Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh đã từng tồn tại

Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh đã từng tồn tại nhưng sau đó phải đưa ra khỏi luật vì hoạt động không hiệu quả.

 

Để tránh lặp lại những sai lầm trước đây, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được lập lại lần này cần rút ra những kinh nghiệm gì?

Tại Hội nghị lần thứ 5 khóa XIII vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa, mang lại hiệu lực, hiệu quả cao hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng chống tham nhũng tiêu cực. Với quyết định này, Hà Nội là địa phương đầu tiên cụ thể hóa Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Vậy vấn đề đặt ra khi thực hiện chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực là gì?

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, sau gần 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, kết quả nổi bật là việc hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật về phòng chống tham nhũng, các cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng và việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Trong đó, thiết chế đặc biệt quan trọng có ý nghĩa định hướng chỉ đạo cho công tác này đó là việc thành lập và hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu.

"Công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực là vô cùng khó khăn, phức tạp và nhạy cảm, không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các nước trên thế giới. Vì vậy, cũng không có một mô hình mẫu tối ưu, hiệu quả nào để dập khuôn, học tập, áp dụng; mà qua gần 10 năm hoạt động thực tiễn đã cho những bài học kinh nghiệm, năng lực tổ chức, bản lĩnh và quyết tâm để thực hiện công tác này. Với sự chỉ đạo sát sao, có hiệu quả của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nòng cốt là các cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng thuộc các cơ quan hành pháp và tư pháp, công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực ngày càng bài bản, khoa học, hiệu quả hơn, góp phần quan trọng vào việc từng bước hạn chế, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, bảo đảm tính đúng đắn, tuân thủ pháp luật, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của bộ máy Nhà nước, củng cố niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”, Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền nêu rõ.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Nhận định về những kết quả trong lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng, tiêu cực thời gian qua góp phần tạo nên những kết quả nổi bật trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng, nổi bật là hàng chục nghìn tỷ đã được thu về cho đất nước. Ở một chừng mực nào đó, lòng tin của xã hội, của nhân dân, cử tri với đường lối chính sách lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và trong hoạt động tư pháp được cải thiện, là yếu tố rất quan trọng. Trong lĩnh vực áp dụng pháp luật, trong hoạt động thực hành quyền tư pháp, từ điều tra, truy tố, xét xử cho đến thi hành án cũng tốt hơn lên khi có sự chỉ đạo chặt chẽ về chủ trương, đường lối; vấn đề áp dụng pháp luật, các vấn đề về giám sát… cũng nghiêm hơn, đúng đắn hơn trong từng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

“Tôi cho rằng, tuy chưa có thước đo về lòng tin nhưng chắc chắn rằng bất kể một người nào, cử tri nào khi nói đến các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng chỉ đạo đều cho thấy quan tâm hơn. Trên các mặt báo, trang mạng, rồi quan điểm của những nhà hoạt động xã hội, đều đánh giá rất cao, kể cả dư luận quốc tế. Công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang đi vào chiều sâu, đó là những thành quả tích cực đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang phát triển kinh tế đất nước, bảo vệ an ninh trật tự xã hội cũng như quốc phòng”, Luật sư Hoàng Văn Hướng nhấn mạnh.

Để có được những kết quả trên, Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền cho rằng, việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực là một trong những đặc thù phù hợp với hệ thống chính trị một Đảng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội ở Việt Nam. Việc thành lập Ban Chỉ đạo với thành phần, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động, chế độ trách nhiệm phù hợp, khoa học đã tạo nên nền tảng chính trị quan trọng trong thống nhất nhận thức, quyết tâm hành động, đồng lòng lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng.

Mặt khác, theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã tạo áp lực trong kiểm soát quyền lực chính trị, kiểm soát trách nhiệm công vụ đối với hoạt động phòng chống tham nhũng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn trong hệ thống chính trị và bộ máy Nhà nước. Qua công tác chỉ đạo cũng kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập về mặt thể chế, chủ trương, đường lối để tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng trên thực tế.

Đồng quan điểm với Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền, luật sư Hoàng Văn Hướng cũng bày tỏ kỳ vọng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực cũng như Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sẽ được triển khai tới đây, sẽ có những cách làm tốt hơn, toàn diện hơn, đó là bảo đảm quyền con người, bảo đảm công lý, mục đích không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà phải giáo dục, cảm hóa, răn đe, phòng ngừa trong xã hội. Một xã hội văn minh là phải có cơ chế áp dụng pháp luật về tư pháp tiến bộ, phải nhìn ở cả góc độ buộc tội và bào chữa vô tội thì mới hoàn thiện và đảm bảo khách quan. Chúng ta phòng chống tham nhũng tiêu cực với nguyên tắc không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không để oan sai người vô tội.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chắc chắn sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, hiệu lực, hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân theo đúng tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.

Nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban chỉ đạo cấp tỉnh là một trong những thiết chế rất đặc thù của hệ thống chính trị Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền cho biết, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã từng tồn tại 5 năm trước đây và ông chính là người phụ trách báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp trước Quốc hội để thuyết phục Quốc hội đưa Ban này vào Luật phòng chống tham nhũng năm 2007. Và ông cũng là người phụ trách báo cáo thẩm tra để thuyết phục Quốc hội bỏ Ban này ra khỏi Luật phòng chống tham nhũng năm 2012 khi Ban này sau 5 năm hoạt động không có hiệu quả, với cơ cấu tổ chức, thành phần, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, đặc biệt là cơ chế hoạt động và năng lực thực hiện nhiệm vụ không bảo đảm, đôi khi còn là rào cản cho các cơ quan hoạt động tiến hành tố tụng, khi không có chuyên môn, không có cơ chế hoạt động khoa học hợp lý, dẫn tới chỉ đạo đôi khi không kịp thời, không đúng với hoạt động tố tụng, làm cản trở quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và xử lý hành vi tham nhũng.

Vì thế, theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền, việc thành lập trở lại Ban Chỉ đạo cấp tỉnh với cơ cấu thành phần khác đi, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cũng khác đi, với cách thức, phương thức hoạt động khác đi, và đặc biệt nhấn mạnh chế độ trách nhiệm công vụ của từng thành viên trong Ban, mối quan hệ phối hợp của Ban này với các cơ quan chức năng ở địa phương, với cấp ủy Đảng, và các cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng như thế nào, là câu chuyện cần phải nghiên cứu rất kỹ về lý luận, thực tiễn, đặc biệt về mối quan hệ và năng lực thực hiện nhiệm vụ.

“Cơ cấu của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh vừa có những thành viên có thẩm quyền của Đảng, vừa có thành phần là những người bên chính quyền, tổ chức chính trị xã hội, nhưng để Ban này hoạt động tốt, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khác như phòng ngừa, phát hiện; đồng thời phải có bộ máy tham mưu đủ mạnh, đủ năng lực, chuyên môn, bản lĩnh, đủ đạo đức để giúp Ban này thực hiện tốt, tránh lặp lại sai lầm trước đây”, Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền phân tích.

Nói về kinh nghiệm cần rút ra để có thể nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng tiêu cực tới đây sẽ được thành lập, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, Ban Chỉ đạo Trung ương khi thay đổi về cơ cấu, thành phần, người đứng đầu, cơ chế hoạt động, chế độ trách nhiệm công vụ đã có những đột phá tốt hơn. Do đó ở cấp tỉnh cũng vậy, mối quan hệ công tác, đặc biệt trong nền công vụ của ta, cũng là quy trách nhiệm của từng vị trí công tác, khi xảy ra tham nhũng ở địa phương, trách nhiệm của Trưởng ban, Phó ban, thành viên đến đâu? Quy như vậy cả bộ máy sẽ vận hành tốt, đó chính là vấn đề là trách nhiệm công vụ./.

Đình Hiếu/VOV1
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận