Sửa Luật tần số vô tuyến điện: Băn khoăn vấn đề 'lưỡng dụng'

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chiều 18/4.

 

Phạm vi sửa đổi không nhiều song được đánh giá là những vấn đề rất quan trọng, cần cân nhắc kỹ lưỡng để bảm bảo an ninh thông tin, chủ quyền quốc gia trên không.

Ý kiến khác nhau

Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận là “sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trong trường hợp cần thiết".

Phân tích lý do Chính phủ đưa ra đề xuất trên, Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh việc kết hợp chặt chẽ, đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước.

Chủ trương xây dựng nền quốc phòng, an ninh hiện đại, lưỡng dụng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đã được cụ thể hóa vào nhiều văn bản của Đảng và pháp luật của Nhà nước, qua đó góp phần quan trọng hiện đại hóa lực lượng vũ trang và sử dụng tài nguyên quốc gia, ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Việc sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ cho mục đích quốc phòng và an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội sẽ giúp tạo lập một kênh thông tin liên lạc dự phòng quan trọng khi xảy ra tình huống an ninh và quốc phòng. Đồng thời đây cũng là kênh quan trọng để thực hiện công tác đảm bảo an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn chuyển đổi số đang rất mạnh mẽ ở nước ta.

Hơn nữa, việc bổ sung quy định này vào dự án luật, qua báo cáo đánh giá tác động thấy không xung đột và không trái với các quy định của pháp luật liên quan cũng như không vi phạm các cam kết trong Hiệp định CPTPP. Yếu tố bí mật cũng được đảm bảo khi có thể công khai thông tin tổng thể đoạn băng tần được cấp cho quốc phòng, an ninh nhưng bí mật về mặt mục đích sử dụng băng tần cho các hoạt động nghiệp vụ.

Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết đây là chính sách mới so với quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện hiện hành, mới được Bộ Công an đề xuất bổ sung trong quá trình xây dựng luật. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Quốc phòng là không đồng ý với chính sách này.

Phân tích hàng loạt yếu tố, trong đó có việc gộp sử dụng tần số, băng tần cho hai mục đích quốc phòng, an ninh và kinh tế là rất khó khăn, phức tạp trong việc thực hiện và có thể dẫn đến hệ quả không mong muốn, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị trong giai đoạn hiện nay chưa nên đặt vấn đề quy định sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội vào trong dự án luật.

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội.“Tần số không phải là cơ sở hạ tầng đơn thuần”

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá đầy đủ tác động của chính sách trên, tổng kết kinh nghiệm trong chiến tranh, kinh nghiệm các nước vì “tần số không phải là cơ sở hạ tầng đơn thuần, không phải con đường để rồi đi chung được, mà nó có tính bảo mật rất cao trong tình huống đặc biệt với quốc phòng, an ninh”.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị phải quy định thẳng trong luật việc bố trí tần số dự phòng hay dự bị phục vụ các tình huống đột xuất cho tình trạng khẩn cấp nói chung, nếu không khi có tình huống xảy ra sẽ rất lúng túng, giải quyết việc trưng mua rất vất vả.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhấn mạnh tần số nào dành cho quốc phòng, an ninh thì nên để cho quốc phòng, an ninh. Còn tần số nào để phát triển kinh tế - xã hội và làm các mục đích khác thì tất cả các loại hình doanh nghiệp, kể cả của quân đội, công an mới có thể tham gia vào đó, chứ không nên xác định theo hướng ngược lại.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đối với nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát Luật Tần số vô tuyến điện, trong Đề án đã được Bộ Chính trị thông qua cũng chỉ rõ là cần rà soát, hoàn thiện pháp luật để phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, an toàn, an ninh thông tin, phát triển một số doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, doanh nghiệp số chủ lực, thực hiện tốt vai trò dẫn dắt về hạ tầng công nghệ số làm nền tảng cho nền kinh tế số, xã hội số, gắn với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Do đó ông đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát để bám sát định hướng này.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi xây dựng, sửa đổi dự án luật này, quan điểm lớn nhất cần phải quán triệt và khẳng định: Tần số vô tuyến điện là tài sản quốc gia quan trọng và ngày càng có giá trị, nhất là trong bối cảnh đang thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số, xã hội số. Các quốc gia đều chú trọng khẳng định và thúc đẩy bảo vệ quyền lợi, nhất là chủ quyền quốc gia về tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh.

Liên quan đến đề xuất kết hợp quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Quốc hội cho rằng không nên đặt ra vấn đề một băng tần nào đó vừa phục vụ cái này, vừa phục vụ cái kia, nhưng có thể cấp băng tần cho doanh nghiệp được xếp loại doanh nghiệp quốc phòng, an ninh với điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể và quản lý chặt chẽ. Quan trọng hơn, trong tình trạng khẩn cấp thì Nhà nước có toàn quyền sử dụng băng tần này trong một thời gian nhất định./.

Ngọc Thành/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận