Nói về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, đoàn Cần Thơ cho rằng, tính lượng hóa trong tiết kiệm chống lãng phí còn hạn chế, hiện vẫn chưa lượng hóa được tiết kiệm bao nhiêu, chống lãng phí như thế nào.
Dẫn ví dụ cụ thể về lãng phí thời gian qua, ngày 19/5, Đại học Quốc gia Hà Nội chính thức chuyển về cơ sở mới ở Hòa Lạc sau đúng 20 năm khởi công công trình này.
“Với vốn đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng để xây dựng 1 trường đại học tầm cỡ quốc tế nhưng qua rất nhiều năm mới chính thức chuyển về mặc dù các cơ sở vật chất đã hoàn thành cách đây vài năm nhưng vẫn để không như vậy, câu hỏi đặt ra là lãng phí đối với việc kéo dài có hay không và có lượng hóa được không để có cách xử lý cho phù hợp?”, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng băn khoăn.
Không chỉ Đại học Quốc gia, còn rất nhiều các dự án khác liên quan đến ngành giáo dục lãng phí như trường Đại học Kinh tế Quốc dân có 2 tòa nhà xây dựng nhưng đến 5 đời Hiệu trưởng mới hoàn thành được, “thời gian rất lâu và rất lãng phí nhiều nguồn lực”, ông Hùng nhận định.
Hay dự án Bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 ở Phủ Lý – Hà Nam, 2 bệnh viện này đều hoàn thành vào năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân. Bệnh viện Bạch Mai có thời gian rất ngắn có điều trị nhưng sau lại đóng cửa và trưng dụng làm cơ sở điều trị Covid-19 mấy tháng, đến thời điểm hiện nay lại đóng cửa trở lại.
“Hay các cơ quan của Hà Nội có trụ sở chung ở Xuân La dự kiến của Ủy ban thành phố Hà Nội là 8 sở, ngành sẽ chuyển về đó làm việc nhưng khi chuyển về được 1 năm thì 2 sở ngành lại xin ra vì có rất nhiều bất cập, hiện có thêm rất nhiều sở, ngành xin chuyển vè chỗ cũ vì chỗ mới có nhiều bất cập, không phù hợp hay một số trường đại học cứ đi xa thì sinh viên không học nên vẫn để không… Hiện vẫn chưa có đánh giá về sự lãng phí ở đây như thế nào?”, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nêu thực tế và đặt câu hỏi.
Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, các công trình, trụ sở, trường học bệnh viện được triển khai nhưng đang có sự lãng phí rất lớn, do đó, cần có sự đánh giá định lượng được sự lãng phí là bao nhiêu và cần có bài học kinh nghiệm và xử lý tiếp theo cho phù hợp để tránh lãng phí nguồn lực của nhà nước.
Ai chưa biết quý trọng đồng vốn thì cần thu hồi
Đại biểu Lê Hữu Trí, đoàn Khánh Hòa cho rằng, nói đến thực hành tiết kiệm chống lãng phí cần nói đến vấn đề chậm trễ trong các dự án xây dựng những năm gần đây. “Trong điều hành phát triển kinh tế, căn bệnh triền miên, chậm trễ trong đầu tư xây dựng cần giải quyết, cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, lý do chậm tiến độ của các dự án. Chỗ nào cảm thấy chưa thể làm xong thủ tục thì không phân bổ vốn, hiện nay vấn đề kỷ cương, kỷ luật hành chính chưa nghiêm. Ai cảm thấy chưa quý giá vốn thì có thể thu hồi vốn lại, đất nước còn nhiều chỗ cần vốn, nhân dân còn cần nhiều tiền”, đại biểu Lê Hữu Trí thẳng thắn cho biết.
Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Khánh Hòa cũng đặt ra câu hỏi vì sao quá trình thực hiện các chương trình, gói hỗ trợ sau dịch bị chậm. Ngay cả khi Nghị quyết đã ban hành, có hướng dẫn cụ thể, nhưng việc thực hiện vẫn chưa đúng chương trình, không rõ khi nào địa phương mới triển khai: “Trong khi người dân đang chờ được hỗ trợ, đất nước vẫn đang cần vốn, nhưng vốn lại vẫn trên kế hoạch, nếu đồng vốn không chảy, hoặc chảy chậm thì đất nước sẽ chậm phát triển. Chúng ta phải nhanh nhưng vẫn phải ngăn chặn chống lãng phí, không phải làm vội vàng sau dó lại không đảm bảo chất lượng. Quốc hội nên giám sát mạnh mẽ”, đại biểu nêu ý kiến.
Ngoài ra, theo đại biểu Lê Hữu Trí, Chính phủ cần có các giải pháp để gỡ rối vướng mắc liên quan đến đất đai, tránh lãng phí nguồn lực quốc gia. Đây là một trong những lĩnh vực gây lãng phí lớn nhất hiện nay. Đất đai không chỉ là nguồn lực của một tỉnh mà còn là nguồn lực của cả quốc gia, do đó Chính phủ cần đặc biệt quan tâm.
Việc rà soát các quy định về đấu thầu, mua sắm tập trung cũng là một trong những nội dung được đại biểu Lê Hữu Trí đưa ra khi nói về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đại biểu cho rằng, hiện đang có quá nhiều quy định về đấu thầu, nhưng lại rất rối và không ngăn chặn được tiêu cực.
“Cuối cùng là vấn đề phòng chống dịch, dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng xung quanh đó vẫn có những chuyện lùm xùm xảy ra về thất thoát lãng phí, cán bộ, thậm chí là lãnh đạo cấp cao của các bộ ngành bị xử lý. Đã đến lúc cần có những báo cáo tổng hợp trình Chính phủ về việc bố trí nguồn lực trong công tác phòng chống dịch thời gian qua để thấy rõ những lỗ hổng dẫn đến tiêu cực, thất thoát", đại biểu Lê Hữu Trí nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp cho rằng, việc thực hành thảo luận chống lãng phí là vấn đề rất quan trọng Quốc hội cần đưa ra bàn luận để giải quyết rốt ráo trong những tháng cuối năm. Trong vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các giải pháp đưa ra đã rất rõ ràng song vẫn cần đưa ra những cách làm căn cơ cốt lõi để những người trực tiếp thực hiện không dám, không muốn, không ham và không làm để xảy ra tiêu cực, tránh lãng phí.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, để ngăn chặn tình trạng lãng phí tài sản công rất cần các biện pháp xử lý nghiêm minh, quy trách nhiệm từ người đứng đầu đến những cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ gây thất thoát ngân sách nhà nước. Ngoài cơ chế xử phạt hành chính, cũng cần những biện pháp mạnh hơn buộc cho thôi việc, thậm chí là truy cứu hình sự với những trường hợp gây thất thoát của công nghiêm trọng.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, đoàn Kiên Giang đề cập tới vấn đề giải ngân đầu tư công chậm hiện nay: “Từ khi Quốc hội bấm nút thông qua triển khai đến địa phương, thời gian mất mấy tháng khiến giải ngân chậm là đương nhiên. Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo để phân bổ nguồn vốn kịp thời cho người tổ chức thực hiện được tốt. Một vấn đề khác là trong các thủ tục triển khai các dự án trong luật đấu thầu còn nhiều rắc rối nên kiến nghị Quốc hội sớm sửa luật này để khắc phục thủ tục rườm ra để tiền độ nhanh, sớm triển khai đem lại hiểu quả tốt hơn.
Thời gian qua có gói phục hồi kinh tế sau đại dịch nhưng việc triển khai đến nay rất chậm, địa phương rất lo lắng. Thủ tục giải ngân từ trên xuống rất khó khăn, địa phương rất tâm tư về vấn đề này".
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cũng cho rằng, việc sửa chữa đối với các quốc lộ, quy định là 50 triệu đồng/1km giao thông, nhưng lại cào bằng, tức đoạn đường mới xây dựng hay từ thời đất nước mới giải phóng cũng vậy. Việc để 50 triệu là không thể đáp ứng được yêu cầu.
Với lĩnh vực y tế, đại biểu cho biết, vấn đề thuốc điều trị cho người bệnh hiện nay không đáp ứng được yêu cầu. Danh mục thuốc được Bộ Y tế quy định cụ thể nhưng bác sĩ, cơ quan điều trị lại nói không có, yêu cầu người dân đi mua ở ngoài. Cái rắc rối giữa BHXH và cơ sở điều trị là ngành y tế chưa phối hợp chặt chẽ từ việc đấu thầu thuốc, dẫn đến bức xúc của người dân khi tham gia BHYT. Vận động người dân tham gia mua bảo hiểm y tế nhưng chăm sóc chăm lo cho người tham gia gặp rất nhiều khó khăn./.
Cẩm Tú - Nguyễn Trang/VOV.VN