Sáng ngày 19/5, chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc (LHQ).
Chuyến công tác “ba trong một” của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu, vừa dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ, vừa thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc (LHQ) mang nhiều ý nghĩa và đạt nhiều kết quả rất quan trọng cả về đa phương và song phương.
Với hơn 60 hoạt động bao gồm song phương kết hợp đa phương ở các tầng nấc khác nhau: Tầm khu vực trong ASEAN và tầm toàn cầu với Liên hiệp quốc, chuyến công tác là bước triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại do Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra là độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, góp phần nâng tầm đối ngoại đa phương và làm sâu sắc quan hệ song phương với Hoa Kỳ - một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam sau gần 3 thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tại Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ giữa ASEAN và Hoa Kỳ, Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong suốt quá trình chuẩn bị, tổ chức, xây dựng văn kiện; ở tất cả các cấp từ quan chức cấp cao, Bộ trưởng, Lãnh đạo cấp cao.
Đặc biệt các phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính phản ánh quan tâm chung của các nước, nêu cao vai trò trung tâm của ASEAN, tinh thần chân thành, tin cậy, trách nhiệm; chia sẻ về tầm nhìn đối với các vấn đề thế giới, khu vực và định hướng phát triển phù hợp lợi ích của ASEAN, Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế.
Do đó được các nước đánh giá rất cao, tạo đồng thuận trong ASEAN, phối hợp hài hoà với đối tác Hoa Kỳ để Hội nghị đạt những kết quả quan trọng, tạo dấu ấn đặc biệt 45 năm. Đó là thông qua Tuyên bố tầm nhìn chung ASEAN – Hoa Kỳ, đưa quan hệ hai bên sang giai đoạn mới là nâng lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện; đề ra các trọng tâm định hướng hợp tác trong đó ưu tiên phục hồi sau đại dịch, ổn định chuỗi cung ứng, phát triển xanh và bền vững; thu hẹp khoảng cách phát triển, trong đó có tiểu vùng Mekong; ứng phó các thách thức an ninh truyền thống như đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên các vùng biển và đại dương trong đó có Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước liên hợp quốc về luật biển 1982… cũng như các thách thức an ninh phi truyền thống như chống biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh trong tương lai…
Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc gặp với lãnh đạo các cơ quan quan trọng hàng đầu của LHQ, gồm Phó Tổng Thư ký LHQ, Chủ tịch Đại Hội đồng, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển LHQ (UNDP).
Điều này rất có ý nghĩa, đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ Việt Nam - LHQ (1977-2022), thể hiện thông điệp xuyên suốt của Việt Nam coi LHQ là đối tác tin cậy hàng đầu vì hoà bình, hợp tác phát triển trên thế giới và người bạn tin cậy thuỷ chung, gắn bó lâu dài của Việt Nam trên mọi chặng đường phát triển đất nước; khẳng định Việt Nam luôn là đối tác chân thành, tin cậy, trách nhiệm và sẽ nỗ lực đóng góp hết sức mình vào công việc chung của LHQ và cộng đồng quốc tế.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao đổi và nhận được sự đồng tình, đánh giá cao cũng như cam kết tiếp tục đồng hành của LHQ đối với những chính sách đúng đắn của Việt Nam về đổi mới, hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, lấy người dân là trung tâm, chủ thể và động lực của mọi tiến trình phát triển.
Các lãnh đạo LHQ cũng tái khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng, là hình mẫu thành công về phát triển bền vững và năng lực đóng góp cho mọi công việc trụ cột của LHQ, qua đó có thể thấy rõ ràng uy tín, vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế ngày càng cao.
Một trong những mục tiêu của chuyến công tác tới Hoa Kỳ là góp phần thúc đẩy khắc phục hậu quả chiến tranh trên tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” và bàn nhiều nội dung liên quan đến vấn đề việc làm an sinh xã hội. Bộ Trưởng Lao động Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: "Về phía hoa kỳ đánh giá đây là một chuyến thăm lịch sử về vấn đề lao động việc làm và điều quan trọng hơn là trong chuyến đi này thì Thủ tướng Chính phủ cũng đã dành nhiều thời gian để trao đổi với các tổ chức các nhà hoạt động xã hội để góp phần cùng Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh để lại, đặc biệt là việc khắc phục, rà phá bom mìn khử độc, chất độc hóa học ở những vùng chiến tranh để lại, thế rồi chúng ta xây dựng các khuôn khổ vận động các tổ chức, các cá nhân để tham gia vào các hoạt động xã hội nhân đạo từ thiện này.
Hai bên thống nhất cùng có trách nhiệm hỗ trợ về tài chính, về ngân sách, về các điều kiện khác để nhằm khắc phục cũng như nuôi dạy, hỗ trợ cho các thế hệ thứ hai thứ ba hiện nay bị ảnh hưởng do chất độc hóa học để lại".
Thủ tướng đã có các hoạt động song phương dày đặc, xuyên suốt từ khi đặt chân đến thủ đô Washington, qua Boston, New York, đến trước khi rời San Francisco. Đây là những tiếp xúc, trao đổi trực tiếp ở cấp cao nhất và toàn diện nhất giữa hai nước sau gần 2 năm gián đoạn do dịch bệnh. Thủ tướng đã gặp Tổng thống Biden, Phó Tổng thống Kamala Haris, Chủ tịch thường trực Thượng viện Hoa Kỳ Patrick Leahy, Chủ tịch Hạ viện Pelosi, các Bộ trưởng quan trọng nhất trong nội các, giới học giả, các doanh nghiệp tập đoàn hàng đầu và đông đảo đại diện bà con kiều bào ta từ Bờ Đông tới Bờ Tây.
Lãnh đạo các bộ ngành tháp tùng có hơn 40 cuộc gặp, làm việc, toạ đàm với các đối tác về các lĩnh vực kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, an ninh, quốc phòng, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Tất cả các giới đều tỏ coi trọng quan hệ với Việt Nam, khẳng định tôn trọng thể chế chính trị, ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng, mong muốn quan hệ song phương ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả. Hai bên đã trao đổi thực chất, đối thoại thẳng thắn về quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ và các định hướng phát triển trong thời gian tới, hợp tác chặt chẽ để triển khai các kết quả quan trọng của các chuyến thăm cấp cao trước đây, nhất là Tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ hai nước nhân chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế - thương mại - đầu tư, tiếp tục phối hợp giải quyết hiệu quả các vướng mắc, bảo đảm cán cân thương mại song phương hài hoà, bền vững, ưu tiên các lĩnh vực mới mà Việt Nam có nhu cầu và Hoa Kỳ có thế mạnh và nguồn lực như công nghệ mới, kinh tế số, năng lượng sạch.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: “Phía Hoa Kỳ đánh giá rất cao về tiềm năng và lợi thế khi mà họ nhìn thấy thị trường Việt Nam để đầu tư và hợp tác đầu tư. Họ đánh giá rất cao chuyển đổi về chính sách để thu hút đầu tư, họ có niềm tin vào chính sách rất cởi mở thông thoáng và có niềm tin bởi những gì họ đã đạt được ở Việt Nam trong những năm qua. Với những tiềm năng lợi thế và chiến lược ASEAN -Hoa Kỳ đã được vạch ra, tôi tin tưởng rằng kim ngạch hai chiều giữa ASEAN - Hoa Kỳ nói chung và đặc biệt Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ có tăng trưởng rất cao trong những năm tới”.
Còn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: “Hợp tác về công nghệ trong lĩnh vực điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số giữa Mỹ và Việt Nam trong những năm gần đây có nhiều bước phát triển mới. Trước đây, chúng ta nhìn Mỹ như là đối tác công nghệ và Việt Nam là phía sử dụng. Đó là một hợp tác tương đối một chiều. Gần đây chúng ta bắt đầu nhìn thấy dòng đầu tư từ Việt Nam sang Mỹ về mặt công nghệ, nhìn thấy dòng chảy về sản phẩm và dịch vụ, công nghệ số từ Việt Nam sang Mỹ. Trong các cuộc làm việc với các đối tác công nghệ của Mỹ thì hai bên đều đặt vấn đề nâng cấp quan hệ hợp tác, không thuần túy là người mua người bán nữa mà là hai bên cùng hợp tác nghiên cứu phát triển công nghệ nghiên cứu, phát triển sản phẩm.Trong những năm tới sẽ tạo ra những dòng sản phẩm mang thương hiệu của cả Mỹ và Việt Nam".
Một điểm nhấn trong chuyến công tác, đó là Thủ tướng Phạm Minh Chính là lãnh đạo ASEAN duy nhất có phát biểu chính sách tại Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS) trong dịp này và là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam phát biểu tại Đại học Harvard và được chính giới sở tại, dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Phát biểu tại Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế, với mong muốn nhấn mạnh về sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm vì một thế giới tốt đẹp hơn, Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã chia sẻ 3 vấn đề chính về: Cách nhìn của Việt Nam về thế giới hiện nay; vai trò của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm trong thế giới nhiều biến động hiện nay; chúng ta cần phải làm gì để thể hiện sự chân thành, tăng cường lòng tin và trách nhiệm, vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Về quan điểm của Việt Nam trong việc thể hiện sự chân thành, củng cố niềm tin và tăng cường trách nhiệm trong hợp tác với các quốc gia, khu vực và cộng đồng quốc tế Thủ tướng khẳng định: "Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn thể hiện sự chân thành, nhất quán, minh bạch trong xây dựng, triển khai đường lối đó. Giữa độc lập và phụ thuộc, chúng tôi luôn chọn độc lập với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; giữa thương lượng và đối đầu, chúng tôi chọn thương lượng; giữa đối thoại và xung đột, chúng tôi chọn đối thoại; giữa hoà bình và chiến tranh, chúng tôi chọn hoà bình; giữa hợp tác và cạnh tranh, chúng tôi chọn hợp tác và cạnh tranh thì phải lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau.
Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng.
Việt Nam sẵn sàng đối thoại, hợp tác để xử lý các khác biệt, bất đồng, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới; đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích và giải quyết thỏa đáng các mối quan tâm của các đối tác, các quốc gia, cộng đồng quốc tế".
Tại Đại học Harvard, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng về “xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng ở Việt Nam”
Thủ tướng khẳng định, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng là chủ trương nhất quán, kiên định, xuyên suốt của Việt Nam từ khi giành được độc lập dân tộc năm 1945 đến nay, đồng thời chỉ ra những giải pháp, mục tiêu lớn để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước trong những năm tới.
Về những tư tưởng chủ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh: "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng thực chất và hiệu quả dựa trên ba trụ cột chính.
Thứ nhất là phải xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; trụ cột thứ hai là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và thứ ba là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là vừa phải đảm bảo cạnh tranh nhưng mà vừa phải đảm bảo an sinh xã hội, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân do dân và vì dân, mọi người phải tuân thủ theo pháp luật xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là đảm bảo minh bạch,lắng nghe ý kiến của tất cả mọi người có thể có ý kiến khác nhau, có thể có ý kiến trái chiều, có thể có ý kiến phản biện, chúng ta phải lắng nghe.
Dân chủ chính là lắng nghe, sự dân chủ này góp phần vào phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng tôi trên ba trụ cột rất lớn. Như vậy, sự xuyên suốt ở đây là gì? Là xác định rõ con người là trung tâm, là chủ thể, là động lực, là mục tiêu cho sự phát triển và xuyên suốt là yếu tố con người và phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, năng lực phẩm chất của con người Việt Nam. Con người là trung tâm, là mục tiêu, là động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước".
Dành thời gian thăm trụ sở và tiếp các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ, dự toạ đàm đổi mới sáng tạo và khới nghiệp, thăm, rung chuông và toạ đàm với các tổ chức tài chính tại thị trường chứng khoán New York, Thủ tướng đã lắng nghe, chia sẻ quan tâm, mong muốn của doanh nghiệp và khẳng định Việt Nam nhất quán chủ trương tạo điều kiện thuận lợi, coi lợi ích của nhà đầu tư là lợi ích của chính mình, đồng thời ưu tiên hơp tác, đầu tư trong các lĩnh vực kinh tế xanh, sạch, công nghệ mới, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo…, đề nghị các doanh nghiệp tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh. Các tập đoàn đều khẳng định Việt Nam chiếm vị trí cao trong chiến lược kinh doanh là thị trường tiềm năng mà họ đang hướng tới, cam kết sẽ mở rộng đầu tư và khả năng tham gia hỗ trợ nhân đạo. Nhân dịp này Thủ tướng đã chứng kiến 25 thoả thuận được ký kết và trao giữa doanh nghiệp hai nước.
Dù chương trình làm việc rất khẩn trương nhưng Thủ tướng đều dành nhiều thời gian gặp gỡ cộng đồng người Việt sở tại đến từ nhiều tầng lớp, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, lắng nghe tâm tư tình cảm, nguyện vọng của bà con.
Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn coi kiều bào là một bộ phận quan trọng không thể tách rời, là một động lực phát triển của đất nước, điều này được thể hiện qua Nghị quyết số 36, Chỉ thị số 45 và gần đây là Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, được thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật.
Thủ tướng mong muốn bà con luôn khỏe mạnh, sinh sống, làm việc, học tập ổn định, kinh doanh phát triển, luôn tự hào, giữ gìn, phát huy và phát triển bản sắc văn hóa Việt Nam, hướng về quê hương đất nước. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đại diện ngoại giao tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của bà con.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chia sẻ với khó khăn, mất mát của bà con trong hơn 2 năm qua khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng tôi gửi lời chia sẻ đến bà con qua 2 năm đại dịch. Dịch bệnh càng khẳng định truyền thống của dân tộc Việt Nam: Càng khó khăn, thách thức lại càng quyết tâm, nỗ lực, càng đoàn kết, thống nhất, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi" và như lời cha ông ta đã nói: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng".
Chuyến công tác lần này đến Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công tốt đẹp, hoàn thành các mục tiêu đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và nhà nước ta, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII “tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”./.
Vũ Khuyên/VOV