Cán bộ quân đội sai phạm: Kỷ luật nghiêm minh là sức mạnh của quân đội

Kỷ luật nghiêm minh là một trong những yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Kỳ họp thứ 13 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết thúc ngày 31/3 tiếp tục "gọi tên" các cán bộ quân đội sai phạm. Trong đó có việc cảnh cáo Trung tướng Nguyễn Viết Lượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện Quân y, đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Trung tướng Đỗ Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Học viện Quân y.

Trung tướng Nguyễn Viết Lượng (ảnh trái, khi còn mang quân hàm Thiếu tướng) bị kỷ luật cảnh cáo và Thượng tá Hồ Anh Sơn bị khai trừ ra khỏi Đảng.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với Thượng tá Hồ Anh Sơn, Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự; Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng Trang bị, Vật tư, Học viện Quân y.

Trước đó, Thượng tá Hồ Anh Sơn và Đại tá Nguyễn Văn Hiệu bị bắt vì liên quan đến sai phạm trong vụ kit xét nghiệm COVID-19 của công ty Việt Á.

Thêm những cán bộ quân đội bị kỷ luật Đảng và vướng vòng lao lý là thêm những băn khoăn trong dư luận.

Kỷ luật nghiêm minh là sức mạnh của quân đội

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - Trưởng ban Liên lạc toàn quốc cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên, người từng có nhiều năm trận mạc từ kháng chiến chống Pháp đến chiến tranh biên giới phía Bắc không khỏi đau lòng trước việc một số cán bộ cấp cao trong quân đội suy thoái.

Theo ông, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống xã hội, Đảng, Nhà nước giao trọng trách cho Học viện Quân y tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 phục vụ công tác phòng chống dịch và việc mua sắm vật tư, kít xét nghiệm từ Công ty Việt Á.

Tuy nhiên, một số cán bộ được giao trọng trách đã mắc những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Các vi phạm này đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, gây bức xúc trong xã hội.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy. (ảnh: Vietnamnet)

“Đây là điều rất đau lòng. Tại sao lại có một số người thoái hóa biến chất, mất cả lương tâm như vậy. Đảng, Nhà nước tin tưởng giao cho họ thực hiện nhiệm vụ khoa học để góp phần khống chế, kiểm soát dịch bệnh, nhưng họ đang tâm làm những điều tai tiếng ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của tổ chức đảng và Học viện Quân y, làm thất thoát tài sản Nhà nước. Vì vậy phải nghiêm trị những đối tượng này, không thể để “con sâu làm rầu nồi canh”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy cho biết.

Nhắc lại bài học trong vụ án Trần Dụ Châu - nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu đã bị tuyên án tử hình vì biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nhấn mạnh quan điểm không nương nhẹ đối với mọi quân nhân nếu vi phạm kỷ luật quân đội hay vi phạm pháp luật Nhà nước. Bởi kỷ luật nghiêm minh là một trong những yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Và cũng chính sự nghiêm minh đó càng làm cho quân đội giữ được niềm tin yêu trọn vẹn của nhân dân.

Bài học đối với cơ quan quản lý cán bộ

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến một số cán bộ trong quân đội suy thoái, tham nhũng, ông Nguyễn Đức Huy cho biết, trước hết là do bản thân những cán bộ này thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện, không thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay "nhúng chàm". Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác không thể không nhắc đến đó là trách nhiệm kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở đảng nơi cán bộ công tác. Nếu Đảng bộ mạnh, có sức chiến đấu cao thì sẽ không để xảy ra tình trạng cán bộ mắc vi phạm, khuyết điểm như vậy.

“Tổ chức đảng, chính quyền ở đó đã buông lỏng quản lý, kiểm tra, giám sát hoặc có thể biết sai phạm nhưng không quyết liệt đấu tranh nên mới dẫn đến hậu quả như vậy. Trách nhiệm không chỉ riêng bản thân cán bộ mà còn cả cơ quan lãnh đạo đảng, chính quyền”.

Ông Nguyễn Đức Huy nói như vậy, đồng thời nhấn mạnh, khi cán bộ được giao nhiệm vụ cũng như nắm giữ quyền lực thì cấp ủy, tổ chức Đảng phải luôn theo dõi, bám sát những hành động, việc làm họ; khi phát hiện dấu hiệu vi phạm thì phải kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, tránh để vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn.

Trung tướng Khuất Duy Tiến - nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 cũng cho rằng, việc xử lý nghiêm minh, công khai các tướng lĩnh và nhiều cán bộ khác trong quân đội đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng trong xử lý vi phạm của cán bộ, đảng viên là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Người nào mắc vi phạm thì phải bị xử lý nghiêm khắc, giáo dục, răn đe đồng thời kiên quyết rà soát, sàng lọc, đưa những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất ra khỏi Đảng và bộ máy chính trị các cấp, góp phần làm cho tổ chức trong sạch, vững mạnh hơn.

Trung tướng Khuất Duy Tiến - nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3.

Nhắc lại việc kỷ luật 9 tướng Cảnh sát biển, Đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Hiến và một số lãnh đạo chủ chốt, Trung tướng Khuất Duy Tiến cho rằng, đây là bài học cảnh giác rất cao để các cơ quan quản lý cán bộ, cơ quan kiểm tra của quân đội phải làm nghiêm túc hơn.

“Qua những vụ việc này, cần phải rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc, từ đó chấn chỉnh kịp thời góp phần làm cho quân đội ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn, chất lượng cán bộ ngày càng cao hơn”- ông Khuất Duy Tiến nhấn mạnh.

Nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 cũng chỉ rõ, sau khi kỷ luật về Đảng, các cơ quan chức năng sẽ có các kỷ luật về chính quyền, kể cả hình sự tùy theo mức độ vi phạm của các cá nhân. Đồng thời kiên quyết thu hồi tài sản mà những cán bộ này đã làm thất thoát, hoặc tham ô, để không còn tình trạng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, đồng thời truy cơ quan, tổ chức nào đã tiến cử, bố trí sai cán bộ dẫn đến suy thoái để tiến hành kiểm điểm.

Rõ ràng, từ nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, nhiều cán bộ, đảng viên trong quân đội đã bị xử lý kỷ luật hoặc vướng vòng lao lý vì liên quan tới những sai phạm trong quản lý kinh tế, quản lý đất quốc phòng, trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Các vụ việc được xử lý nghiêm túc, chặt chẽ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đồng thời không bao che, bưng bít thông tin. Qua đó cho thấy Đảng ta đã rất quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không né tránh trước bất cứ sai phạm nào. Dù cán bộ đó là ai, là cán bộ cấp cao, hay tướng lĩnh quân đội thì khi mắc khuyết điểm đều bị kỷ luật nghiêm khắc, xử lý trách nhiệm đến nơi, đến chốn. /.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận