Có tránh được tình trạng 'lướt ván', 'tráng men' trong luân chuyển cán bộ?

Để không còn tình trạng luân chuyển cán bộ theo kiểu 'lướt ván', 'tráng men', phải tuân thủ nguyên tắc minh bạch, dựa vào quy hoạch và năng lực của cán bộ.

 

Luân chuyển cán bộ là một chủ trương quan trọng của Đảng trong công tác cán bộ nhằm rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tạo điều kiện để cán bộ phát triển toàn diện về năng lực lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài của toàn hệ thống chính trị. Qua luân chuyển, cán bộ được trải nghiệm thực tế và có điều kiện để rèn luyện trưởng thành hơn. Tuy nhiên, trong quá trình luân chuyển cán bộ, cũng có nơi, có lúc chúng ta thực hiện chưa đúng quy định của Đảng nên có cán bộ luân chuyển không phát huy được, thậm chí bị kỷ luật.

Tại các nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ đều nhấn mạnh đến công tác luân chuyển cán bộ. Từ trước Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, Đảng đã có chủ trương đưa cán bộ từ cơ quan trung ương về nhận vai trò lãnh đạo chủ chốt ở địa phương và ngược lại. Từ đó đến nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa nội dung luân chuyển cán bộ vào một mục trong các Nghị quyết về công tác cán bộ, theo đó sẽ thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý giữa các ngành các cấp nhằm sử dụng có hiệu quả và tạo nên sự đồng đều trong đội ngũ cán bộ, bồi dưỡng toàn diện cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn.

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ, thực tế thời gian qua, chúng ta đã thực hiện nhiều đợt luân chuyển cán bộ. Có những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước từng trưởng thành qua luân chuyển cán bộ.

“Điều động, luân chuyển cán bộ là một khâu quan trọng của công tác cán bộ, rất nhiều đồng chí đã kinh qua nhiều cương vị công tác trước khi nhận những nhiệm vụ quan trọng hơn. Điều động, luân chuyển để đảm bảo đổi mới cán bộ”, ông Thưởng nhấn mạnh.

Ông Lê Quang Thưởng - nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương.

Thực hiện các nghị quyết, nhất là Nghị quyết Đại hội XII và Đại hội XIII của Đảng cũng như các nghị quyết của trung ương về quy hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông, gắn kết giữa quy hoạch của cấp trên với cấp dưới, giữa trung ương với địa phương, giữa các địa phương, bộ, ban, ngành với nhau, giữa cán bộ đảng, đoàn thể với cán bộ nhà nước. Trong quá trình thực hiện luân chuyển cán bộ, chúng ta đã thực hiện một cách bài bản, khoa học từ khâu lựa chọn cán bộ luân chuyển, đề xuất về chức danh luân chuyển, địa bàn luân chuyển, dự kiến chức vụ sẽ bố trí sau luân chuyển.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, việc luân chuyển cán bộ thực ra trong thời phong kiến đã làm rồi; sau cách mạng tháng Tám, Bác Hồ cũng luân chuyển cán bộ. Khi đổi mới, chúng ta có Nghị quyết của Bộ Chính trị khóa IX về luân chuyển cán bộ, từ đó thực hiện thường xuyên và nền nếp hơn.

Nhiều chuyên gia về xây dựng Đảng và người dân có chung nhận định, chưa bao giờ công tác cán bộ được Đảng coi trọng và thực hiện một cách bài bản trong tất cả các khâu như hiện nay, vừa thực hiện quy hoạch cán bộ lâu dài và cán bộ chiến lược. Đối với công tác luân chuyển cán bộ dù đã đạt được rất nhiều kết quả, tạo ra được một đội ngũ cán bộ có năng lực, giàu kinh nghiệm thực tế. Tuy nhiên trong luân chuyển cán bộ vừa qua ở một số nơi, một số lúc thực hiện chưa đúng với chủ trương và yêu cầu luân chuyển.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Dẫn ra nhiều trường hợp luân chuyển không đúng như trường hợp chỉ trong 6 tháng đã kinh qua 3 vị trí lãnh đạo tại Bắc Ninh hay trường hợp ở Vĩnh Phúc chỉ sau 8 năm, trong đó có 2 năm đi học ở nước ngoài, đã luân chuyển qua 3 chức vụ, cuối cùng được bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở và đặc biệt là trường hợp luân chuyển đối với Trịnh Xuân Thanh, PGS Nguyễn Minh Tuấn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, có đôi khi, đôi nơi đã thực hiện không đúng tinh thần luân chuyển cán bộ, khiến cho công tác luân chuyển có những lúc méo mó, thậm chí những khuyết điểm bổ nhiệm người nhà, người thân, nên có một vài trường hợp người ta gọi là “lướt ván”, “tráng men”.

Để không còn tình trạng luân chuyển cán bộ theo kiểu “lướt ván”, “tráng men”, ngoài việc phải tuân thủ đúng quy trình về công tác cán bộ, cần đề cao trách nhiệm, vai trò người đứng đầu trong bố trí, sắp xếp, luân chuyển cán bộ, phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, dựa vào quy hoạch và năng lực thực chất của cán bộ. Đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và cơ quan, cá nhân có trách nhiệm trong điều động luân chuyển cán bộ. Ai đó bố trí, luân chuyển cán bộ không đảm bảo thì phải chịu xử lý trách nhiệm chứ không thể vô can. Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ có được đội ngũ cán bộ tốt, hết lòng vì nước, vì dân./.

Tiến Anh/VOV1
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận