Để triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các chính sách từ trung ương đến địa phương, ngày 18/5, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức Hội nghị triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ. Bí Thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại các điểm cầu trong cả nước.
Ngày 30/1 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Nhằm triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ, Ngân hàng chính sách xã hội đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đến nay, Ngân hàng đã thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11 đạt trên 2.300 tỷ đồng, trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm là trên 2.000 tỷ đồng với gần 40.000 khách hàng được vay vốn, giải quyết tạo việc làm cho trên 58.000 lao động. Ngân hàng cho học sinh, sinh viên vay mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến gần 155 tỷ đồng, với 14.500 khách hàng để mua trên 15.500 máy tính và thiết bị học trực tuyến. Cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà là 140 tỷ đồng với 794 khách hàng; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là 7,6 tỷ đồng với 90 cơ sở được hỗ trợ.
Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng chính sách xã hội thành phTPố Đà Nẵng cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết 11, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện các tín dụng ưu đãi quy định tại Nghị quyết. Cụ thể đó là về thông tin đối tượng được thụ hưởng, nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi và công tác này luôn được thường xuyên kiểm tra, giám sát đúng đối tượng, đúng mục đích, tránh trục lợi chính sách.
“Tính đến ngày 17/5/2002, Chi nhánh đã giải ngân được 67 tỷ đồng/112 tỷ đồng kế hoạch giao, đạt 60% kế hoạch giao. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố tập trung đẩy nhanh việc giải ngân hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp người dân có điều kiện thuận lợi để phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế xã hội vượt qua khó khăn”, ông Minh cho biết.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực sau thời gian triển khai, các đại biểu tại hội nghị cũng nêu lên những thực tế về những tồn tồn tại, hạn chế về công tác huy động nguồn lực, nguồn vốn trong gần 5 tháng qua mới đạt được 2.600 tỷ đồng, mới đạt 13% mục tiêu.
Tại hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho rằng, để các chính sách sớm được triển khai thực hiện trong thực tiễn theo tinh thần các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Bộ Y tế cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn các địa phương xác nhận, phê duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách. Chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH để tổ chức triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, đảm bảo nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước nhanh chóng, kịp thời đến đúng đối tượng hỗ trợ.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí Thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao các Bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động triển khai các nhiệm vụ để thực hiện theo yêu cầu tại Nghị quyết 11. Đồng thời đề nghị NHCSXH Việt Nam phải cho vay kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, tránh để xảy ra trục lợi chính sách.
Phó Thủ tướng Phó Thủ tướng cho biết, Nghị quyết 11 đưa ra 5 nhóm giải pháp, với tổng kinh phí khoảng 350.000 tỷ đồng đến nay đã có 4/5 nhóm giải pháp đã triển khai thực hiện đó là dành khoảng 46.000 tỷ cho phòng chống dịch Covid-19; Kịp thời hỗ trợ giảm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp; Dành 38,4 nghìn tỷ cho tín dụng chính sách và Chi tổng số 176.000 tỷ cho đầu tư công; còn nhiệm vụ chương trình cho vay ưu đãi để phát triển chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi hiện đang chờ thông tư hướng dẫn.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, thời gian tới Uỷ Ban Dân tộc và Bộ Y tế cần phải có Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 28 về chính sách tín dụng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để triển khai việc cho vay ưu đãi, thực hiện chương trình này- nội dung này cần phải được triển khai nhanh chóng.
Bộ Tài chính phải nhanh chóng tiếp thu sau khi xin ý kiến thành viên Chính phủ về Nghị định hướng dẫn hỗ trợ lãi suất đối với những khoản vay trên 6%. Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng chính sách triển khai chương trình phát hành trái phiếu Chính phủ hiệu quả. Các địa phương quan tâm ủy thác vốn cho Ngân hàng Chính sách để triển khai các chương trình hỗ trợ người dân.
Phó Thủ tướng lưu ý, Đoàn đại biểu quốc hội các tỉnh, thành phố, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đảm bảo việc thực thi chính sách đi vào cuộc sống, đến đúng đối tượng thụ hưởng.
“Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện triển khai Nghị quyết 11, cùng với thực hiện với các chương trình tín dụng của Ngân hàng- sẽ là một áp lực về nhân lực, quản lý, sự phối hợp… Do đó yêu cầu đặt ra là phải cho vay kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp bộ ngành, địa phương, tránh để xảy ra trục lợi chính sách”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh./.
Theo VOV.VN