Chiều 25/4, UBTVQH cho ý kiến vào báo cáo kết quả bước đầu giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Đây là một trong hai chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2022.
Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết, quy hoạch là một nhiệm vụ khó, phức tạp, có tầm ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của các vùng, các địa phương, do đó, trong quá trình giám sát, lãnh đạo Quốc hội đã dành thời gian để tham dự nhiều cuộc làm việc với Chính phủ, bộ, ngành địa phương hoặc họp Đoàn.
Đặc biệt, ngày 21/4/2022, lãnh đạo Quốc hội đã làm việc với lãnh đạo Chính phủ để đánh giá kỹ lưỡng các kết quả, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, nhất là thống nhất các giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác quy hoạch trong thời gian tới.
Đoàn giám sát đánh giá việc xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đã được xây dựng và ban hành tạo hành lang pháp lý cần thiết để triển khai lập và tổ chức thực hiện quy hoạch.
Hơn 3 năm qua đã sửa đổi 73 luật, pháp lệnh; 6 Nghị quyết của Quốc hội; 1 Nghị quyết UBTVQH. Chính phủ ban hành 42 Nghị định, 6 Nghị quyết. Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 Chỉ thị, 2 Quyết định; các Bộ ban hành 94 Thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Quy hoạch, các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch.
Trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch có 108/111 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ, trong đó 40/42 quy hoạch cấp quốc gia, 6/6 quy hoạch vùng, 62/63 quy hoạch tỉnh. Đến nay, có 7/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt. Ngoài ra, nhiều quy hoạch các cấp cũng đang trong quá trình tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Kinh phí lập quy hoạch đã được quan tâm bố trí với tổng số vốn dự toán đã duyệt là 4.367,99 tỷ đồng. Số giải ngân tính đến 28/2/2022 của các Bộ, ngành là 244,687 tỷ đồng (bằng 19,67%); các địa phương là 1.147,45 tỷ đồng (bằng 36,72%).
Nhiều “điểm nghẽn”
Bên cạnh kết quả đạt được, Đoàn giám sát cũng thẳng thắn chỉ rõ Luật Quy hoạch trong quá trình triển khai còn khó khăn, vướng mắc, một số quy định còn bất cập. Đó là tồn tại cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất ở các cấp, các ngành về một số nội dung trong luật.
Đó là nội hàm quy hoạch tổng thể quốc gia. Khái niệm “tích hợp quy hoạch” chưa rõ ràng về nội hàm, khó triển khai trong thực tiễn vì chưa thống nhất nhận thức. Trình tự lập quy hoạch, việc lập quy hoạch được thực hiện từ trên xuống hay từ dưới lên, trình tự phê duyệt quy hoạch. Việc lập đồng thời các quy hoạch gặp khó khăn do thiếu căn cứ, quan hệ giữa các quy hoạch ngang cấp...
Bên cạnh đó, việc ban hành văn bản hướng dẫn Luật Quy hoạch rất chậm và còn bất cập. Quy định của pháp luật có liên quan đến quy hoạch còn bất cập, chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.
Về thực thi pháp luật, lực lượng tư vấn lập quy hoạch còn hạn chế về số lượng, khó lựa chọn được tư vấn có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, nhất là trong bối cảnh nhiều quy hoạch các cấp được lập đồng thời với phương pháp, cách tiếp cận mới; một đơn vị tư vấn tham gia lập đồng thời nhiều quy hoạch có thể dẫn đến không bảo đảm chất lượng...
Quốc hội xem xét ra nghị quyết tháo gỡ vướng mắc
Từ thực tế trên, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch. Trong đó cho phép Chính phủ thực hiện các giải pháp thúc đẩy công tác lập quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành.
Cụ thể là hướng dẫn chi tiết nội dung, mức độ, quy trình phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong quá trình tích hợp quy hoạch để lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch khắc phục việc còn cách hiểu khác nhau trong quá trình lập quy hoạch, bảo đảm làm rõ sự phối hợp giữa các cơ quan tham gia vào quá trình lập quy hoạch.
Cho phép: áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch; lập đồng thời các quy hoạch; rút gọn quy trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch; sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên cho việc lập các quy hoạch...
Về dài hạn, Chính phủ chỉ đạo tổng kết toàn diện tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh liên quan để kiến nghị các giải pháp sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh này nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch./.
Theo VOV.VN