Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình phải chăm lo toàn diện hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; phát huy đoàn kết nội bộ, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhân dân.
Sáng nay (22/3), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn công tác của Trung ương đã về thăm, làm việc với tập thể lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hòa Bình về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại, công tác xây dựng Đảng.
Cùng đi với Tổng Bí thư có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng.
Báo cáo Tổng Bí thư và đoàn công tác về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay và mục tiêu nhiệm vụ năm 2022, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Văn Tuấn cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, làm tốt công tác dự báo tình hình, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhằm thực hiện "mục tiêu kép" vừa tập trung phòng, chống dịch Covid-19, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân vừa chăm lo phát triển kinh tế, xã hội; huy động sức người, sức của ủng hộ các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hiện hiệu quả, có nhiều đổi mới, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị; tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tỉnh đã chủ động, sớm ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII cùng nhiều Chương trình hành động, Kế hoạch, Nghị quyết chuyên đề cụ thể, rất thiết thực, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, ưu tiên. Năm ngoái, tỉnh Hòa Bình có 16/21 chỉ tiêu về kinh tế ước đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Tăng trưởng kinh tế ước đạt 2,66%; GRDP bình quân đầu người đạt 61,1 triệu đồng; tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 5.615 tỷ đồng, còn trong quý 1 năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của địa phương ước đạt 3,04%. Ba tháng đầu năm có 130 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 3.300 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp cấp mới bằng 100%, số vốn đăng ký tăng 2,5%)…
Kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng lại có dịp về thăm và làm việc với tỉnh, đánh giá cao địa phương đã có nhiều đổi thay, phát triển hết sức sôi động. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương, đánh giá cao những thành tích của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã đạt được trong thời gian qua. Nổi bật là sớm ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII cùng nhiều Chương trình hành động, Kế hoạch, Nghị quyết chuyên đề cụ thể, rất thiết thực, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, ưu tiên. Cùng với đó, Hòa Bình đã tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
“Cùng với cả nước, Hòa Bình đã thực hiện rất tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, có nhiều giải pháp phòng, chống dịch linh hoạt, phù hợp từng giai đoạn trên từng địa bàn; đã phát huy tốt vai trò của các tổ Covid cộng đồng, huy động trên 11.000 người tham gia; không để lây lan trên diện rộng. Tỉnh đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái, cử gần 600 nhân viên y tế, bác sĩ và hỗ trợ kinh phí, vật chất giúp đỡ, sẻ chia với một số tỉnh bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch. Đây là kết quả đáng khích lệ, tỉnh cần phát huy hơn nữa trong thời gian tới”, Tổng Bí thư chỉ rõ.
Tuy nhiên, để kịp thời khắc phục những tồn tại hạn chế mà báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã thẳng thắn chỉ ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, lãnh đạo tỉnh Hoà Bình tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phân tích rõ nguyên nhân của những hạn chế, đề ra các giải pháp để khắc phục trong thời gian tới. Nêu rõ, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; bên cạnh những thuận lợi, dự báo sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình dịch Covid-19 có thể còn phức tạp, kéo dài, nguy hiểm hơn với biến thể mới có tốc độ lây lan nhanh hơn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, Hòa Bình cần sớm nghiên cứu và cụ thể hoá các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 11 ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của tỉnh. Trong đó công việc quan trọng hàng đầu hiện nay của địa phương là phải tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, quyết tâm giữ vững thành tích chống dịch của tỉnh trong thời gian qua.
Tổng Bí thư yêu cầu tỉnh Hòa Bình chăm lo toàn diện hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phát huy đoàn kết nội bộ, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhân dân. Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII, Kế hoạch số 03-KH/TW của Bộ Chính trị thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm gắn với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Để phát huy hơn nữa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hòa Bình cũng cần tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các doanh nghiệp để huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, cân đối, hài hoà giữa các địa phương, giữa khu vực đô thị và nông thôn; phát triển công nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và đô thị. Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan nông thôn.
Tổng Bí thư lưu ý tỉnh Hòa Bình cần chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, làm cho giá trị của các di sản văn hoá thấm sâu, lan toả trong đời sống xã hội nhằm giáo dục lịch sử, truyền thống văn hoá tốt đẹp của các dân tộc; đồng thời mở rộng giao lưu văn hoá hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng nhân cách con người Hoà Bình phát triển toàn diện. Khai thác, phát huy có hiệu quả di sản văn hoá các dân tộc tỉnh Hoà Bình gắn với phát triển du lịch, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với sự phát triển kinh tế cũng cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc trên địa bàn, các biện pháp giảm nghèo bền vững, bảo đảm công bằng xã hội; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị, Hòa Bình tiếp tục thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội; tăng cường đấu tranh và tổ chức thực hiện có hiệu quả các đợt tấn công trấn áp tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma tuý; quan tâm giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo và giải quyết tranh chấp đất đai, không để phát sinh khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện đông người, vượt cấp, hình thành các điểm nóng.
Trước đó, đầu giờ sáng nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và tặng quà, động viên cán bộ, công nhân lao động Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Nhật Bản đang hoạt động hiệu quả tại KCN bờ trái Sông Đà - Thành phố Hòa Bình./.