Có những việc địa phương làm được, sao bộ ngành vẫn 'ôm'?

Đại biểu Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Hồ Chí Minh nêu vấn đề việc cấp tỉnh có thể làm được nhưng bộ vẫn 'ôm' để rồi nhiều năm liên tục...

 

“Cần thấy nguồn lực trong dân, từng tỉnh, thành, khả năng người ta làm được thì mạnh dạn phân cấp, ủy quyền. Nên như thế để bộ ngành làm việc lớn, việc nhỏ để chúng tôi, người dân đỡ đi lại chứ không thì hở một chút lại chạy ra trung ương”.

Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh điều này khi thảo luận tổ về Báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Các ý kiến cơ bản đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và những kết quả đạt được, song vẫn băn khoăn và đề nghị cần giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Chính phủ cho biết, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2021 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là hơn 72.000 tỷ đồng. Công tác xây dựng thể chế được đề cao và là nhiệm vụ trọng tâm, cùng với đó là quyết liệt cắt giảm các quy định, thủ tục hành chính, chi phí đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngành Thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 179.304 tỷ đồng, 9.258 ha đất; kiến nghị thu hồi về NSNN 17.825 tỷ đồng và thu hồi 811 ha đất. Xử lý hành chính đối với hàng nghìn tập thẻ và cá nhân; chuyển cơ quan chức năng điều tra, khởi tố 17 vụ, 70 đối tượng.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh nêu thực tế nhiều dự án rất chậm, cần phê bình nghiêm khắc, có biện pháp mạnh để thu hồi hoặc triển khai. “Có những dự án đến bây giờ 30 năm, người dân lay lắt sống trên mảnh đất của mình không có sổ đỏ” - bà nói.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu phát biểu thảo luận tổ, chiều 25/5.

Nữ đại biểu cũng đề nghị hết sức quan tâm việc cải cách hành chính, mạnh dạn phân cấp cho tỉnh, thành. Bởi có những chứng chỉ như xuất xứ hàng hóa, chứng chỉ hành nghề mà việc cấp khiến doanh nghiệp phải đến trực tiếp trong khi có thể ngồi nhà thực hiện dịch vụ công trực tuyến để tiết kiệm kinh phí đi lại cũng như phát hành chính công trực tuyến. Thậm chí có việc cấp tỉnh có thể làm được nhưng bộ vẫn “ôm” để rồi nhiều năm liên tục bổ sung hồ sơ chỉ vì một số chỉ tiêu, tiêu chí kỹ thuật.

“Đánh giá thực hành tiết kiệm, chống lẵng phí bên cạnh những việc làm tích cực như tiết kiệm ngân sách thì cũng thấy nguồn lực trong dân, từng tỉnh thành, khả năng người ta làm được thì mạnh dạn phân cấp, ủy quyền. Nên như thế để bộ ngành làm việc lớn, việc nhỏ để chúng tôi, người dân đỡ đi lại chứ không thì hở một chút lại chạy ra trung ương” - bà Tô Thị Bích Châu nêu quan điểm.

Còn theo đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) - Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản vẫn luôn là vấn đề cần phải suy nghĩ, bởi loại lãng phí này bao trùm lên tất cả các giai đoạn đầu tư, từ quy hoạch, kế hoạch đến bố trí vốn thực hiện dự án, bàn giao và đưa vào sử dụng.

Trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đã nêu rõ, vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa đảm bảo tiến độ của nhiều dự án, đặc biệt là những dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển KT-XH của địa phương như: Đường sắt đô thị trên cao tại Hà Nội, TP.HCM; Dự án đền bù GPMB, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

“Đề nghị Chính phủ cần kiên quyết chỉ đạo và có ý kiến với các bộ ngành, địa phương mà không đảm bảo tiến độ công trình, dự án, chậm giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA gây lãng phí nguồn lực, tài chính công, giảm hiệu quả đầu tư công”, đại biểu Tạ Thị Yên nêu ý kiến.

Đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị làm rõ trách nhiệm khi triển khai các công trình trọng điểm chậm trễ.Liên quan tới lĩnh vực tài chính, ngân sách, bà Tạ Thị Yên cũng chỉ rõ vấn đề chậm phân bổ NSNN cho các công trình, dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong kế hoạch phục hồi phát triển KT-XH sau đại dịch COVID-19.

Cụ thể như 3 chương trình mục tiêu quốc gia: phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới là đã có Nghị quyết chuyên đề; dự kiến, bố trí nguồn vốn khi xây dựng thì quyết liệt, khẩn trương nhưng khi thực hiện lại chậm.

Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo, làm rõ trách nhiệm của Bộ, ngành, cơ quan đơn vị gây ra sự chậm trễ này, bởi không chỉ làm lãng phí nguồn lực tài chính công được bố trí mà cũng không phát huy được nguồn lực phối hợp của xã hội.

"Việc quy định trách nhiệm của người đứng đầu, trước hết phải soi vào việc thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước rồi đến các vấn đề khác", bà Yên nhấn mạnh./.

Ngọc Thành/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận