Không chọn bên mà chọn chính nghĩa, đó là thông điệp được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi thuyết trình tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ vừa qua.
Thủ tướng nêu rõ: Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng.
Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia ở khắp các châu lục trên toàn thế giới. Việt Nam đã gắn kết và đan xen lợi ích với nhiều quốc gia trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng và an ninh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều quốc gia có lợi ích trái ngược, thậm chí đối đầu với nhau, trong đó cũng có những quốc gia có lợi ích đối nghịch với Việt Nam. Trong tình huống như thế, Việt Nam sẽ phải ứng xử và giải quyết như thế nào khi xác định là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế? Việt Nam có cần chọn bên hay không chọn bên trong mối quan hệ giữa các nước lớn? Đó là những câu hỏi lớn cần được giải đáp.
Khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, từ góc độ Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho đến Trưởng Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, chúng ta đã bày tỏ chính thức quan điểm của mình về cuộc xung đột này. Theo đó, Việt Nam kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích và quan ngại của tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
Các giải pháp như vậy sẽ chấm dứt những khổ đau và đóng góp lớn cho hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Âu và thế giới nói chung. Việt Nam mong muốn có thêm các nỗ lực để tăng cường viện trợ nhân đạo cho dân thường, đồng thời hoan nghênh hoạt động của Liên Hợp Quốc và các đối tác khác để giúp đỡ người dân trên thực địa, bao gồm cả người tị nạn. Như vậy, quan điểm của Việt Nam là rất rõ ràng, thẳng thắn, mong muốn hai bên hướng về hòa bình và cuộc sống an toàn của người dân để nối lại đàm phán, chấm dứt leo thang căng thẳng.
Phân tích về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng cho rằng, trên thế giới, chưa có nước nào có thể hy sinh lợi ích của dân tộc mình chỉ vì lợi ích của một dân tộc khác. Chính vì vậy trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, dù là thời bình hay thời chiến, chúng ta không thể ảo tưởng trông chờ sự trợ giúp của nước ngoài. Việt Nam chúng ta không chọn bên, không đi theo một cường quốc nào, không dựa hẳn vào một cường quốc nào để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia dân tộc mình.
Như vậy, quan điểm cho rằng, chúng ta cần phải chọn bên để gia tăng sức mạnh bảo vệ đất nước là mơ hồ và ảo tưởng. Bởi lẽ, theo Trung tướng Nguyễn Đức Hải, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, nếu tham gia liên minh quân sự, chúng ta sẽ tự chuốc thêm kẻ thù, sẽ trở thành một bên trong cuộc đối đầu giữa các nước lớn. Việt Nam không đứng về bên nào mà Việt Nam chọn lẽ phải, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ Hiến chương Liên Hợp Quốc và những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Trong quan hệ với bạn bè thế giới, Việt Nam luôn tỏ rõ thiện chí là bạn, là đối tác tin cậy với sự chân thành, cởi mở. Vì thế, Việt Nam sẽ không bị cô lập trong cộng đồng quốc tế.
"Là bạn tốt, chúng ta có thể huy động được sức mạnh của cộng đồng quốc tế ở phạm vi rất rộng, toàn diện. Và chúng ta cũng góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, loại trừ được nguy cơ xung đột chiến tranh. Nếu chúng ta chọn bên sẽ mất độc lập, tự chủ. Ngay trong các khối liên minh, hiện tại chúng ta cũng thấy đang còn những vấn đề xung đột về lợi ích, kiềm chế và phụ thuộc lẫn nhau", Trung tướng Nguyễn Đức Hải dẫn chứng.
Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam luôn tỏ rõ thiện chí là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp như hiện nay, rất nhiều quốc gia có lợi ích trái ngược, đối đầu. Trong những tình huống như vậy, chúng ta cũng phải thể hiện quan điểm, chính kiến của mình. Tiến sĩ Luận Thùy Dương- nguyên Đại sứ Việt Nam tại Myanmar cho rằng, Việt Nam đứng về lẽ phải, đứng về chính nghĩa, lấy đó làm hệ quy chiếu trong việc bày tỏ quan điểm trong quan hệ quốc tế.
Theo Đại sứ, Tiến sĩ Luận Thùy Dương, lẽ phải chúng ta chọn ở đây là vì hòa bình và phát triển thịnh vượng của thế giới. Chính nghĩa mà chúng ta kiên định phải hiểu là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển của đất nước ta. Khi chúng ta chọn lẽ phải và đứng về chính nghĩa như thế chúng ta không việc gì phải chọn bên này, bên kia, không việc gì phải chọn đi theo nước này hay nước kia.
Thực tế cho thấy, sau chiến tranh thế giới thứ hai đã ra đời không ít liên minh quân sự, nhưng trên thực tế đó là các liên minh đối đầu nhau về lợi ích, đưa đẩy thế giới vào những cuộc chiến tranh, xung đột, tranh giành quyền lực dẫn đến những bất ổn về chính trị. Nhiều quốc gia, nhất là các nước nhỏ trong khối liên minh quân sự bị chi phối, tác động của các nước lớn, trong nhiều trường hợp đã phải từ bỏ một phần chủ quyền của mình, không còn giữ được đầy đủ độc lập, tự chủ, trở thành “con tốt” trên bàn cờ chiến lược của các nước lớn, thậm chí khi chủ quyền bị xâm phạm thì các thành viên trong khối cũng gần như không có sự can thiệp, hỗ trợ gì về quân sự.
Như vậy, bảo vệ Tổ quốc phải dựa vào thực lực của chính mình, mọi sự trông chờ, giúp đỡ, dựa vào nước ngoài để bảo vệ đất nước là điều không thể có, và không thể thành hiện thực trong thực tế. Đây cũng là quan điểm của Tiến sĩ Sử học Phạm Minh Thế.
Tiến sĩ Phạm Minh Thế nêu rõ, hiện nay có nhiều tranh luận trên các diễn đàn mạng xã hội, rằng chúng ta phải nghiêng về phía bên nọ, nghiêng về phía bên kia nhưng quan trọng nhất vẫn là phải nghiêng về sức mạnh đại đoàn kết quốc gia, dân tộc và dựa vào thực lực của chính mình, dựa vào sự chủ động sáng tạo và linh hoạt của ta trong việc ứng phó với những biến đổi của thời cuộc. "Cần phải có trái tim nóng nhưng phải có cái đầu lạnh để giải quyết những sự phức tạp của các mối quan hệ quốc tế", Tiến sĩ Phạm Minh Thế nhấn mạnh.
Hiện nay quan hệ ngoại giao nhà nước Việt Nam “phủ sóng” tới 189 trong tổng số 200 quốc gia trên toàn thế giới. Quan hệ đối ngoại quốc phòng của ta ngày càng rộng mở, chúng ta có quan hệ quốc phòng với trên 80 quốc gia thuộc cả 5 châu lục, đặc biệt chúng ta có quan hệ quốc phòng với tất cả 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là những quốc gia có vai trò, có ảnh hưởng chủ chốt trong duy trì hòa bình và an ninh thế giới. Đây là điều chưa từng có từ trước tới nay.
Theo bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đó là cơ hội thuận lợi để chúng ta ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ xung đột, chiến tranh, duy trì hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
"Ngày nay, Việt Nam đang có nhiều nỗ lực đóng góp vào hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Chúng ta nỗ lực thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế và giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Chúng ta đã 3 lần đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN, 2 lần làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đang tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc", bà Nguyễn Phương Nga dẫn chứng thêm.
Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam đã phải tiến hành nhiều cuộc kháng chiến, đấu tranh chống giặc ngoại xâm để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Là một đất nước đã phải chịu quá nhiều những khổ đau, mất mát do chiến tranh, dân tộc Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, phản đối chiến tranh, bạo lực. Và như một lẽ tự nhiên, Việt Nam được quốc tế coi là biểu tượng của đất nước vì hoà bình, một đối tác vì hòa bình bền vững. Việt Nam không chỉ gửi đi thông điệp đó mà còn có rất nhiều hành động, nhiều đóng góp cụ thể, thiết thực cho việc ngăn chặn xung đột, ngăn chặn chiến tranh, vì hoà bình bền vững trên thế giới./.
Theo VOV.VN