Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu 'nóng'

Xuất hiện 'lỗ hổng' liên quan phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp, thực tế có những vi phạm nên cần phải siết lại.

 

Sáng 25/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 của Chính phủ.

Bịt “lỗ hổng” trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp

Báo cáo của Chính phủ cho thấy việc triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định; các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và các nghị quyết của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực KTXH, góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh Covid-19, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra (đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu; thu NSNN đạt trên 1,563 triệu tỷ đồng, vượt 16,4% dự toán).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có phạm vi rộng nên sẽ cố gắng làm rõ nổi bật cái mới, nhược điểm, hạn chế để thấy rõ bức tranh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những vấn đề cần khắc phục thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo làm rõ nhiều vấn đề tại phiên thảo luận. Ảnh: Quốc hội

Chính phủ đã tích cực trong hoàn thiện thể chế, nhưng biến động thực tiễn nên khối lượng công việc lớn. Như năm 2021, Bộ Tài chính ham mưu cho Chính phủ ban hành 43 nghị định và 126 Thông tư. Tuy vậy, có những vấn đề thực tiễn phát sinh yêu cầu tiếp tục sửa đổi các quy định.

Đơn cử như Nghị định 153 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế đang được sửa vì xuất hiện lỗ hổng, đã có những vi phạm nên cần phải siết lại.

“Chúng tôi đã nhận diện được sơ hở này và cảnh báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Bộ Tài chính đã có 5 thông cáo báo chí, 4 cuộc trao đổi về những rủi ro trong phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp. Bộ cũng có 3 văn bản chấn chỉnh và yêu cầu thanh tra. Đây cũng là vấn đề cần xử lý để làm trong sạch thị trường, đi vào nề nếp” - Bộ trưởng Tài Chính cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh nhưng có dấu hiệu “nóng”; tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có doanh nghiệp “lách luật” phát hành trái phiếu sai quy định. Tình trạng một số cá nhân, doanh nghiệp thao túng thị trường chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư, thất thoát lãng phí nguồn lực trong nhân dân.

Xử lý sau thanh tra có nhiều vấn đề rất khó

Chính phủ cho biết, trong năm 2021, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 6.809 cuộc thanh tra hành chính và 177.245 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 179.304 tỷ đồng, 9.258 ha đất; kiến nghị thu hồi về NSNN 17.825 tỷ đồng và thu hồi 811ha đất.

Tập trung đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 6.690 kết luận thanh tra và các quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi 115.841 tỷ đồng, 627 ha đất; xử lý hành chính đối với 3.267 tập thể, 8.724 cá nhân; chuyển cơ quan chức năng điều tra, khởi tố 17 vụ, 70 đối tượng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, nhiều cuộc thanh tra tạm dừng hoặc triển khai chậm so với kế hoạch.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy. Ảnh: Quốc hội

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy cho biết, liên quan đến phòng chống dịch COVID -19, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết, trong đó có giao Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit test xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch.

Thanh tra Chính phủ đã và đang triển khai thanh tra tại Bộ Y tế, TP Hà Nội, TP.HCM, cũng như hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tiến hành thanh tra theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

“Sơ bộ bước đầu, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong mua sắm trang thiết bị y tế, kit test, sinh phẩm phòng chống dịch Covid-19. Kết quả chính thức sẽ báo cáo Chính phủ trong tháng 5/2022”, Phó Tổng Thanh tra thông tin.

Đề cập đến các dự án yếu kém mà dư luận rất quan tâm, ông Lê Sỹ Bảy nhấn mạnh Chính phủ đã và đang thực hiện tháo gỡ khó khăn việc xử lý sau thanh tra nhưng có những việc rất khó, đặc biệt là liên quan đến cơ chế chính sách, để xử lý được các vị phạm “là cả vấn đề”.

Dẫn chứng chứng việc đến xử lý sau thanh tra tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh), ông Lê Sỹ Bảy cho biết Thanh tra Chính phủ đã và đang làm việc, lấy ý kiến các bộ, ngành như Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp… để có ý kiến báo cáo Thủ tướng tháo gỡ khó khăn trong thực hiện kết luận sau thanh tra ở dự án này./.

Theo VOV.VN

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận