ĐBSCL là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng

Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và an ninh quốc phòng Vùng ĐBSCL

 

Hội nghị được tổ chức sáng 22/4. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự và có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại hội nghị, cùng dự tại điểm cầu Hà Nội có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, các Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Uỷ viên Trung ương Đảng, lãnh đạo chủ chốt các Ban, Bộ ngành Trung ương và toàn bộ 13 tỉnh thành phố trong Vùng.

Đây là hội nghị thứ 2 được tổ chức tiếp theo Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ - Vùng cực Bắc của Tổ quốc vừa được tổ chức rất thành công vào tuần trước.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong 6 Vùng kinh tế - xã hội của cả nước, bao gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng diện tích khoảng 40,6 nghìn km2, chiếm 13% diện tích tự nhiên cả nước; trong đó có khoảng 1,5 triệu ha đất trồng lúa mầu mỡ bậc nhất ở nước ta và trên thế giới; dân số vùng khoảng 17,5 triệu người, chiếm gần 18% dân số cả nước. Đây là vùng cực Nam của Tổ quốc - một địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nằm liền kề với Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng Đông Nam Bộ; phía Bắc giáp nước bạn Cam-pu-chia, phía Tây Nam là Vịnh Thái Lan, phía Đông Nam là Biển Đông, nên có địa chính trị, địa kinh tế và địa quân sự hết sức trọng yếu đối với cả nước

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích 3 lí do chủ yếu lí giải vì sao lúc này Bộ Chính trị lại bàn và ra Nghị quyết mới về Vùng đồng bằng sông Cửu Long? Theo đó, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết lần này là để quán triệt sâu sắc hơn và tổ chức triển khai thực hiện tốt hơn chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng. Bởi phát triển vùng là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, không chỉ đối với từng vùng mà còn đối với cả nước. Do vậy, trong suốt 35 năm đổi mới và qua các kỳ Đại hội, Đảng ta luôn chú trọng phát triển vùng nhằm khai thác, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng và các địa phương trong vùng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Lí do thứ 2 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới lần này là để tạo ra một bước đột phá mới trong việc phát huy vai trò, vị trí quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn của Vùng trong giai đoạn mới; khẳng định Đồng bằng Sông Cửu long là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng, hào hùng và rất vẻ vang; là địa bàn sinh sống, gắn bó đoàn kết lâu đời của cộng đồng các dân tộc Việt, Khơ Me, Hoa, Chăm,... với những nét văn hoá hết sức đặc thù và nền văn minh sông nước độc đáo, như giao thông chủ yếu sử dụng ghe, thuyền; các điểm quần cư nông thôn gắn liền với hệ thống kênh rạch, sống chung với lũ và phương thức khai thác các sản vật mùa khô và mùa nước nổi…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ: "Người dân nơi đây kết tinh nhiều đức tính quý báu: Chịu thương, chịu khó; tự chủ, tự lực, tự cường; năng động, sáng tạo; kiên cường, bất khuất, vượt qua những cảnh ngộ, bất trắc của cuộc sống; luôn coi trọng nghĩa tình; sống bình dị, chân thực, chân tình, cởi mở, phóng khoáng, mang nặng tình yêu thương con người, với cảnh quan, cỏ cây, sông nước, đúng như lời trong bài thơ "Chín dòng sông hò hẹn".

"Miền Tây ơi, ngập tràn bao khao khát

Dòng phù sa, dào dạt mãi đôi bờ

Khói lam chiều, bàng bạc những giấc mơ

Nghe ngọt lịm, ngẩn ngơ câu vọng cổ

Bỏ sau lưng những tháng ngày gian khổ

Đất quê hương lỗ chỗ vết bom thù

Bước hào hùng với cách mạng mùa thu

Xua bóng tối mịt mù trên quê mẹ

Quê tôi đó, tràn đầy sức trẻ

Quyết vươn lên, dáng vẻ đất chín rồng

Cho đẹp giầu, miền châu thổ Cửu Long

Cho ngọt mãi, hương nồng đêm hò hẹn

Miền Tây ơi, một tình yêu trọn vẹn

Tôi sẽ về, như đã hẹn cùng em".

Lí do thứ 3 Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới lần này là để tiếp tục phát huy những kết quả thành tựu to lớn đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, và vượt qua những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị. Đề cập về nội dung hoàn toàn mới của Nghị quyết 13 lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, nếu như Nghị quyết số 21 trước đây không đề cập thì Nghị quyết lần này đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2030: "Vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hoá sông nước; là trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế biển; kinh tế du lịch; tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng, trong nước và quốc tế; chú trọng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái; duy trì và tôn tạo bản sắc văn hoá độc đáo, đa dạng của các dân tộc; bảo đảm quốc phòng và an ninh; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường".

Tổng Bí thư cho biết, mục tiêu đến năm 2045 là: Vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng phát triển toàn diện, sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hoá sông nước; có trình độ phát triển khá so với cả nước; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu; kinh tế phát triển năng động, hiệu quả với cơ cấu phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hoá, con người; nhân dân có mức sống cao; bản sắc văn hoá độc đáo, đa dạng của các dân tộc được duy trì và tôn tạo; quốc phòng và an ninh được bảo đảm; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường.

Để thực hiện có kết quả Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt chú ý 5 vấn đề cần triển khai thực hiện trong thời gian tới, yêu cầu, Ban cán sự đảng Chính phủ cần ráo riết chỉ đạo, khẩn trương xây dựng, ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương trong Vùng. Chương trình hành động phải bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung của Nghị quyết, bảo đảm sát hợp với từng địa phương trong Vùng và tiểu vùng. Các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong Vùng cần cụ thể hoá Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao./.

Văn Hiếu/VOV1
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận