Sáng 13/1, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Tổ chức xây dựng Đảng năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng cùng quan tâm, phối hợp chỉ đạo tiếp tục tạo sự chuyển biến trong công tác tổ chức xây dựng Đảng trong năm 2022.
Trong đó tập trung tham mưu và tổ chức thực hiện 19 Đề án về tổ chức xây dựng Đảng trong Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2022. Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của toàn ngành để hoàn thiện mức cao nhất 2 Đề án trình Hội nghị Trung ương 5, Trung ương 6 (khóa XIII).
Nhấn mạnh Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng yêu cầu đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện, tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, bà Trương Thị Mai cho biết, ngành Tổ chức xây dựng Đảng muốn làm tròn trách nhiệm phải nghiên cứu, tham mưu có hiệu quả, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến công tác tổ chức xây dựng Đảng với 3 đột phá.
Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là công tác tổ chức, cán bộ; Phát huy dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới sáng tạo; Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, lãng phí; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực.
Bà Trương Thị Mai cho biết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ tiếp tục xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng về công tác tổ chức xây dựng Đảng như luân chuyển cán bộ; bảo vệ chính trị nội bộ; phân cấp quản lý, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 18 và một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết 18; lấy phiếu tín nhiệm trong đảng...
Đề cập đến một số cơ chế, chính sách theo Kết luận số 21 về đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bà Trương Thị Mai cho biết sắp tới sẽ trình một số cơ chế, chính sách như thí điểm chủ trương người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để bầu cử, bổ nhiệm làm cấp phó; Bí thư cấp ủy giới thiệu ủy viên thường vụ để bầu; giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch; miễn nhiệm cấp dưới trực tiếp và tổng kết thí điểm việc thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ sở, phòng, đồng thời nghiên cứu cơ chế thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ.
“Đặc biệt, Bộ Chính trị lần đầu tiên sẽ xem xét, quyết định tổng biên chế của hệ thống chính trị trong giai đoạn 2022-2026 và quy định về quản lý biên chế. Vừa rồi, chúng tôi đã báo cáo việc tổng kết Kết luận 39; việc tổng biên chế của từng cơ quan, chúng ta sẽ thảo luận rất kỹ, có giảm nữa hay không thì tiếp tục thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng” - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết.
Bộ Chính trị sẽ ban hành quy chế, quy định về quản lý biên chế của hệ thống chính trị. Quy chế sẽ tập trung vào việc phân cấp, phân quyền gắn với nêu cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.
“Vấn đề biên chế cũng là vấn đề rất hệ trọng và dự kiến thời điểm trong Quý 1 năm 2022. Sau khi Bộ Chính trị ban hành quyết định biên chế cho từng nơi thì người đứng đầu sẽ toàn quyền trong việc sắp xếp biên chế” - bà Trương Thị Mai nói./.
Theo VOV.VN