỉ đối với phụ huynh, thậm chí ở các trường, các sở giáo dục. Vấn đề này gây khó khăn. Đặc biệt, sách giáo khoa không được sử dụng lại nên hằng năm cả xã hội vẫn phải tốn hàng ngàn tỷ đồng để mua sắm sách mới, gây khó khăn lớn cho các gia đình có con đi học, đặc biệt những gia đình nghèo có con đi học. Quốc hội khóa XIV đã rất nhiều lần được đề cập, tình trạng gần như giậm chân tại chỗ.

Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, đoàn TP Đà Nẵng cũng chia sẻ, trong 8 năm qua ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để triển khai các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, dư luận cũng còn nhiều ý kiến khác nhau về một số kết quả triển khai, như là vấn đề giá sách giáo khoa hay là vấn đề sắp xếp môn Lịch sử làm môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp ở cấp học phổ thông. Có những vấn đề mà báo chí và đại biểu Quốc hội đã đặt ra suốt từ kỳ họp trước đến kỳ họp này nhưng chưa được giải quyết, như là những sai sót trong cả 3 bộ sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Trong báo cáo trả lời đại biểu Quốc hội chất vấn tại trang 2 số 104 ngày 12/1/2022, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có nêu: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thu hồi để sửa chữa 110.000 cuốn, đồng thời hủy và in lại 38.000 cuốn sách khoa học tự nhiên 6 của bộ kết nối tri thức với cuộc sống, tuy nhiên thực tế không đúng như Bộ trưởng trả lời. Vấn đề này báo chí cũng đã đưa tin, ví dụ như báo Pháp luật ngày 28/3, báo Thanh tra ngày 1/4. “Những bất cập trong Thông tư số 25 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về lựa chọn sách giáo khoa dẫn đến việc bỏ qua quyền lựa chọn dân chủ của cơ sở giáo dục, rồi vai trò hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc lựa chọn sách giáo khoa để đảm bảo khách quan, công bằng, minh bạch, không ảnh hưởng xấu đến chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Vì thậm chí cũng còn có câu hỏi đặt ra là liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn sách giáo khoa hay không?”, đại biểu Thúy đặt câu hỏi.

Như vậy có thể nói sau 3 ngày làm việc, nhiều ý kiến, mong mỏi của cử tri cả nước đã được Quốc hội lắng nghe và tìm giải pháp tháo gỡ. Nhiều vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị đã được Quốc hội tiếp thu, giám sát kịp thời, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân làm trọng tâm. Với nhiều đổi mới mạnh mẽ trong cách làm việc, Quốc hội khiến cử tri ngày càng tin tưởng và đánh giá cao.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đoàn TP Hồ Chí Minh:

Có những đạo luật ra đời thuận tiện cho cơ quan quản lý nhà nước nhưng bất tiện cho người dân, có đạo luật bị rơi vào quên lãng hoặc chỉ vận hành như một loại chính sách hay là biện pháp hành chính, không phải là một đạo luật đúng nghĩa... Những đạo luật như vậy gây ra lãng phí công sức, tiền của Nhà nước, của xã hội và của Nhân dân… Bác Hồ nói “Cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm, mà có hại cho dân thì hết sức tránh”, “luật rừng” là có hại nhưng “một rừng luật” với hiệu quả, chất lượng kém, chồng chéo, xung đột, gây ách tắc thì thiệt hại còn nhiều hơn.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An đoàn Đồng Nai:

Chúng ta nói rất nhiều đến blockchain, đến tiền ảo, đến tiền số, lâu nay chúng ta đã làm quen với lại thuật ngữ này. Tuy nhiên, khung pháp lý cho hệ thống này thế nào thì chúng ta chưa có… Đặc biệt là đầu năm nay Thủ tướng đã ban hành một thí điểm về Mobile Money. Tuy nhiên, xuất phát từ vai trò cũng như là tiềm năng của lĩnh vực này, tôi đề nghị chúng ta cần phải nghiên cứu sớm để có quy định về tài sản ảo, tiền ảo, về tiền mã hóa và tài sản mã hóa. Chúng ta có rất nhiều startups rất lớn, có những game của chúng ta hiện nay được quy đổi ra tới khoảng độ 9,7 tỷ USD, nhưng mà phần lớn là các startups của chúng ta lại thành lập công ty ở Singapore mà không thành lập tại Việt Nam, vì chúng ta không có khung pháp lý.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận