Sáng nay 16/3, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Phiên họp thứ 9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong đó nổi lên là nguồn cung và giá xăng dầu trong nước.
Là người đầu tiên nêu câu hỏi, Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho rằng, tình hình dịch còn phức tạp và khó dự báo, xung đột Nga - Ukraine tác động đến việc tăng giá xăng dầu, kéo theo các mặt hàng tăng giá, gây nhiều khó khăn thì Bộ Công Thương có giải pháp nào về trước mắt và lâu dài để xử lý vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, giá xăng dầu thế giới vừa qua tăng đột biến vì nhiều lý do, trong đó có tác động từ xung đột Nga - Ukraine làm thị trường đảo lộn. Trong nước, nguồn cung gặp khó khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm nguồn cung đột ngột, từ 100% xuống có lúc chỉ 55% trong khi nguồn từ nhà máy này bình thường cung ứng tới 35-40% sản lượng mỗi tháng.
Trước tình hình đó, ngay từ đầu tháng 1, Bộ Công Thương đã chủ động tham mưu Chính phủ nhiều giải pháp cũng như trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu xăng dầu đảm bảo đủ sản lượng.
“Số liệu cho thấy nguồn cung trong nước đủ đáp ứng đến hết tháng 3. Bộ tiếp tục chỉ đạo doanh nghiệp có kế hoạch nhập khẩu tháng 3 vượt sản lượng bình thường (từ 1 triệu khối trở lên). Nguồn cung không lúc nào thiếu” - ông Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Về giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, dù giá thế giới có biên độ tăng rất cao, từ 40-60%, song biên độ tăng trong nước chỉ 29-40% nhờ có sự điều hành linh hoạt, nhất là việc sử dụng quỹ bình ổn giá. Các bộ liên quan cũng đề xuất Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét giảm thuế môi trường để tiếp tục góp phần giảm giá xăng dầu.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Diên, sắp tới quỹ bình ổn không còn trong khi giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng thì cũng cần nghiên cứu các chính sách khác, nhất là công cụ thuế, phí để giữ nền kinh tề và đối tượng dễ bị tổn thương không khó khăn thêm.
Trước câu hỏi tranh luận của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) về vai trò của các nhà máy lọc dầu thế nào trong việc bình ổn nguồn cung để chủ động hơn nguồn cung cấp ra thị trường trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng “đây chính là ẩn số để giải phương trình nguồn cung xăng dầu trong nước”.
“Trước đây chúng ta từng không có nhà máy lọc dầu nhưng vẫn không thiếu xăng dầu. Có nhà máy lọc dầu mà không áp dụng các chính sách cần thiết thì cũng không có giá tăng chênh lệch quá xa so với thế giới như vừa qua” - ông Nguyễn Hồng Diên nói.
Hiện Nhà máy Bình Sơn hoạt động tương đối ổn định nhưng công suất chỉ chiếm 30- 35% nguồn cung ứng. Trong khi đó Nhà máy lọc dầu Nghi sơn là liên doanh và hoạt động không hiệu quả, với khó khăn nội tại chủ yếu là vấn đề tài chính và hiện các bên liên doanh đang được yêu cầu thực hiện đúng cam kết cung ứng xăng dầu.
“Chỉ khi nào có cam kết chắc chắn trước Bộ Công Thương rằng nguồn ở Nhà máy Nghi Sơn ra thị trường đảm bảo thì chúng tôi mới cho dừng nhập khẩu xăng dầu. Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan liên quan xử lý cho triệt để” - Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh, đồng thời cho biết, cơ quan của Quốc hội đang tiến hành giám sát nên thực chất vấn đề nội tại của Nhà máy Nghi Sơn là gì sẽ được làm rõ thời gian tới.
Cũng nêu vấn đề tranh luận, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) nói: “Hiện tượng găm hàng xăng dầu chờ tăng giá khiến dư luận bức xúc. Các đại lý nhỏ lẻ nói không có hàng để bán, đại lý phía trên không đưa xuống thì có hiện tượng “găm hàng” từ trên hay không?”.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, qua thanh tra 16.800/17.000 cửa hàng bán lẻ thì có 211 cửa hàng có hiện tượng đóng cửa. Trong đó phần lớn do sự cố kỹ thuật, có nơi găm hàng chờ tăng giá. Còn nơi nói không có hàng vì họ nhập nguồn từ Nhà máy Nghi Sơn nên khi nhà máy đột ngột giảm nguồn cung thì không dễ đi nhận hàng đầu mối khác, nhưng số lượng này không nhiều. Tuy nhiên Bộ Công Thương đã chỉ đạo kịp thời chia sẻ nguồn cung từ hàng nhập khẩu và nguồn từ Nhà máy Bình Sơn nên chỉ sau một vài ngày đã khắc phục được.
“Lực lượng chức năng đang tiến hành thanh tra đồng bộ 33 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu xăng dầu. Nếu phát hiện doanh nghiệp đầu mối không thực hiện đúng chức năng thì dứt khoát xử lý nghiêm, thậm chí đình chỉ kinh doanh và rút giấy phép. Không có hiện tượng bao che, không cho qua chuyện” - Bộ trưởng Bộ Công Thương bày tỏ cương quyết.
Theo Ngọc Thành/VOV.VN