Ngày 10/2 vừa qua, Bộ Ngoại giao Canada và Vương quốc Anh đã trao “Giải thưởng Tự do Báo chí Canada - Vương quốc Anh năm 2022” cho Phạm Thị Đoan Trang - người bị kết án 9 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Lý do mà hai nước trên đưa ra là “để ghi nhận những đóng góp của bà Trang cho việc “thúc đẩy tự do báo chí tại Việt Nam”. Trước đó, nhân vật này cũng được “xướng tên” nhận giải thưởng nhân quyền Martin Ennals ngày 19/1/2022, tại Genève, Thụy Sĩ.
Nêu quan điểm của Việt Nam về những động thái trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng: Việc trao giải thưởng cho một cá nhân vi phạm pháp luật Việt Nam là một hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước.
Đặc biệt, sau khi bị TAND Thành phố Hà Nội kết tội Phạm Thị Đoan Trang vào tháng 12/2021, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price ra “tuyên bố báo chí”, lên án và kêu gọi trả tự do cho Phạm Thị Đoan Trang.
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, ông Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh văn phòng thường trực Nhân quyền của Chính phủ khẳng định: Phạm Thị Đoan Trang bị bắt giữ và xét xử do có những hành động vi phạm pháp luật nhiều lần, nghiêm trọng. Hành vi của Phạm Thị Đoan Trang là nguy hiểm cho xã hội.
Thưa ông, vi sao Phạm Thị Đoan Trang bị bắt và bị kết tội 9 năm tù giam?
Phạm Thị Đoan Trang là một người được đào tạo cơ bản, được học hành đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, rất tiếc là Phạm Thị Đoan Trang đã không sử dụng những kiến thức của mình để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Sau thời gian học ở nước ngoài về, Phạm Thị Đoan Trang đã trở thành thành viên của tổ chức VOICE (một tổ chức phản động lưu vong) và cũng là người đứng đầu của cái gọi là “Nhà xuất bản tự do”. Trang được giao phụ trách nhân sự, duyệt người trước khi đưa ra nước ngoài huấn luyện, đào tạo cách thức trở về hoạt động chống chính quyền nhân dân. Ngày 14/12/2021, TAND Thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Phạm Thị Đoan Trang về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Cáo trạng đã khẳng định rằng, Phạm Thị Đoan Trang phải chịu trách nhiệm hình sự vì nhiều lần thực hiện hành vi làm, tàng trữ, lưu hành và tán phát các tài liệu, vật phẩm có nội dung chống phá Nhà nước CNXHCN Việt Nam. Căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Phạm Thị Đoan Trang 9 năm tù.
Thưa ông, việc trao giải thưởng về nhân quyền, về tự do báo chí cho Phạm Thị Đoan Trang - một tù nhân đang thụ án tại Việt Nam nhằm mục đích gì?
Sự việc trên cho thấy, các nước này tiếp tục quan tâm và gây sức ép đối với Việt Nam về các vấn đề dân chủ, nhân quyền. Bên cạnh đó, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam đã triệt để lợi dụng việc Việt Nam xử lý số đối tượng chống đối trong thời gian qua, trong đó có Phạm Thị Đoan Trang để xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền. Cũng qua sự việc này, họ có ý đồ kích động số chống đối, phản động trong và ngoài nước, tạo cớ cho một số tổ chức, cá nhân có hoạt động chống phá Việt Nam trong thời gian tới. Đây có thể coi là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Mỗi đất nước có quyền lựa chọn con đường riêng của mình, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của các quốc gia đó. Vì vậy, việc các tổ chức, cá nhân xuyên tạc, vu cáo vấn đề dân chủ, nhân quyền của quốc gia khác là xâm phạm vào công việc nội bộ của quốc gia đó. Điều này không thể chấp nhận được đối với một quốc gia có chủ quyền như Việt Nam. Việc ủng hộ, dung túng, cổ vũ cho hành vi chống đối của những đối tượng vi phạm pháp luật, bị đưa ra xét xử của một quốc gia có độc lập, có chủ quyền là một điều cần phải lên án.
Chúng ta thấy rất rõ rằng, Đảng và Nhà nước ta hoan nghênh và bảo đảm quyền tự do, dân chủ, trong đó có tự do ngôn luận, tự do báo chí. Tuy nhiên, mỗi công dân khi thực thi quyền này phải nằm trong khuôn khổ pháp luật. Bất kỳ hành vi nào lợi dụng quyền tự do của bản thân mình để xâm phạm lợi ích Nhà nước, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đều chịu xử lý của pháp luật và trật tự, kỷ cương chỉ có thể được giữ vững khi pháp luật được thượng tôn. Đó là cơ sở cho sự phát triển ổn định của đất nước, là tiền đề quan trọng để thúc đẩy, bảo đảm và phát huy các giá trị về quyền con người ở Việt Nam.
Không chỉ trao giải thưởng về nhân quyền cho Phạm Thị Đoan Trang và một số đối tượng chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam, mà các tổ chức này còn yêu cầu chúng ta phải xem xét lại bản án. Họ cho rằng, việc xét xử đó là “áp đặt”. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
Tất cả các hoạt động trên đất nước Việt Nam đều phải thượng tôn pháp luật. Trong thời gian qua, chúng ta xử lý không chỉ Phạm Thị Đoan Trang mà còn nhiều đối tượng khác dựa trên những căn cứ cụ thể của từng bộ luật, trong đó có Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự. Trong quá trình bắt giữ, xử lý các đối tượng, cơ quan điều tra, VKSND, TAND đều căn cứ vào những quy định của pháp luật để xử lý, đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không làm oan sai. Vì vậy, có thể nói, bản án dành cho Phạm Thị Đoan Trang cũng như các đối tượng chống đối khác trong thời gian qua là hoàn toàn đúng quy định, phù hợp với luật pháp quốc tế. Những luận điệu xuyên tạc rằng, Việt Nam xử lý các đối tượng trên bằng “bản án mơ hồ” “theo ý chí chủ quan”, “áp đặt”, “đàn áp những người bất đồng chính kiến” là hoàn toàn vô căn cứ. Trong thời gian tới, một mặt, chúng ta vừa tiếp tục hoàn thiện thể chế nhưng cũng đồng thời phải tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, tiếp tục đưa ra xét xử những người vi phạm pháp luật trên cơ sở đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.
Chúng ta vẫn thường nghe họ gọi những đối tượng trên là “tù nhân lương tâm”, “bất đồng chính kiến”… Đến giờ phút này, tôi phải khẳng định rằng, ở Việt Nam không có “tù nhân lương tâm”. Ở Việt Nam chỉ xử lý những người có hành vi vi phạm pháp. Họ dùng những mỹ từ như thế để xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, làm cho những người thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu hiểu biết về đường lối, chính sách của Nhà nước Việt Nam ngộ nhận rằng, Việt Nam thiếu thiện chí, Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền để rồi giúp sức hoặc có những hành động chống phá Nhà nước Việt Nam. Đây là những hành động trái pháp luật, không thể chấp nhận, xâm phạm công việc nội bộ của Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn ông!./.
Theo VOV.VN
Phạm Thị Đoan Trang (SN 1978, trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội) từng làm phóng viên của một số tờ báo, kênh truyền hình. Năm 2013, Trang xuất cảnh, sau đó bị các đối tượng phản động lôi kéo vào đường dây chống phá Đảng, Nhà nước.
Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ ngày 16/11/2017 đến ngày 5/12/2018, Phạm Thị Đoan Trang có hành vi làm, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống Nhà nước. Ngoài ra, bị cáo còn trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài với nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân.
Đoan Trang cũng lập và điều hành các trang mạng “Luật khoa tạp chí”, “Phamdoantrang.com”, “The Vietnamese”, viết, tán phát nhiều bài viết, cuốn sách có nội dung tuyên truyền xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kích động lật đổ chế độ.
|