Sáng 12/1, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, trong năm 2021, toàn ngành Nội chính Đảng đã đạt được 6 nhóm kết quả nổi bật.
Trong đó, toàn ngành đã nghiên cứu tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương 10 Đề án, chuyên đề lớn. Trong đó có nhiều vấn đề mới, vừa cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, vừa giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra như phòng, chống tiêu cực, kiểm soát quyền lực, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Bên cạnh đó, toàn ngành đã chủ động, kiên quyết, kiên trì, cụ thể hơn trong phối hợp với các cơ quan chức năng, tham mưu chủ trương, định hướng xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ án, vụ việc xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý đất đai, tài sản công, thi hành án hình sự, các vụ án vụ việc tại Khánh Hòa, TP.HCM, Đồng Nai, An Giang; chủ động đề xuất đưa một số vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo và Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo, xử lý.
Nhắc lại vụ kít xét nghiệm Covid-19 tại công ty Việt Á được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, ông Phan Đình Trạc cho rằng, qua vụ việc này cũng cho thấy "sự sơ hở, yếu kém trong công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng".
"Vụ việc cũng là sự cảnh báo “virus tham nhũng” còn rất nhiều, rất phức tạp, nhiều biến thể, nhờn thuốc, bất chấp, đòi hỏi chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn mà phải chủ động tấn công, tăng sức đề kháng nếu không sẽ dễ bị tác động, lây nhiễm hoặc vi phạm” - ông Phan Đình Trạc lưu ý.
Theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương, năm qua, công tác theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp ngày càng đi vào nề nếp và hiệu quả hơn.
Toàn ngành đã tham mưu chỉ đạo thanh tra, chuyển nhiều vụ việc sai phạm sang cơ quan điều tra qua thanh tra diện rộng công tác quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Phối hợp tham mưu kiểm tra, xử lý nghiêm nhiều tổ chức đảng, đảng viên sai phạm liên quan đến các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; giúp các thành viên Ban chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở 12 bộ, ngành, địa phương. Nhiều Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy có cách làm mới, hiệu quả, công kiểm tra, giám sát đã phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều hạn chế, sai phạm...
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc lưu ý toàn ngành cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của đảng về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Nhất là tập trung nghiên cứu, tham mưu xây dựng Đề án chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Đề án về nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; Đề án nghiên cứu, đề xuất thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Đề án về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án...
Cùng với đó, tích cực, chủ động, sâu sát, quyết liệt hơn nữa trong tham mưu chỉ đạo phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư không để “chững lại hay chùng xuống”, “không vì có dịch Covid-19 mà ngừng lại, không xử lý”. Trong đó tập trung tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về giám định, định giá để đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng, tiêu cực đã khởi tố.
“Tập trung tham mưu chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, thanh tra, điều tra xử lý nghiêm các sai phạm liên quan vụ án kít xét nghiệm của Công ty Việt Á và các vụ, việc liên quan đến lĩnh vực y tế đã được đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo”.
Ông Phan Đình Trạc nói như vậy, đồng thời lưu ý toàn ngành tham mưu chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực như lĩnh vực y tế, phòng chống dịch Covid-19, quản lý, sử dụng đất đai; việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; quản lý vốn, tài sản Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; các dự án mua sắm lớn từ ngân sách Nhà nước.../.
Theo Kim Anh/VOV.VN