Đảng đã ban hành đồng bộ các quy định liên quan đến công tác cán bộ

Đảng đã ban hành đồng bộ các quy định liên quan đến công tác cán bộ như: tiêu chuẩn chức danh; quy hoạch; đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đào tạo lý luận chính trị.

 

Ban hành đồng bộ các quy định liên quan đến công tác cán bộ

Năm 2021 là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra, một trong những khâu then chốt cần thực hiện đó là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trọng tâm là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Để chuẩn bị thật tốt cho khâu then chốt này, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản rất quan trọng về công tác cán bộ, có ý nghĩa lớn đối với công cuộc cải cách, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức như: Nghị quyết số 39 (năm 2015) về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 26 (năm 2018) về tập trung xây dựng đội ngũ chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định số 205 (năm 2019) về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền….

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2021 mới đây, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết, về cơ bản Đảng đã ban hành đồng bộ các quy định liên quan đến công tác cán bộ như: tiêu chuẩn chức danh; quy hoạch; đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đào tạo lý luận chính trị; phân cấp quản lý và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; luân chuyển; đánh giá; lấy phiếu tín nhiệm; miễn nhiệm, từ chức mà không đợi hết nhiệm kỳ, hết thời gian bổ nhiệm…

“Việc ban hành các quy định này đã cụ thể hóa được quan điểm, mục tiêu của Đảng đối với công tác cán bộ, tạo sự chủ động, thực hiện nghiêm và thuận lợi cho các cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức thực hiện. Quá trình triển khai đạt được những kết quả tích cực nhưng còn phải tiếp tục đánh giá, rà soát, sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu tình hình mới”- bà Trương Thị Mai cho biết.

Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu đề ra, các cấp ủy cơ sở đã cụ thể hóa, điều chỉnh, bổ sung theo quy định, hướng dẫn của Trung ương và phù hợp thực tiễn địa phương về công tác cán bộ. 

Như ở Hậu Giang, trong định hướng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu vươn lên thành tỉnh có trình độ phát triển khá, tỉnh nhận diện thách thức lớn nhất là chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

Ông Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang (đứng phát biểu, ảnh: Báo Hậu Giang).

Để thực hiện đột phá chiến lược trên, theo ông Nghiêm Xuân Thành, Tỉnh ủy Hậu Giang đã thông qua đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Đề án tập trung vào hệ thống giải pháp đồng bộ, bảo đảm tính liên thông giữa các khâu trong công tác cán bộ và tập trung vào 5 nhóm giải pháp.

Trong đó tập trung đẩy mạnh tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyển dụng; đổi mới nội dung, phương thức, quy trình giao nhiệm vụ và bộ tiêu chí chấm điểm, đánh giá cán bộ.

Cụ thể, Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành quy định bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh, lượng hóa bằng thang điểm đối với sản phẩm công việc cụ thể theo nhóm chức danh, vị trí việc làm, phân 2 cấp thẩm quyền trong giao nhiệm vụ và đánh giá xếp loại. Trong đánh giá, nhận xét về phẩm chất, năng lực cán bộ, lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao là thước đo chính, gắn với sản phẩm cụ thể. Công khai kết quả thực hiện nhiệm vụ và mức chấm điểm đánh giá xếp loại cán bộ hàng năm để cán bộ, đảng viên tại cơ quan, đơn vị giám sát.

Bên cạnh đó, Hậu Giang đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đổi mới, nâng cao chất lượng trong quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ.

“Hậu Giang xác định đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài và bền vững. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là đột phá chiến lược trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong giai đoạn phát triển mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII” – ông Nghiêm Xuân Thành cho biết.

Cán bộ được điều động, bổ nhiệm phải có sản phẩm tham gia phòng, chống Covid-19

Còn đối với TP.HCM, bà Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Đề án vị trí việc làm, khung năng lực vị trí việc làm, bản mô tả vị trí việc làm đảm bảo khoa học theo chức năng, nhiệm vụ và mục đích hoạt động của từng đơn vị; thẩm định, phê duyệt Đề án, trên cơ sở đó cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo ngạch chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và trình độ đào tạo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm cơ cấu phù hợp. Ban hành danh mục vị trí việc làm, bản mô tả vị trí việc làm đối với 9 ngành thuộc khối Đảng, đoàn thể chính trị xã hội của thành phố.

Bà Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Cụ thể hóa một số nội dung triển khai nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp cho lộ trình đã xác định cho từng giai đoạn, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, hệ thống chính trị của thành phố, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Triển khai thực hiện các quy định về giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ.

“Điều đáng chú ý là, trong công tác cán bộ như điều động, quy hoạch, bổ nhiệm, các ứng viên phải có báo cáo sản phẩm tham gia phòng chống dịch Covid-19, tham gia giúp nhân dân ứng phó với dịch bệnh hay các chức danh cho HĐND bầu cử thì các ứng cử viên phải xây dựng và trình bày chương trình hành động trước khi đại biểu HĐND tiến hành bỏ phiếu bầu. Chỉ đạo đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp của thành phố, kịp thời kiện toàn các các chức danh chủ chốt của thành phố, một số địa phương, cơ quan, đơn vị để đảm bảo yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch Covid-19” – bà Nguyễn Thị Lệ cho biết.

Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, năm 2022, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ tiếp tục xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng về công tác tổ chức xây dựng Đảng như: luân chuyển cán bộ; bảo vệ chính trị nội bộ; phân cấp quản lý, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 18 và một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết 18; lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng; một số cơ chế, chính sách theo Kết luận 21 như thí điểm một số chủ trương: người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để bầu cử, bổ nhiệm làm cấp phó; bí thư cấp ủy giới thiệu ủy viên thường vụ để bầu; giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch; miễn nhiệm cấp trưởng cấp dưới trực tiếp; tổng kết thí điểm thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng… nhằm tiếp tục tạo sự đồng bộ, đổi mới trong công tác tổ chức xây dựng Đảng./.

Theo Kim Anh/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận