Tỷ lệ tử vong thấp, mở cửa để phục hồi kinh tế, tiến tới coi Covid-19 là bệnh đặc hữu - những thông tin lạc quan đó chỉ có thể có được dựa trên một cơ sở vững chắc: tỷ lệ bao phủ vaccine ở Việt Nam về đích sớm hơn khuyến cáo của WHO.
Giữa tháng 3 này, tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Việt Nam ghi nhận ở mức thấp nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện tại Việt Nam ngày 23/1/2020. Nếu như năm 2021, tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Việt Nam là 1,94%/tổng số ca mắc thì sang năm 2022, tính trong 10 tuần đầu năm, tỉ lệ tử vong chung là 0,36% và tuần gần nhất đang ở mức 0,07%/số ca mắc theo tuần. Hiện, số người tử vong do Covid-19 mỗi ngày ở Việt Nam duy trì ở mức dưới 3 con số.
Tỷ lệ tử vong thấp, mở cửa để phục hồi kinh tế, tiến tới coi Covid-19 là bệnh đặc hữu - những thông tin lạc quan đó chỉ có thể có được dựa trên một cơ sở vững chắc: tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 của Việt Nam về đích sớm hơn so với mục tiêu khuyến cáo của WHO. Nhiều nhà ngoại giao sinh sống tại Việt Nam đã phải thốt lên rằng: “Thật may mắn và hạnh phúc khi chứng kiến thời khắc lịch sử này”.
Dù là nước tiếp cận vaccine chậm hơn nhiều nước khác trên thế giới nhưng cho đến nay, 98% người trưởng thành Việt Nam đã được tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19. Hơn 200 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 đã được tiêm miễn phí cho người dân. Việt Nam đang thần tốc hoàn thành tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người trên 18 tuổi và việc tiêm mũi thứ 2 cho người từ 12-17 tuổi trong tháng 3; chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi, nghiên cứu tiêm mũi thứ 4 và tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.
Những con số trên chỉ thật sự ấn tượng khi 40% phần còn lại của thế giới vẫn chưa biết đến vaccine. Theo một bài viết trên BBC hồi giữa tháng 2, 40% dân số thế giới vẫn chưa được tiêm dù chỉ một mũi. Nguyên nhân là sự bất bình đẳng giữa nước giàu và nước nghèo trong khả năng tiếp cận vaccine. Dù vấn đề này được đặt ra đã lâu, nó vẫn chưa được giải quyết.
Không được tiếp cận vaccine do bất bình đẳng đã đành, ngay cả các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầy đủ điều kiện để bao phủ vaccine nhưng họ lại “chưa cảm thấy việc tiêm vaccine là cấp bách”. Bởi vậy, khi phần lớn thế giới chuyển sang giai đoạn sống chung với Covid-19, đẩy mạnh điều trị F0 tại nhà thì vẫn có những nơi rơi vào cuộc khủng hoảng y tế trầm trọng.
Với Việt Nam, ngay từ đầu, Chính phủ đã xác định phải bao phủ vaccine nhanh nhất và dứt khoát phải tiêm miễn phí cho người dân. Cả hệ thống chính trị được huy động cho mục tiêu tối thượng này: Đẩy mạnh ngoại giao vaccine, thành lập Quỹ vaccine phòng chống COVID-19; xúc tiến nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Nhưng trên hết là sự đồng lòng, hợp tác của người dân trong việc bao phủ vaccine, giống như cách mà họ đã sát cánh cùng chính phủ khi dịch bùng phát ở giai đoạn đầu.
Quốc gia với gần 100 triệu dân, diện tích đa phần là đồi núi, gần 70% dân số sống ở nông thôn. Bao phủ vaccine cho phần lớn dân số trong điều kiện như vậy không phải là chuyện đơn giản, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt, hệ thống y tế cơ sở còn nhiều thiếu thốn.
“Với những nỗ lực kiểm soát đại dịch rất thành công trong hai năm qua, Việt Nam đã trở thành một tiêu chuẩn trên thế giới, đạt tỉ lệ tiêm chủng thuộc nhóm cao nhất toàn cầu để bảo vệ người dân, bao gồm cả những người dân nghèo nhất, những người dễ bị tổn thương nhất”, bà Rana Flowers - quyền Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã nói như vậy trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 14/3 vừa qua.
Bảo vệ người dân, bao gồm cả những người nghèo nhất, dễ bị tổn thương nhất bằng cách giúp họ tiếp cận vaccine. Sự ghi nhận của bạn bè quốc tế thật đáng trân trọng. Nó cũng là câu trả lời cho những ai từng chỉ trích Việt Nam rằng “vaccine chỉ dành cho người giàu”.
Năm 2022, cùng với việc tiếp tục bao phủ vaccine, Việt Nam phấn đấu sẽ chiến thắng dịch bệnh, từng bước "bình thường hóa" với dịch Covid-19, thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững./.
Quốc Phong/VOV.VN