Đại tá Đinh Văn Nơi - Giám đốc Công an tỉnh An Giang gần đây được nhiều người nhắc đến, không chỉ liên quan vụ việc tội phạm bỏ tiền tỷ để "chạy điều chuyển" ông đi công tác ở địa phương khác mà vị Giám đốc này còn nổi tiếng ở việc công khai số điện thoại cá nhân làm "đường dây nóng".
Dẫu biết, lãnh đạo một địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, Giám đốc Công an tỉnh có rất nhiều việc phải giải quyết, song, vì sao ông Đinh Văn Nơi vẫn lắng nghe, trân trọng "tai - mắt" của dân?
Mỗi ngày ông Nơi nhận được hàng trăm tin nhắn, cú điện thoại. Tất cả cuộc gọi, tin nhắn của dân đều được xử lý. Hoặc đích thân giám đốc công an phản hồi, hoặc được lực lượng công an nhanh chóng xác minh. Đại tá Đinh Văn Nơi nói một câu chân thành: “Không gì có thể qua được tai mắt của người dân”. Và ông mong muốn số điện thoại của mình tiếp tục được bà con nhân dân ủng hộ.
Tin vào dân, dựa vào dân... bài học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, bao nhiêu năm nay vẫn luôn luôn đúng nhưng những trường hợp như Đại tá Đinh Văn Nơi chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, ở Việt Nam, giám sát của nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp và trong các đạo luật cụ thể. Tuy nhiên, trong thực tế, khi thực hiện quyền giám sát của nhân dân, có những lúc, những nơi chưa để tâm nhiều, đặc biệt là các cấp lãnh đạo.
Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, việc chính quyền, người đứng đầu chủ động, nghiêm túc lắng nghe ý kiến của người dân, phản hồi chân thành có ý nghĩa rất quan trọng. Thứ nhất có thể kịp thời chỉ đạo xử lý các vụ việc tiêu cực, thứ hai tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc người dân gặp phải, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Ngược lại, người dân phản ánh các vụ việc tiêu cực, lãnh đạo không để tâm, không chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết, những vụ việc tiêu cực sẽ tiếp tục kéo dài, đến khi cơ quan chức năng phát hiện có thể đã rất trầm trọng.
Theo nữ đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, qua giám sát của nhân dân đã phát hiện ra rất nhiều vấn đề nhưng thực tế công tác này vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn bởi chúng ta chưa có một cơ chế rõ ràng nên nhiều khi những giám sát của nhân dân không được tiếp nhận, không được quan tâm, trong khi cũng chưa có một chế tài để xử lý.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, cần phải có một cơ chế rõ ràng đề ràng buộc trách nhiệm cũng như xử lý đối với cá nhân, cơ quan liên quan trong việc tiếp nhận giám sát của nhân dân, đặc biệt là phản ánh về vi phạm, có vậy công tác này mới tiến triển theo chiều hướng tích cực. Do đó, cần thiết phải có một cơ chế hay chế tài đối với việc tiếp nhận giám sát của nhân dân, tạo cơ sở để người dân tin tưởng, chủ động hơn trong việc giám sát và đưa ra ý kiến.
Chế tài có ý nghĩa rất quan trọng, nó không chỉ ràng buộc trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc tiếp nhận, xử lý, quan tâm đến ý kiến giám sát của người dân mà nó cũng buộc các cơ quan liên quan, người đứng đầu phải tích cực hơn, trách nhiệm hơn. Ngược lại, người dân yên tâm khi phản ánh, kiến nghị của mình sẽ được tiếp nhận giải quyết. Việc có cơ chế hay chế tài tạo ra quan hệ hai chiều, đương nhiên việc tiếp nhận, xử lý cần thực sự nghiêm túc mới tạo được niềm tin của nhân dân. Tiếp nhận nhưng không xử lý, hay xử lý hời hợt, thì không hiệu quả.
Nêu dẫn chứng điển hình về giám sát của người dân đó là vụ việc nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh đi xe tư nhân nhưng được gắn biển xe công vụ và sau đó cơ quan chức năng vào cuộc xác minh đã phát hiện ra rất nhiều sai phạm nghiêm trọng của vị này từ những năm trước đó, ông Nguyễn Tử Tuấn, thành viên CLB Thăng Long (CLB cán bộ trung và cao cấp nghỉ hưu ở Hà Nội) cho rằng, những vụ như vậy làm sao qua mắt được dân. Tuy nhiên, để người dân có nhiều thông tin phản ánh đến cơ quan chức năng thì quan trọng là họ phải được tạo điều kiện để có thêm thông tin.
“Đảng viên còn khó tiếp cận thông tin huống hồ là người dân. Để phát huy “tai mắt” của nhân dân, tôi cho rằng, cần phải có cơ chế định kỳ cung cấp thông tin cho người dân. Như vấn đề bổ nhiệm cán bộ, cần quy định cụ thể hơn nữa để người dân biết và tham gia giám sát. Ví như ở nhiệm kỳ này, dự kiến sẽ đưa những cán bộ nào lên để người dân biết mà giám sát, ai đủ điều kiện, ai không. Có thể ở cơ quan, tổ chức anh được chi bộ các cấp đánh giá tốt, nhưng những khuất tất, sai phạm cũng sẽ khó qua được sự giám sát của nhân dân. Kết quả này sẽ được người dân góp ý cho Đảng”.
Ông Tuấn cũng cho rằng, cần nghiêm túc xem xét vấn đề này, bởi nếu không, việc kêu gọi, khuyến khích người dân tham gia giám sát chỉ là hô hào chứ không có tổ chức, quy định rõ ràng cụ thể, giám sát ai, tiếp nhận xử lý kết quả giám sát thế nào. Vai trò giám sát của nhân dân sẽ không hiệu quả.
Thực tế có nhiều vụ việc tiêu cực do không kịp thời phát hiện nên đã phải trả giá rất đắt, không chỉ gây tổn thất rất lớn về kinh tế xã hội mà về cả chính trị. Người đứng đầu lắng nghe phản ánh của nhân dân sẽ ngăn chặn được nhiều vụ việc tiêu cực, ngăn chặn ngay từ đầu không để sai phạm trầm trọng thêm.
Muốn vậy, không có cách nào khác là lãnh đạo, các cấp chính quyền phải sâu sát với nhân dân. Sâu sát ở đây là ngoài lãnh đạo, chỉ đạo quan điểm, đường lối, điều quan trọng là phải nắm chắc nguyện vọng của nhân dân, những khó khăn, vướng mắc của họ, bởi những nguyện vọng, khó khăn ấy đều xuất phát từ thực tế cuộc sống, chứ không chỉ lãnh đạo, chỉ đạo chung chung trên giấy tờ. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương có đặc điểm khác nhau nên những khó khăn, vướng mắc của người dân sẽ không giống nhau, khi đã nắm được vướng mắc, nguyện vọng của người dân thì chỉ đạo cũng sẽ hiệu quả hơn./.
Theo VOV.VN