Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, những tháng đầu năm 2022, Thành phố và cả nước tiếp tục triển khai nhiệm vụ trong điều kiện ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, sự vào cuộc chủ động, tích cực của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, Thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tiếp tục triển khai các giải pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Thành phố đã bước qua đỉnh dịch, số ca mắc giảm mạnh, các mục tiêu của hoạt động phòng chống dịch được đảm bảo, kiểm soát tốt tỷ lệ chuyển nặng, đảm bảo năng lực tiếp nhận của hệ thống y tế, tập trung khôi phục và phát triển kinh tế xã hội, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2022 tăng 5,83% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn so với bình quân chung của cả nước là 5,03%), thu ngân sách ước đạt 102.402 tỷ đồng, bằng 32,9% so với dự toán và tăng 19,6% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, Thành phố đồng thời triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng khác như: Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị và đề xuất ban hành Nghị quyết mới về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045; Triển khai lập Quy hoạch thành phố, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tổng kết thi hành Luật Thủ đô và hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng sửa đổi Luật; hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4...
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, căn cứ các quy định của Luật và tình hình, yêu cầu thực tiễn của thành phố; trên cơ sở thống nhất với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, Thường trực HĐND quyết định triệu tập Kỳ họp chuyên đề của HĐND thành phố nhằm kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Cụ thể, HĐND TP Hà Nội sẽ xem xét và quyết định về Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và phân bổ vốn thuộc kế hoạch đầu tư công cấp Thành phố năm 2022 gồm 02 nội dung. Thứ nhất, là tăng cường nguồn lực đầu tư cho 03 lĩnh vực: giáo dục, y tế, văn hóa, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết XVII Đảng bộ Thành phố, Chương trình công tác số 06, 08 của Thành ủy và phù hợp với Phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Ban Thường vụ Thành ủy báo cáo Bộ Chính trị. Thứ hai, là bổ sung kế hoạch đầu tư công và bố trí vốn năm 2022 đối với 10 dự án xây dựng cơ bản tập trung cấp Thành phố. Đây là những dự án trọng điểm, cấp bách, đủ điều kiện để bổ sung triển khai, thực hiện trong năm 2022.
Bên cạnh đó, HĐND TP Hà Nội cũng sẽ xem xét, thông qua chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công của Thành phố, trong các lĩnh vực: giáo dục và đào tạo, hạ tầng giao thông, bảo vệ môi trường, đê điều, thủy lợi, nông nghiệp... Đây là những dự án quan trọng thuộc Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo những vấn đề dân sinh tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Cùng với đó, xem xét và quyết định các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn Thành phố. Đây là nội dung rất quan trọng, là vấn đề lớn, vấn đề khó, có tính lịch sử, tồn tại qua nhiều giai đoạn, trong bối cảnh các quy định pháp luật có sự thay đổi qua từng thời kỳ.
Theo ông Tuấn, thời gian qua, Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; HĐND, Thường trực HĐND Thành phố đã tổ chức giám sát, tái giám sát chuyên đề và yêu cầu giải trình, chất vấn tại các kỳ họp. Ban hành các chủ trương, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án, đồng thời thực hiện nghiêm kỷ cương đối với các dự án chậm triển khai theo quy định của Luật. UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch và nhiều văn bản để tổ chức triển khai, thực hiện. Tuy nhiên, kết quả còn hạn chế, hiệu lực, hiệu quả còn chưa cao.
Với quan điểm là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai nhằm cải thiện môi trường đầu tư, khai thác tối đa các nguồn lực cho phát triển Kinh tế xã hội; Thiết lập kỷ cương trong quản lý dự án và quản lý, sử dụng đất đai, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo UBND Thành phố kiểm tra, rà soát, phân loại các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn Thành phố, trên cơ sở đó, UBND Thành phố phối hợp Thường trực HĐND Thành phố chuẩn bị hồ sơ để trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết chuyên đề về các biện pháp đẩy nhanh tiến độ, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai.
“Dự thảo Nghị quyết được tổng hợp từ kết quả giám sát, tái giám sát của HĐND, Thường trực HĐND Thành phố và qua thực tiễn công tác rà soát, kiểm tra, thanh tra của UBND Thành phố và tiếp thu các ý kiến của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố”, Chủ tịch HĐND TP nêu rõ.
Cũng tại kỳ họp này, HĐND TP tiến hành công tác nhân sự thuộc thẩm quyền để kiện toàn Ủy viên UBND Thành phố đối với chức danh Chánh Văn phòng UBND Thành phố để bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành kịp thời, thông suốt của UBND Thành phố.
Thường trực HĐND TP Hà Nội cũng báo cáo HĐND TP việc ban hành Nghị quyết của Thường trực HĐND Thành phố quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV2 phục vụ công tác phòng, chống dịch theo Nghị quyết số 268 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết 86 của Chính phủ.
UBND Thành phố cũng đã gửi báo cáo HĐND Thành phố về kết quả thực hiện Nghị quyết số 15 ngày 05/12/2018 của HĐND Thành phố về Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo về Đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến 2030 và tầm nhìn đến 2050 để các đại biểu HĐND Thành phố theo dõi và giám sát việc tổ chức thực hiện./.
Theo Đ.Hưng/VOV.VN