'Giảm cán bộ khi sắp xếp đơn vị hành chính là bài toán hóc búa'

Muốn sắp xếp đơn vị hành chính phải có cán bộ đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu, như một người có thể làm việc của 3 người gộp lại.

 

Trong 3 năm, từ 2019- 2021, cả nước đã thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1056 đơn vị hành chính cấp xã, giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã, giảm được hơn 10.000 cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng.

Sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, bên cạnh rất nhiều thuận lợi thì cũng còn không ít những vướng mắc cần phải giải quyết trong thời gian tới.

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về nội dung này.

PV: Ông đánh giá như thế nào về kết quả trong 3 năm thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021?

Ông Ngô Sách Thực: Kết quả trong sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện vừa qua đã thể hiện chủ trương đề ra là rất đúng đắn. Quá trình tổ chức thực hiện giúp chúng ta có được những kinh nghiệm bước đầu rất quan trọng, nhất là việc thống nhất chỉ đạo. Đây là việc rất khó, thường tách ra sẽ dễ hơn sáp nhập vào, vì đây thực chất là giảm đầu mối các đơn vị hành chính. Do đó, chỉ đạo phải thống nhất.

Chúng tôi thấy có chỉ đạo từ Bộ Chính trị, từ các cấp ủy đến Nghị quyết Quốc hội và triển khai của các cấp, cách thức tổ chức triển khai làm sao có được sự đồng thuận của người dân, các đề án cụ thể, thực hiện dân chủ.

Trong quá trình thực hiện có vướng mắc thì phải được giải đáp kịp thời, có những nội dung phải lấy ý kiến của người dân trước khi tổ chức triển khai thực hiện.

Kết quả như vậy khá tốt, thể hiện việc chỉ đạo, quyết tâm chính trị, khâu tổ chức thực hiện để làm sao tất cả những vướng mắc trong thực tế đặt ra đều được giải quyết, đáp ứng.

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.PV: Theo ông, những kết quả trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã mang lại hiệu quả như thế nào trong công tác quản lý Nhà nước?

Ông Ngô Sách Thực: Trước hết, yêu cầu đặt ra là đội ngũ cán bộ của bộ máy mới phải tiếp cận được công việc và những cán bộ này phải thể hiện khả năng của mình để làm sao đáp ứng được yêu cầu.

Hiện nay chúng ta ứng dụng rất nhiều về khoa học công nghệ trong quản lý Nhà nước, đưa các dịch vụ gần với người dân hơn. Nếu bộ máy mới tiếp cận và gắn những ứng dụng vào các nội dung chỉ đạo sẽ tạo ra đột phá trong quá trình phát triển. Nếu không tận dụng được các cơ hội này thì nó cũng sẽ là thách thức rất lớn, chứng minh hiệu quả của việc sắp xếp lại.

PV: Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là việc không dễ dàng, bởi trực tiếp tác động đến từng cá nhân cụ thể, thưa ông?

Ông Ngô Sách Thực: Việc này tác động đến tâm tư tình cảm, đến cán bộ, đảng viên, người dân và nhiều vấn đề đặt ra. Ví dụ như tên đơn vị hành chính cũ có sử dụng nữa hay không, liên quan đến yếu tố lịch sử, văn hóa. Rồi chế độ chính sách, có xã nông thôn mới, có xã lại chưa đạt nông thôn mới, nơi có chế độ của xã khó khăn... vậy khi nhập vào sẽ như thế nào?

Chúng tôi thấy 2 nội dung rất quan trọng nếu tập trung giải quyết thì sẽ đạt được kết quả. Thứ nhất, làm sao chứng minh được khi sắp xếp lại các xã phải phát triển hơn. Thường những nội dung chứng minh phát triển khi nêu ra rất đúng, nhưng quá trình thực hiện để làm sao người dân tin thì cần một quá trình chuẩn bị kỹ, cũng như có đề án cụ thể, chi tiết.

Thứ hai, khi sáp nhập lại thì sẽ có bộ phận cán bộ dôi dư, điều này tác động đến tâm tư tình cảm của không ít người. Do đó, công tác cán bộ là khâu rất quan trọng, cần quan tâm giải quyết.

PV: Một loạt những khó khăn và tâm tư khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã đặt ra như sắp xếp số cán bộ dôi dư như thế nào và liệu có tình trạng chạy chọt để giữ ghế hay không? Công tác quản lý Nhà nước bị ảnh hưởng như thế nào khi các huyện, các xã sau sáp nhập ở địa bàn quá rộng, giao thông đi lại khó khăn? Từ quá trình phối hợp của Mặt trận cùng với Đoàn giám sát thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo ông, những khó khăn và tâm tư lo ngại vừa nêu có là vấn đề đáng lưu tâm trong thực tiễn triển khai?

Ông Ngô Sách Thực: Vấn đề đi lại, giao thông là khó khăn trước mắt, dần dần ta sẽ khắc phục được trong quá trình phát triển.

Vấn đề quan tâm nhất liên quan đến đội ngũ cán bộ. Tôi thấy đội ngũ cán bộ ở cơ sở hiện nay phải được đặc biệt quan tâm vì đây là khâu đột phá để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng ở cơ sở. Cho nên chiến lược có lẽ vẫn phải nghiên cứu nội dung này. Về lâu dài, rõ ràng đội ngũ cán bộ ở cơ sở phải được đào tạo cơ bản, những chức danh làm sao phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của chính quyền cơ sở.

Còn những biểu hiện tiêu cực ở nơi này, nơi khác cũng rất dễ xảy ra. Trong quá trình theo dõi các địa phương, chúng tôi thấy việc này phải làm rất kỹ và có đề án, công khai tiêu chuẩn. Vì đào tạo đối với cán bộ cơ sở rất khác nhau, cho nên việc công khai tiêu chuẩn và chủ trương phải rất rõ.

PV: Trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã giảm được cả 8.450 trong tổng số 14.200 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, giảm chi phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố khoảng 876 tỷ đồng. Từ ý kiến của Mặt trận Tổ quốc các địa phương, ông có thể cho biết việc giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách có tác động gì đến chất lượng hoạt động ở cơ sở?

Ông Ngô Sách Thực: Trước hết, chúng tôi thấy giảm số lượng cũng sẽ có tác động nhất định. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra là xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ thông qua Mặt trận, các đoàn thể. Như vậy, xây dựng cán bộ trong hệ thống chính trị là một chủ trương thống nhất không thể tách rời, chứ không thể xây dựng cán bộ của mình khối chính quyền hay cán bộ khối Đảng. Song việc giảm cán bộ sau khi sắp xếp là yêu cầu chung và đây là bài toán hóc búa.

Bây giờ muốn sắp xếp thì phải có cán bộ đủ khả năng đáp ứng được những vấn đề đặt ra. Ví dụ, một người có thể làm việc của 3 người gộp lại, vì vậy chế độ, thù lao cho cán bộ phải rõ.

Đội ngũ cán bộ cơ sở sau này không còn đông mà phải tinh và phát triển lên phải có lực lượng cộng tác viên. Nhiều nơi, những cộng tác viên này không phải làm những việc công mà có thể làm những dịch vụ công. Đối với những người này, nhu cầu thu nhập không cần lớn mà họ chỉ muốn làm tình nguyện viên cho xã hội để làm sao xã hội tốt hơn. Những việc liên quan đến chức năng công quyền quản lý thì phải do cán bộ làm, nhưng dịch vụ công thì tình nguyện viên có thể làm.

Ở cộng đồng dân cư, đặc biệt là ở mô hình tự quản, các tình nguyện viên giúp làm dịch vụ công sẽ rất tốt, kết hợp với Chính phủ điện tử thì sẽ giải quyết được.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Theo Lại Hoa/VOV1

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận