'Luật quy định 1, Nghị định thành 2, Pháp lệnh lên 3 thì áp dụng luật thế nào?'

Các ý kiến thống nhất sự cần thiết ban hành Pháp lệnh để thực hiện quy định tại khoản 5 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma tuý.

 

Đại biểu nêu vấn đề này tại phiên họp toàn thể lần thứ tư của Ủy ban Tư pháp thẩm tra bước đầu Dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Hoàng Văn Liên - phụ trách nhóm nghiên cứu cho biết, một trong những nội dung còn có ý kiến khác nhau là về điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian còn lại đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Theo đó, có ý kiến cho rằng nội ung trên được quy định tại Điều 57 và Điều 58 của Nghị định số 116 nên dự thảo Pháp lệnh chỉ cần dẫn chiếu áp dụng, không cần quy định lại vấn đề này.

Cũng có ý kiến đề nghị không quy định trong dự thảo vì Điều 34 của Luật Phòng, chống ma tuý đã giao cho Chính phủ quy định chi tiết vấn đề trên và Chính phủ theo thẩm quyền đã ban hành Nghị định 116 nên dự thảo lần này chỉ quy định về trình tự, thủ tục toà án xem xét, quyết định, chứ không quy định lại nội dung đã được quy định tại Nghị định số 116.

Loại ý kiến khác lại cho rằng nội dung trên liên quan đến quyền con người nên cần được quy định bằng luật. Pháp lệnh không dẫn chiếu áp dụng quy định tại văn bản có hiệu lực thấp hơn. Nghị định 116 quy định cho tất cả đối tượng trên 18 tuổi, chưa phù hợp với người dưới 18 tuổi.

Phiên họp toàn thể lần thứ tư của Ủy ban Tư pháp.“Do đó, nội dung trên cần được quy định trong dự thảo pháp lệnh này để đảm bảo áp dụng kịp thời, thống nhất trong thực tiễn. Pháp lệnh cũng cần quy định cơ chế kiểm soát, bảo đảm quyền và lợi ích của người bị đề nghị. Đa số tán thành với loại ý kiến này” – ông Hoàng Văn Liên cho biết.

Phát biểu tại phiên họp, bà Nguyễn Thị Xuân – Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh bày tỏ băn khoăn và đề nghị ban soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi lẽ, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu không quy định lại các nội dung đã được quy định và trên thực tế Chính phủ đã bàn hành Nghị định 116 bao quát cả những vấn đề nêu trên theo trách nhiệm tại Điều 34 của Luật Phòng, chống ma tuý.

Trong khi đó, bà Trần Thị Thanh Lam – Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội cho biết đã đọc kỹ Nghị định 116 của Chính phủ và thấy rằng quy định chưa phù hợp với nhóm dưới 18 tuổi trong khi “số người nhiện bây giờ độ tuổi trẻ quá”

“Nếu Pháp lệnh để trống ở phần này thì nhóm trẻ này không có điều kiện để có cơ hội giảm thời gian, sớm hoà nhập cộng đồng như là một trong các mục đích chính sách đặt ra. Tại sao người trên 18 tuổi được giảm mà dưới 18 tuổi chưa được quyền này?” – nữ đại biểu đặt vấn đề và nêu quan điểm nếu không có giải pháp rõ ràng ngay trong Pháp lệnh sẽ dẫn đến khó thực thi.

Ở góc độ khác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Cường lưu ý vấn đề không phải không được dẫn chiếu quy định ở văn bản thấp hơn vì thực tế luật còn dẫn chiếu quy định của Chính phủ, tức văn bản đã có. Vấn đề ở đây là Nghị định 116 “còn có vấn đề”.

Theo ông Cường, Nghị định 116 quy định cả hoãn, miễn, giảm xuất phát từ Luật Xử lý vi phạm hành chính, còn Luật Phòng, chống ma tuý không quy định miễn, hoãn, giảm, trừ trường hợp bị phạt tù.

“Luật quy định 1, Nghị định mở rộng thành 2, Pháp lệnh mở thêm thành 3. Ba văn bản quy định khác nhau thì việc ban hành Pháp lệnh trong bối cảnh này thì không biết áp dụng pháp luật thế nào trong miễn, hoãn, giảm. Cần kiến nghị xử lý cụ thể, để hệ thống pháp luật thống nhất” – ông Nguyễn Văn Cường nói và nhấn mạnh không thể nào Pháp lệnh và Nghị định đều quy định mà lại khác nhau.

Trước quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Văn Hồi khẳng định Nghị định 116 được ban hành theo đúng trình tự, thủ tục quy định; đảm bảo về thời gian theo yêu cầu để thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng, chống ma tuý.

Do dó, theo ông vấn đề bây giờ ban hành Pháp lệnh có tính hài hoà, tránh chồng chéo và có thể quy định mang tính nguyên tắc rồi giao Chính phủ hướng dẫn. Còn về lâu dài cần tích hợp để quy định đồng bộ, hệ thống chứ không nên thể hiện ở nhiều văn bản.

Giải trình thêm vấn đề này, ông Nguyễn Văn Du – Phó Chánh án TAND tối cao cho rằng quy định miễn, giảm, hoãn là cần thiết vì xuất phát từ thực tiễn.

“Có trường hợp bị mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng không thể đưa đi được. Người từ đủ 14 đến dưới 18 bị phạt tù. Hay khi đang chấp hành ở cơ sở cai nghiện nhưng cơ quan có thẩm quyền xác nhận họ không còn nghiện thì toà phải ra biện pháp miễn chấp hành thời gian còn lại” – ông Du dẫn chứng./.

Ngọc Thành/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận