Sáng 11/5, tại phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022
Thị trường chứng khoán “sáng mưa, chiều nắng”
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, thị trường chứng khoán xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm.
Về thị trường trái phiếu, cơ quan thẩm tra đề nghị đánh giá cụ thể những rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, trong đó cần làm rõ rủi ro các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn và có các giải pháp phù hợp để giải quyết.
Bày tỏ lo lắng về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng “thị trường chứng khoán hiện quá bất thường, có ngày “sáng mưa, chiều nắng”.
“Ngày hôm kia thị trường giảm tới hơn 60 điểm, một hôm mà giảm tới hơn 4,4%. Sáng qua tiếp tục giảm mấy chục điểm nhưng chiều tôi mở ra xem lại đảo chiều tăng trở lại. Bất thường như thế các đồng chí thấy có yên tâm không. Phải đánh giá cho kỹ vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Liên quan trái phiếu doanh nghiệp, ông Vương Đình Huệ đánh giá, năm ngoái thị trường này tăng quá nóng và đề nghị báo cáo thẩm tra dẫn đầy đủ số liệu về thị trường trái phiếu chính phủ để đại biểu Quốc hội biết. Bên cạnh đó cần làm rõ trái phiếu doanh nghiệp phát hành bao nhiêu, trong đó cho bất động sản thế nào, số đến hạn cụ thể ra sao.
“Nghị định các đồng chí đã nói không chặt chẽ, sơ hở thì do đâu. Đừng đổ thừa cho khách quan. Lỗi chủ quan thì phải quy trách nhiệm chứ không nói chung chung được”, ông Vương Đình Huệ nêu quan điểm.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị báo cáo tóm tắt trình trước Quốc hội “tránh toàn bằng lời, cần có con số biết nói”, tăng cường phản biện mang tính xây dựng, nơi làm tốt dẫn chứng ra biểu dương, nơi chưa tốt cũng có địa chỉ cụ thể.
Báo cáo tại phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, 3 thị trường vốn, tiền tệ và bất động sản là thông nhau nhưng hiện cả 3 thị trường này đều còn nhiều bất cập.
“Vốn chảy vào bất động sản thì còn nhiều vấn đề, kể cả thị trường vốn, kể cả thị trường tiền tệ. Đây là bất cập rất lớn. Vừa rồi chúng ta phát hiện, Chính phủ đánh giá, tổ chức thực hiện, chỉ đạo các ngành, các cấp kiểm soát vấn đề này”, ông Lê Minh Khái nói và cho biết thêm, hiện Chính phủ đã giao các bộ liên quan xin ý kiến để sửa Nghị định 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Cũng theo Phó Thủ tướng, trong lúc chưa sửa thì theo dõi sát tình hình, báo cáo đầy đủ tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng như thị trường tiền tệ cho vay của bất động sản, những khoản nào tới hạn, những cái nào phát hành mới thì rà soát, đánh giá rủi ro để kiểm soát tốt nhất.
“Quốc hội cần nhưng các cơ quan chưa vội”
Góp ý vào báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chia sẻ, qua tham gia đoàn giám sát tối cao vừa qua ông thấy rằng “Quốc hội cần nhưng các cơ quan chưa vội, còn Quốc hội vội thì Quốc hội lội sang”, tuy nhiên, “có “lội” sang rồi nhưng nhiều cái không làm thay, làm trái thẩm quyền được”.
Đề cập hiệu quả phân bổ ngân sách cho các gói phòng chống dịch bệnh, ông cho biết, hiện chưa có báo cáo đánh giá, do đó, cần làm rõ vì sao Thủ tướng, Phó Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt như vậy mà bộ ngành vẫn có sự chậm trễ.
Báo cáo thẩm tra cho thấy, tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DNNN; việc hoàn thiện quy định pháp luật về cổ phần hóa và sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công còn rất chậm và không hoàn thành mục tiêu theo kế hoạch. Kế hoạch hết năm 2021 là thu về 40.000 tỷ đồng nhưng chỉ thu được 4.402 tỷ đồng (18 doanh nghiệp) trong khi thị trường chứng khoán năm 2021 rất tốt, là điều kiện thuận lợi để có thể thoái vốn.
Trước thực tế trên, ông Trần Quang Phương đề nghị làm rõ vướng mắc về mặt pháp luật, chính sách là gì và cái nào do chỉ đạo, thực hiện không quyết liệt; gây lãng phí nguồn lực thế nào.
Đề cập giải ngân đầu tư công tiếp tục chậm, nhất là các gói cho công trình trọng điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá khả năng hấp thụ vốn và băn khoăn khó hoàn thành như kế hoạch rồi “lúc đó kiểm điểm với nhau lại do lỗi hệ thống, do cơ chế chính sách” trong khi cơ chế, chính sách đều được tạo điều kiện.
Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, dự báo từ nay đến cuối năm 2022 kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức, nhất là để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng theo kế hoạch đầu năm, cộng với tác động của chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì mục tiêu phải đạt được khoảng từ 8 - 8,5%. Đây là một thách thức rất lớn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác. Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Cùng với việc có giải pháp để ổn định thị trường, niềm tin của nhà đầu tư, có chính sách đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn giá hàng hóa, nhất là điện, than, xăng, dầu và vật tư nông nghiệp.
Cùng với đó khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và các nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, kế hoạch tài chính 5 năm thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, các chính sách an sinh xã hội, mở cửa trở lại trường học phù hợp, đảm bảo chất lượng dạy và học./.
Theo VOV.VN